Bạn đọc viêt

Từ chuyện gia đình 2 chị em cùng vào Harvard, nhìn lại cách tuyển sinh của nước ta

Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

Minh họa: Ngọc diệp
Minh họa: Ngọc diệp

Được học bổng toàn phần vào đại học ở Mỹ đã là khó, nhưng việc một cô gái đang học lớp 12 được nhận học bổng đặc biệt của trường ĐH Harvard thì thật là tự hào. Nhưng điều khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn lại là việc: Tại sao cách tuyển sinh viên của ta khác xa với của họ?

Câu hỏi này có nhiều người có thể cho rằng mang so sánh như vậy quá khập khiễng bởi hai nền kinh tế, chính trị quá khác biệt. Tuy vậy, tôi vẫn buộc phải đặt câu hỏi này bởi khả năng hòa nhập công việc, khả năng nghiên cứu của các sinh viên đã tốt nghiệp ở hai nơi khác quá xa nhau.

Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến phương thức tuyển sinh, còn việc sinh viên nhận được học bổng hay không, học như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Môi trường xã hội, gia đình, tố chất, trình độ Anh ngữ …

Tuyển sinh viên của Việt Nam chúng ta từ trước đến này hoàn toàn trông chờ 100% kết quả thi. Thi tất cả những kiến thức gì đã được cho vào sách giáo khoa. Có lẽ chúng ta quá rõ với những loay hoay, cải cách thi cử những năm qua nên không cần nhắc lại.

Còn với cô học sinh Tôn Hiền Anh ( học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam) vừa được nhận học bổng đặc biệt của Harvard lại nhờ phần lớn vào 2 bài luận. Mà những gì trong bài luận của Hiền Anh lại hoàn toàn nhờ vào cảm nhận, nghĩ suy từ cuộc sống. Cùng với bài luận viết về nhận xét, đánh giá khi Hiền Anh chứng kiến việc xây dựng lại tháp đôi ở Mỹ là bài luận “Vòng đời” của Hiền Anh viết về những suy nghĩ, trăn trở của 3 thế hệ ngoại – mẹ - con của chính gia đình mình. Vì vậy, mỗi con chữ đó đều xuất phát tất cả từ tấm lòng của người con với gia đình, với hoàn cảnh khó khăn của chính gia đình ngoại, của mẹ mình. Ông ngoại mất sớm, gia đình thiếu thốn đủ bề, nên dù mẹ Hiền Anh học giỏi cũng chỉ dám học cao đẳng y tế. Nhưng với quyết tâm và nghị lực, mẹ em vẫn phấn đấu, tiếp tục học và tốt nghiệp đại học Y. Chính hoàn cảnh khó khăn của gia đình bên ngoại, sự ham học và nghị lực của mẹ là tấm gương sống động nhất cho em. Tất cả những khó khăn, nghị lực, hoài bão của gia đình, của em được dồn nén và òa ra trong bài luận một cách chân thành nhất. Harvard đánh giá bài luận này rất cao, cũng vì vậy, em nhận được học bổng đặc biệt với trị giá 320.000 USD trong vòng 4 năm học, trong đó được hỗ trợ cả chi phí ăn ở, vé máy bay và một số chế độ khác.

Trước đó, người chị của Hiền Anh là Hà Anh cũng là cựu học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam cũng được nhận học bổng đặc biệt của trường ĐH Harvard năm 2011.

Nội dung này được đăng tải là nhờ những câu chuyện từ diễn đàn “Con đường đến các trường đại học Ivy League” vừa diễn ra chiều ngày 9.4 tại Hà Nội. Chúng tôi mong rằng, không chỉ có các em học sinh, các bậc phụ huynh mà cả các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các nhà giáo cũng nên đến những diễn đàn kiểu này để nghe, hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn cách tuyển sinh, cách dạy và học của các nước tiên tiến trên thế giới với hy vọng học hỏi được những điều bổ ích nào đó cho giáo dục nước nhà.

Và cũng dịp này, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ vừa mới nhậm chức. Khi trả lời báo chí, ông đã đề cập những hướng đi rất rõ. Trả lời trên báo Vnexpress ngày 10.4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất cầu thị khi nói: “Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết.” Đồng thời, ông khẳng định một hướng đi rất rõ: “Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.”

Chúng ta hy vọng, với hướng đi mới, giáo dục nước nhà sẽ có những bước tiến nhanh kịp với xu thế của thế giới.

Vương Hà