Trắng trợn đến thế là cùng

Phải chăng những hành vi sai phạm nghiêm trọng, trắng trợn của hai thẩm phán này, theo đánh giá của Tòa án nhân dân Phú Riềng (Bình Phước), chỉ là SAI SÓT và vi phạm QUY TẮC ỨNG XỬ?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ trước đến nay, có một số đương sự tố cáo thẩm phán thụ lý vụ án, kể cả tố cáo đòi hối lộ. Nhưng trong vụ án này, nguyên đơn tố cáo cả hai thẩm phán nối tiếp nhau giúp bị đơn tẩu tán tài sản thì không thể ngờ. Không ngờ bởi hành vi quá trắng trợn, bất chấp luật pháp, bất chấp những nguyên tắc tối thiểu với thẩm phán.

Khi Tòa án nhân dân Phú Riềng, Bình Phước hòa giải thành công, ghi nhận vợ chồng ông T.B.C, bà N.T.D (ngụ xã Phú Thịnh, H.Phú Riềng) phải trả 5,3 tỉ đồng cho bà Hoàng Thị Hương (50 tuổi, ngụ xã Long Hưng, H.Phú Riềng). Nhưng đến khi thi hành án, bà Hương mới phát hiện vợ chồng ông C, bà D đã tẩu tán hết tài sản trong quá trình xử vụ kiện “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa 2 bên.

Quá cay đắng, tự điều tra lại, bà Hương mới phát hiện ra nhiều điều bất thường trong quá trình xử vụ kiện này và gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Tòa án nhân dân Phú Riềng.

Cụ thể, đến ngày Tòa án nhân dân Phú Riềng đưa ra xét xử, thẩm phán Ngô Văn Dương đã cho hoãn phiên xử với lý do nguyên đơn làm đơn xin hoãn. Nhưng bà Hương tố cáo, lý do thẩm phán đưa ra là hoàn toàn bịa đặt bởi đại diện của bà không hề làm đơn xin hoãn. Về lời tố cáo này, ông Lê Viết Hòa - Chánh án Tòa án nhân dân Phú Riềng, thừa nhận thẩm phán Dương có sai sót.

Vậy liệu đây có thể là sai sót? Lời ngụy biện không thể chấp nhận. Bởi, thẩm phán chỉ có thể coi là sai sót khi đánh giá chứng cứ, kết luận chưa đúng nội dung nào đó. Nhưng ở đây, tạo chứng cứ hoàn toàn giả một cách trắng trợn như vậy, sao có thể gọi là sai sót?

Chưa hết, khi vụ kiện này chưa xử xong, thẩm phán Dương bàn giao vụ việc cho thẩm Mai Danh Hòa. Thụ lý vụ án, nhưng thẩm phán Hòa lại là người nhận ủy quyền đi làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản của bị đơn cho anh T. Với hành vi tẩu tán tài sản giúp bị đơn, thẩm phán Hòa phải biết, đây là điều không được phép. Nhưng, vì sao thẩm phán này vẫn dám làm? Đây là điều khó hiểu và gây bất bình với dư luận.

Những hành vi của cả hai thẩm phán này trong một vụ kiện “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” là điều không thể chấp nhận được, hoàn toàn không xứng đáng với chức danh thẩm phán.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao Tòa án nhân dân Phú Riềng không phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng này? Mà không chỉ vậy.

Trong văn bản trả lời khiếu nại, dư luận cũng không thể đồng tình với kiến nghị của Tòa án nhân dân Phú Riềng.

Theo đó, Tòa án nhân dân Phú Riềng chỉ “kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xử lý SAI SÓT của thẩm phán Dương theo quy định.” Và với thẩm phán Mai Danh Hòa, Tòa án nhân dân Phú Riềng cũng chỉ “kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xem xét trách nhiệm theo QUY TẮC ỨNG XỬ của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân và luật Cán bộ công chức.”

Phải chăng, những hành vi sai phạm nghiêm trọng, trắng trợn của hai thẩm phán này, theo đánh giá của Tòa án nhân dân Phú Riềng, chỉ là SAI SÓT và vi phạm QUY TẮC ỨNG XỬ? Đâu là lý do khiến Tòa án nhân dân Phú Riềng đưa ra những đánh giá như vậy?

Dư luận hy vọng Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đánh giá đúng bản chất những sai phạm nghiêm trọng này và cần điều tra, liệu có hay không những khoản “chung chi” giữa người tẩu tán tài sản và thẩm phán?

Vương Hà