Trong vụ án Hà Văn Thắm: Nguyễn Xuân Sơn có tự cứu mình?

Án sơ thẩm đã tuyên. Nguyễn Xuân Sơn phải chịu mức án cao nhất. Nhưng, ông Sơn vẫn có thể tự cứu sinh mạng của mình, đồng thời, không để điều cực kỳ phi lý xảy ra.


Giai đoạn 2 của vụ án, liệu Nguyễn Xuân Sơn có khai ra những người được mình “chăm sóc”?

Giai đoạn 2 của vụ án, liệu Nguyễn Xuân Sơn có khai ra những người được mình “chăm sóc”?

Thông cảm với tội lỗi của ông, nhưng tôi cũng phải nói thẳng: Tòa không thể tuyên án khác được. Bởi, ông bị quy kết nhiều tội danh, trong đó có tội nhận hối lộ với số tiền quá lớn, đã thế lại không thành khẩn khai báo. Dư luận biết, ông tôn trọng “luật chơi”, bởi được biếu các sếp đã là quý lắm rồi, giờ ai nỡ khai ra. Tuy nhiên, đến đây buộc phải bàn về chữ NHƯNG, không thể khác ông Sơn ạ.

Đã là “luật chơi”, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Vậy mà, giờ đây, một mình Sơn phải gánh tội chiếm đoạt ngân khố 49 tỉ đồng. Đến tận lúc này, có ai chịu chia sẻ tội với ông đâu? Lời nói cuối cùng của ông trước HĐXX cũng là tiếng nói thống thiết: "Những ai đã nhận tiền chăm sóc của bị cáo hãy bình tâm suy nghĩ một cách thấu đáo, hoàn trả lại để tâm hồn được thanh thản." Phải chăng ông tin rằng, những người được ông “chăm sóc” có thể hồi tỉnh để “tâm hồn được thanh thản”? Không, dư luận cho rằng, ông cũng chẳng tin gì, bởi ông quá hiểu họ. Vậy, phải chăng đó là lời cảnh báo với những vị ông đã phải “chăm sóc”. Nếu các vị này không tự “bình tâm suy nghĩ một cách thấu đáo”, đến lúc ông Sơn phải khai ra, các vị không còn lý gì để trách Sơn. Đến giờ phút này, ông Sơn vẫn muốn “chơi đẹp” với thượng cấp của mình ư?

Tất cả những khả năng đó đều có thể với ông Sơn. Nhưng, cũng có thể ông Sơn nghĩ, lời khai của mình sẽ chẳng có giá trị gì khi phía bị khai nhận tiền cương quyết chối từ ? Đúng, cũng có khả năng đấy ở một số vụ án, chắc ông Sơn cũng rất biết điều đó – đó là những lúc ông tỉnh táo và là người đứng ngoài cuộc. Nhưng, trong vụ án này, ông lại là một trong những đối tượng đứng đầu vụ án, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nên, dù là người thông minh, ông cũng có thể chưa thấy hết động thái (cũng có thể ông Sơn chưa biết) của cơ quan điều tra. Họ đã khởi tố thêm 3 vụ án khác liên quan đến vụ án này, đặc biệt, nguyên kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh phải thừa nhận nhận 20 tỉ đồng từ ông Sơn đưa cho. Như vậy, với lời khai của ông, dù một phía, đối tượng Quỳnh đã phải thừa nhận, dù không nhận toàn bộ số tiền Sơn khai.

Điều đó cho thấy, cơ quan điều tra có cách để chứng minh, làm rõ được những lời khai của các bị cáo xác thực đến đâu. Kể cả việc khởi tố 3 vụ án ở 3 đơn vị thành viên của PVN, trong đó, một trong những căn cứ quan trọng khởi tố chính là những lời khai của các bị cáo về việc “chăm sóc” lãnh đạo 3 đơn vị này. Đặc biệt, kể cả quan tòa, cả các vị công tố và dư luận cũng thừa biết, “luật chơi” không ai cho phép ông Sơn một mình nuốt từng ấy tỉ đồng. Chỉ ăn tham một chút thôi, chứ đừng nói “nuốt” cả cục tiền, sẽ khó mà tồn tại chứ đừng nói thăng tiến như ông Sơn.

Là người tuân thủ “luật chơi”, nhưng ông Sơn chắc cũng rất rành luật pháp. Dù hiện tại là một trong những người đầu vụ án, nhưng ông Sơn cũng thừa biết, mình cũng chỉ là người thừa hành. Ông Sơn không nói ra nhưng luật sư của ông đã nói thẳng: Đó là những thỏa thuận giữa lãnh đạo PVN và lãnh đạo OceanBank. Tất nhiên, ông Sơn không thực thi những thỏa thuận này, chắc chắn bị văng ra khỏi cuộc chơi đầy cám dỗ. Chỉ tiếc rằng, ông đã không dám bỏ cuộc chơi lắm tiền, nhiều quyền này và thực tế, ít người đủ dũng khí để từ bỏ nó.

Vậy lẽ nào, người thừa hành phải chịu mức án cao nhất, còn người chỉ đạo vẫn vô tư? Phí lý lắm ông Sơn ạ. Ông Sơn cũng rất biết, khai báo ra những người được “chăm sóc”, đặc biệt với kẻ chủ mưu, kẻ được chăm sóc nhiều nhất thì hình phạt rất, rất nhiều khả năng được thay đổi. Nhiều phiên tòa đã chứng minh điều đó. Và ngay phiên tòa này, hàng chục bị cáo đã được giảm hình phạt nhờ những tình tiết giảm nhẹ. Hãy tự cứu mình ông Sơn ạ?

Vương Hà