Từ “Yên Bình dậy sóng”: Muốn làm cô giáo phải đâu...chuyện đùa!

(Dân trí) - Vụ việc được coi là “bom tấn dưới mái trường” mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đề cập tới trong loạt bài viết về 80 giáo viên ở huyện Yên Bình, Yên Bái bị đòi đưa ra khỏi biên chế, càng khiến dư luận lo hơn về nhiều trái “bom nổ chậm” vẫn tiềm ẩn...

Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió” (chùm ảnh của Đỗ Doãn Hoàng)
Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió” (chùm ảnh của Đỗ Doãn Hoàng)

 

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

 

Trong một chuyến công tác lên vùng cao đã lâu, chúng tôi cũng gặp một số nữ giáo viên cắm bản ở Mộc Châu. Đó là vào bữa ăn trưa, cô trò ngồi ngay trên nền đất gồ ghề của căn nhà lá đơn sơ được ngăn ra một bên là lớp học, một bên là chỗ ở của cô giáo, cùng chia sẻ bữa cơm đạm bạc với thức ăn chỉ có đĩa tép khô rang mặn và bát canh rau cải nấu suông.

 

Qua câu chuyện ngập ngừng kể trong những nụ cười buồn đầy thẹn thùng và cả ngân ngấn nước mắt tủi hổ, mấy cô giáo trẻ khá xinh gái tiết lộ: Để được đi dạy học ở các trường nơi “rừng xanh núi đỏ” (đúng như cách nói của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng), cha mẹ họ đều phải huy động hết mọi nguồn lực họ hàng, người thân. Để người ít thì khi đó cũng đã phải chục triệu, người nhiều vài chục triệu… lót tay, lót chân người ta. Sau vài ba năm cắm bản, lại “chạy tiếp vài chục” nữa dọn đường cho các cô giáo trẻ về thị xã, huyện  lỵ… còn lo gả chồng, sinh con…

 

Những giọt nước mắt ấy giờ đã lan sang thế hệ giáo viên trẻ tiếp theo, mà 1 trong những ví dụ điển hình là 80 cô giáo tội nghiệp ở Yên Bình…Đó là còn chưa kể tới hơn 300 trường hợp bị huyện “nhận thừa” và còn bao nhiêu số phận con người khác vẫn đang trong cảnh bấp bênh, phập phồng lo sợ cho ước muốn nhỏ nhưng rất chân chính. Đó là được đứng trên bục giảng với các em học sinh thân yêu.
 

Thanh Bình tb@yahoo.com.vn cho biết thêm về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”:

 

“Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy việc hiện nay ở nước ta là rất phổ biến. Các ngành, các cấp chắc chắn đều biết, những người có trách nhiệm của Đảng chắc cũng biết. Nhưng với cách xử lý kỷ luật theo kiểu hiện nay thì không biết bao giờ mới hết được ‘những điều trông thấy mà đau đớn lòng’? Hãy trao thêm quyền lực cho báo chí và người dân, đồng thời minh bạch hóa thông tin thì mới mong chống tham nhũng có hiệu quả được”.

 

Đao Thi Thanh thanhthoth2@gmail.com.vn dùng cụm từ đầy châm biếm “đánh dậm” để nói về chiêu thức moi tiền mà người ta cũng chẳng tha với những ai vẫn nuôi mộng “mai đây làm cô giáo”: 

      

“Trong ngành Giáo dục bây giờ cũng có lắm cách moi tiền của chính giáo viên lắm đấy. Từ cán bộ phòng đến sở, từ việc 'đánh dậm' các trường đến từng giáo viên. Các cơ quan chức năng cần nghĩ ra cách nào chặn mọi mánh khóe ‘ăn tiền’ của các nhà quản lý giáo dục ‘mẫu mực’ này chứ! Vẫn biết ngành giáo dục là tấm gương sáng, thế mà lại để cho tiêu cực tràn lan thế thì phải gọi là ‘gương’ gì?”

 

Nói về trường hợp “bom tấn” của Yên Bình, bạn đọc cho rằng cũng chưa đáng lo bằng hiểm họa những quả “bom nổ chậm” vẫn tiềm ẩn ở nhiều nơi khác, mà khi phát nổ sức công phá có khi còn ghê gớm gấp nhiều  lần.

 

“Không riêng Yên  Bình, quê tôi giá còn gấp đôi. Tôi rất đồng lòng với việc đã có án kỷ luật của Tỉnh ủy Yên Bái cụ thể cho từng vị lãnh đạo Yên Bình. Nhưng lại rất băn khoăn không biết UBND tỉnh Yên Bái và UBND huyện Yên Bình có được xem các nội dung kỳ họp Quốc hội tháng 11/2012 không, mà vẫn tiếp tục giữ người đã tham nhũng làm công tác chống tham nhũng và còn đưa vào các chức sắc cao hơn khi bị kỷ kuật? Nếu cứ như thế thì liệu họ nói ai nghe và dân biết tin ai nữa?” - Lê Đại Nam:  XuanPhong52@gmail.com

 

“Ở một trường mầm non trên địa bàn huyện Thạch Thất của tôi, năm ngoái khi một số giáo viên lâu năm được xét duyệt vào biên chế nhà nước, khi thấy có khả năng được, Hiệu trưởng đã bắt mỗi GV có trong danh sách phải nộp cho cô ấy 10 triệu để cô ấy "giữ chân" cho. Khi được cầm quyết định trong tay, Hiệu trươngr lại bắt các cô nộp tiền đi "cảm ơn" cấp trên. Nói chung cứ thấy có quyền lợi gì cho cá nhân là cô ấy đều gợi ý phải đi "cảm ơn". BỨC XÚC LẮM MÀ KHÔNG BIẾT KÊU AI?” - Hong Que:  muopdangpt@yahoo.com

 

“Ở Điện Biên còn phải mất tới hơn 100 triệu đó” - AAA:  congaumu@gmail.com

 

“Ở quê mình là một tỉnh thuần nông cũng vậy. Mình thấy giáo viên ở huyện mình có người dạy hợp đồng 4-5 năm rồi mà có được biên chế đâu. Lương dạy hợp đồng thì thấp chỉ 500 nghìn đ/tháng, cộng thêm các khoản thì tổng lương cũng chỉ trên 1 triệu/ tháng. Hết năm mọi người lại phải đi xin giấy giới thiệu của phòng GD để gia hạn hợp đồng, khi đó lại phải mất vài triệu để xin giấy giới thiệu, nếu không xin được thì nghỉ dạy. Có nhiều giáo viên ra dạy được một vài năm rùi bỏ đi làm nghề khác. Những ai còn đi dạy thì coi như là dạy không lương để chờ đợt xét biên chế. Đến khi xét biên chế lại phải nhờ hết người này người kia. Nếu nhà có người làm giới chức thì mất tiền ít hơn nhưng còn được biên chế, chứ nhiều nhà không có người giúp thì cứ hãy đợi đấy! Mỗi suất chạy biên chế cũng không hề rẻ đâu nhé, phải trên 60 triệu đấy!” – Gà Con: tinhngheoconhau0185@yahoo.com

 

“Chuyện chạy để vào biên chế và đút tiền để chuyển trường là chuyện thường ngày ở ngay thủ đô này. Huyện nào chẳng thế. Đau lòng lắm! Cứ điều tra bí mật các giáo viên mà xem” - Tuấn:  yen.phuphuong@gmail.com

 

“Gửi quý báo, nếu các vị vào Đak Lak thì sẽ thấy sự việc ở Yên Bình chưa là gì cả đâu. Ở Đak Lak còn tệ hại hơn nhiều. Các vị mà dân gọi là ‘quan giáo dục’ ăn từ tỉnh xuống huyện. Có các hiệu trưởng trường THPT đi làm bằng ô tô con, chắc các tỉnh lẻ khác không thể theo bằng?” - Buon rau:  Baonhatntt@yahoo.com
 
Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió” (chùm ảnh của Đỗ Doãn Hoàng)
Các cô giáo khổ sở đọc bản hợp đồng được đề nghị ký sau khi hủy biên chế, với những điều khoản vô lý hơn cả khi... tạm tuyển

 

Thượng hay hạ sách?

 

Vì sao gương sáng trong ngành giáo dục xưa nhiều là thế, mà nay cứ bị mờ dần đi tỉ lệ nghịch với thu nhập. Hay nói cách khác là ở những nơi khó khăn, vùng sâu vùng xa, thu nhập rất thấp thì vẫn rất nhiều gương sáng. Còn các thành phố, vùng đồng bằng trù phú, mức sống người dân cao hơn thì gương… chỉ thấy hai tông màu chủ đạm là Xám hoặc Đen… nhờ nhờ (mảng sáng có đấy, nhưng nhỏ quá nên dễ bị chìm khuất).

 

Biện pháp giao quyền tự chủ theo NĐ43 bị điểm danh trong số các nguyên nhân, mà theo cách nhìn nhận của khá nhiều người trong và cả ngoài ngành giáo dục thì tưởng đâu thượng sách mà thật ra lại chỉ là hạ sách:

 

“Yên Bình cũng thế mà các huyện trong tỉnh Yên Bái đều thế. Giao quyền tự chủ theo NĐ43. Hiệu trưởng quyền to như… Chủ tịch (tỉnh, huyện, xã) luôn. Ở TP Yên Bái, nếu điều tra thì còn quá thế. (Theo tôi được biết) một suất vào biên chế ở trường tiểu học NTH, NTr phải mất từ 70 triệu đến 120 triệu ‘cúng’ cho Hiệu trưởng. Không tin cứ thử hỏi giáo viên xem. Buồn vì Yên Bái lắm!” - Đỗ Thanh Hằng:  thanhhang1774@gmail.com

 

Và cơ chế xin – cho vẫn chiếm vị trí ngang nhiên đến mức người dân bình thường cũng chẳng khó gì mà không nhận thấy:

 

“Các bạn ơi! Giờ ở đâu và ở ngành nghề nào thuộc quyền quản lý của nhà nước cũng có thể thấy tình trạng như vậy mà. Tuyển dụng đầu tiên phải là con ông cháu cha, tiếp theo là các quan hệ thân thiết, còn có tiền cũng chưa chắc đã được việc đâu. Vẫn kiểu cơ chế "xin - cho" mà…. Thôi đành, khó khăn thì phải khắc phục chứ giờ biết sao được. Thành thật chia buồn với các thầy, các cô, mong các thầy các cô sẽ sớm vượt qua được khó khăn này” - Thanh Tùng:  th.tung.mk@gmail.com

 

Biết là một chuyện, nhưng dám nhìn thẳng vào đó và nói lên sự thực trần trụi đó đâu phải ai cũng làm được như các nhà báo, trong đó có cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Vì thế, không biết đã bao lần người dân gửi thư ngỏ cho anh, gửi gắm những nỗi niềm tâm sự với anh…

 

“Thưa quí báo! Xin chào anh Hoàng! Cảm ơn anh đã mạnh dạn nêu ra những vấn đề búc xúc này. Quả thật những "nạn" này ở đâu cũng có. Ví dụ như theo tôi biết, trong đợt thi tuyển giáo viên THPT của sở GD & ĐT Hà Nội vừa qua ở quê tôi, trường THPT PX. B nếu trường hợp nào muốn đỗ thì gặp trực tiếp Hiệu trưởng, với giá được ra là từ 150 - 200 triệu đồng, kể cả những môn chỉ có 1 chỉ tiêu và có 1 hồ sơ dự thi. Còn các trường khác thì giá rẻ hơn. Và tôi thấy thật phải biểu dương việc vẫn có những Hiệu trưởng thí sinh dự thi đem phong bì đến tận nhà 3 lần mà đồng chí vẫn không nhận, còn nói: Cháu cứ tự tin mà thi. Kết cục là thí sinh đó đỗ. Mong báo chí tăng cường thêm tiếng nói, để góp phần cứu những con người “Lái đò thầm lặng" ngày nay!” - Nguyễn Tiến Tùng:  nguyentientung2000@gmail.com

 

“Cảm ơn những bài báo của anh Hoàng đã đứng về phía các giáo viên nghèo của huyện tôi. Nhưng nhà báo có biết không? Sau những hứa hẹn của lãnh đạo huyện, giờ họ không gọi cả 80 cô ra ký hợp đồng nữa, mà gọi mỗi trường vài cô ra để "dễ bề hành xử". Chắc các cô giáo ấy chẳng biết làm gì hơn nữa rồi. Là người dân, tôi nghe xong mà cũng thấy bức xúc quá. Làm quản lý, làm người "công bộc của dân" sao lại ép dân như thế? Một lần nữa mong nhà báo hãy đứng về phía họ (những giáo viên nghèo vùng cao)” - Lê Quân:  thamquan@gmail.com

 

“Tàn nhẫn với các cô giáo mầm non quá! Nguyện vọng của các cô cũng chỉ là có đồng lương ổn định để mưu sinh, chứ có phải tham vọng quan chức gì đâu? Ai cũng có con cái, mấy ông giới chức đó phải chăng là máu lạnh? Họ đã bao giờ tưởng tượng các con mình có một ngày rơi vào hoàn cảnh trớ trêu đó chưa? À mà quên mất, con các ông bà ấy thì làm sao bị rơi vào cảnh như thế này mà tưởng tượng được? Chỉ tội nghiệp các cô giáo khốn khổ chẳng có gì… chống lưng!” – Do Thai Hung:  hathai@gmail.com

 

 “Xin được bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc tới bạn đọc và những cán bộ, công nhân viên chức nhà nước phải… mất tiền để có được cái ghế, cái chỗ làm việc. Thật sự mà nói thì trên đời này không ai cho không ai cái gì, nhất là khi mà lòng tham của nhiều con người ngày nay là vô hạn. Không chỉ trong ngành giáo dục tệ tham nhũng hoành hành như vậy, mà ở đâu cũng có thể như thế cả thôi. Có điều ta có dám nói ra không, ai trong chúng ta dám nói ra sự thật ‘chết người’ này? … Chúng ta cứ trách tại sao giáo viên (chủ yếu là ở thành phố và miền xuôi) cứ phải thu này, thu khác, gợi ý này gợi ý khác... Tất cả, theo tôi cũng do tệ chạy chức, chạy biên chế mà ra. Do vậy họ phải tận thu để hoàn vốn, do vậy họ phải dạy thêm... Đúc kết lại cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi” – Nguyen Thao Nhu:  nguyenthaonhu@yahoo.com

 

“Giáo dục Việt Nam không lẽ đường cùng rồi? Toàn là tham nhũng, bệnh thành tích... Tôi là giáo viên cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ và nhục nhã, khi thấy nhiều học sinh giờ coi thường thầy cô quá. Bệnh thành tích của giáo dục cần phải chữa ngay! Mà tôi chẳng hiểu mấy vị ở Bộ Giáo dục sao cứ như rảnh quá, toàn nghĩ ra những cái… không đâu vào đâu. Nay thay sách, mai thay sách (kiến thức chưa chuẩn)… Trong khi đó thành tích lại muốn phải thật cao. Quá kém!” - Dam:  hoahongtim_bs@yahoo.com
 
Các giáo viên thuộc diện bị huỷ biên chế trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Yên Bình
Các giáo viên thuộc diện bị huỷ biên chế trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Yên Bình

 

Nói về ngành giáo dục, bao người dân chỉ mong có một ngày: Không còn chủ đề gì bị đưa lên bàn cho dư luận mổ xẻ nữa. Mà không đâu, cả Y tế và nói chung là nhiều ngành lắm cũng vậy, vẫn còn nhiều lắm những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

 

Kiều Anh