Bạn đọc viết

Trở lại chuyện cái loa phường

Quả thực không thể hiểu nổi, tại sao giữa thời thông tin công nghệ số mà người ta vẫn duy trì mãi cái cung cách tuyên truyền và phương tiện truyền thông của những năm sáu mươi thế kỉ trước? Rõ ràng là ngoài cái sự lãng phí tiền bạc để lắp đặt những phương tiện truyền thông cổ lỗ sĩ ấy ra còn thì hiệu quả tuyên truyền rất thấp.

Trở  lại chuyện cái loa phường - 1

Minh họa: Ngọc Diệp

Đã hơn 5 giờ chiều rồi mà không khí vẫn nóng hầm hập. Đi trên những con phố, hơi nóng bốc lên từ mặt đường nhựa khiến cho khách bộ hành có cảm giác như đang loay hoay trong đáy cái chảo gang khổng lồ nào đó.

Cơ thể đang quằn quại bởi cái hơi nóng của thời tiết thì đôi tai lại ong lên bởi đủ thứ âm thanh hỗn độn: Tiếng còi inh ỏi của đủ loại xe cộ; tiếng đập chan chát của một công trình xây dựng dở giang, tiếng nhạc phát từ các hàng quán hay shop quần áo chỗ thì xập xình, chỗ thì chan chát… Chừng ấy âm thanh hùa theo cái nóng hầm hập khiến cho con người cảm thấy ngột ngạt sau một ngày làm việc vất vả.

Vậy mà sự ô nhiễm tiếng ồn vẫn chưa dừng lại đó. Dạo một vòng quanh các con phố, chỗ nào cũng oang oang một thứ âm thanh nghe như từ trên trời vọng xuống, đập vào lỗ tai, chực chọc thủng màng nhĩ mới thôi. Cái âm thanh ấy nó len lỏi khắp mọi nơi, nó lôi người ta ra, dù có trốn cũng không được, để bắt phải nghe. Đi từ phố này sang phố khác, vẫn nghe nó ra rả bên tai hay đuổi tận sau lưng, cảm giác như những âm thanh ấy đang phả vào sau gáy. Mà nào có nghe được gì? Cứ khọt khẹt, rẹt rẹt, rắc rắc, có khi đang tắc bỗng bật lên một tiếng chát chúa. Tôi đã có lần thử tập trung cao độ tinh thần để nghe xem người ta nói những gì trong cái mớ âm thanh hỗn độn kia nhưng tuyệt không thể nào hiểu nổi.

Thứ âm thanh mà tôi đang nói với các bạn chính là… loa phường. Bạn có thể gặp nó bất cứ ở đâu trên đất nước này, từ làng bản đến phố phường.

Hôm nào cũng vậy, dường như người ta đã mặc định giờ giấc trong ngày: 5 giờ sáng, 5 giờ chiều. Có khi nó phát vào 12 giờ trưa, chắc lúc đó chíp hẹn giờ của nó bị chập?

Quả thực không thể hiểu nổi, tại sao giữa thời thông tin công nghệ số mà người ta vẫn duy trì mãi cái cung cách tuyên truyền và phương tiện truyền thông của những năm sáu mươi thế kỉ trước? Rõ ràng là ngoài cái sự lãng phí tiền bạc để lắp đặt những phương tiện truyền thông cổ lỗ sĩ ấy ra còn thì hiệu quả tuyên truyền rất thấp. Chẳng mấy ai để tâm xem cái "ông loa" nói gì hằng ngày. Có chăng là sự bực bội của mọi người bởi đã chịu đựng thời tiết nóng bức với đủ loại âm thanh rồi lại còn phải gánh thêm tiếng ồn của loa phường.

Cứ bảo cải cách, đổi mới nhưng ngay cả cái việc cỏn con là cái loa phường ấy, dư luận, báo chí "ca" mãi rồi, mà vẫn không "cải" được thì đủ thấy cái sức ì trong tư duy quản lí ở cấp cơ sở nó ghê gớm như thế nào?

Nguyễn Duy Xuân