Trỗi dậy và sụp đổ

Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc tác giả quyển sách “Giấc mơ Trung Quốc”, được 10 nhà xuất bản lớn cạnh tranh mua bản quyền và được dư luận thế giới đánh giá cao về tư duy nước lớn, định vị chiến lược thời “hậu Mỹ”.

Nhà chiến lược Lưu Á Châu viết lời tựa “Cuộc cạnh tranh thế kỷ giữa Trung – Mỹ mở ra thời đại mới trong lịch sử thế giới”.

 

Mở đầu sách, là những chương “Nhất thế giới là giấc mơ trăm năm của TQ”; “Đọ sức thế kỷ: Giành ngôi quốc gia quán quân”. Tác giả nhìn nhận cạnh tranh toàn cầu như là cuộc cạnh tranh giữa các nền văn minh. Từ đó, ông nêu ra những ưu thế có tính chiến lược mà TQ phải nắm lấy để có thể thuyết phục thế giới tôn vinh mình là ngọn cờ thời đại: “Trong thời đại toàn cầu hóa, TQ trỗi dậy, giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, xây dựng thế giới hài hòa, làm cho các giá trị TQ đi ra thế giới”.“Xây dựng thế giới dân chủ, không có bá quyền là nội dung quan trọng của giá trị quan chủ yếu của TQ, có sức hấp dẫn lớn để vẫy gọi và dẫn dắt thế giới”.

 

Văn hóa Trung Quốc là văn hóa bảo vệ lục địa kiểu phòng ngự chứ không giành quyền trên biển kiểu tấn công của phương Tây. Tác giả cho rằng lịch sử cận đại đã từng chứng kiến các nước lớn trỗi dậy có đặc điểm chung là “Trỗi dậy về quyền trên biển”, “Trỗi dậy bành trướng”, “Trỗi dậy thực dân” và “Trỗi dậy chiến tranh”. Đó là những hành động theo luật rừng!

 

Đặc biệt, cuối sách “Giấc mơ TQ”, tác giả dành một chương “Kêu gọi Thuyết Trung Quốc sụp đổ”! Nếu xử lý không đúng thì “nước lớn trỗi dậy cách nước lớn sụp đổ chỉ có một bước”. Theo tác giả, “Hiện nay, chênh lệch giàu nghèo ở TQ quá lớn, số lượng người có kỹ năng thì ít, lại thiếu đất cho sáng kiến nảy nở, do đó trong cạnh tranh sau này sẽ ở vào phía bất lợi. Nền kinh tế không có sáng kiến, không có giá trị phụ gia, một khi đã suy sụp thì khó duy trì trật tự xã hội cơ bản. TQ đang có những tiêu cực vào bậc nhất thế giới".

 

Theo “Tư liệu báo chí” số 10, của Báo Giải Phóng Quân năm 2009 : Trung Quốc có số quan tham cao nhất thế giới; số lượng quan lại đông nhất thế giới; giá thành việc hành chính cao nhất thế giới; chi phí công quỹ nhiều nhất thế giới; số người chết vì các loại tai nạn cao nhất thế giới; số vụ dối trá, lừa gạt, làm hàng giả, hàng nhái đứng đầu thế giới”.

 

Tác giả nhận định, TQ phải giải quyết được 3 mâu thuẫn lớn: Thứ nhất là mâu thuẫn với thiên nhiên: “TQ đang ăn hết cả thế giới và gây tai họa môi trường toàn cầu”. Thứ hai là mâu thuẫn giữa người với người: Tình trạng căng thẳng giữa người giàu với người nghèo ngày càng tăng; thứ ba là mâu thuẫn với thế giới: Trung Quốc đang bị toàn thế giới xem là một nước không có dân chủ, chưa có kinh tế thị trường, đang đe dọa khu vực và toàn cầu.

 

Rất tiếc, các nội dung có tính chiến lược để thực hiện “Giấc mơ TQ” đã chưa được Trung Quốc tiếp thu một cách nghiêm túc. Chỉ riêng trong quan hệ với nước láng giềng VN, họ vừa thực thi một loạt hành động để “giành quyền trên biển”: Mời thầu khai thác dầu trên thềm lục địa VN; lập thành phố Tam Sa và đồn binh trên quần đảo của VN; xua hàng vạn tàu cá xông vào biển Đông; liên tục khiêu khích Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines... Hằng ngày báo chí Trung Quốc kích động thù hằn dân tộc, đe dọa dùng vũ lực đánh chiếm VN, gây chia rẽ các nước ASEAN, khiêu khích Mỹ.

 

Có lẽ nhiều người đều mong muốn một Trung Quốc lớn mạnh, phồn vinh chứ không mong một TQ sụp đổ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy và lớn mạnh đó phải dựa vào chính ưu thế nội tại của TQ trên tinh thần dân chủ, tôn trọng hòa bình, không bá quyền và được thế giới tôn trọng.

 

Theo Tống Văn Công

Lao Động