Trả thù ư? A-xít nhé?

Câu hỏi nghe thấy man rợ quá, nhưng thực tế được thực hiện khá đơn giản vì mua a-xít dễ như… mua rau. Vậy nên tội ác do a-xít thường xuyên xảy ra.


(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Câu chuyện cô giáo Đ.T.H (trú huyện Gia Lâm, Hà Nội) và con gái bị chồng cũ tạt a-xít dẫn đến bị thương nặng ngày 24.3 đã khiến dư luận bàng hoàng. Không những bàng hoàng bởi sự vô nhân tính của người chồng, mà còn bàng hoàng bởi hậu quả lại tiếp tục xảy ra do việc quản lý hoá chất nguy hiểm quá lỏng lẻo, sơ sài.

Chị H nằm quằn quại đau đớn kêu cứu trong tuyệt vọng, cả khu phố bàng hoàng trước sự trả thù tàn độc của người đàn ông từng được gọi là chồng của nạn nhân.

Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng chất a-xít vào mục đích phạm tội và cố ý gây thương tích cho người khác.

Lên google tìm kiếm chữ “tạt a-xít”, chỉ trong 0,45 giây đã có khoảng 73.800 kết quả - một con số khủng khiếp đủ thấy việc này nó không còn là lạ.

Đau xót hơn, phần lớn trong số các vụ việc tạt a-xít là để trả thù và lại phần lớn trong các vụ trả thù đó lại là trả thù tình.

“Vũ khí” này thực chất là acid sunfuric (H2SO4), hoá chất này tàn phá, gây biến dạng, tàn phế cơ thể, tạo nên các vết thương sâu trên da thịt suốt đời.

Mặc dù đã có quy định đây là loại hóa chất nằm trong danh mục phải khai báo nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến việc này và mua dễ như... mua rau. Một thực tế hiển nhiên nữa là việc tấn công bằng chất a-xít rất tiện lợi cho kẻ thủ ác vì chỉ vài chục ngàn đồng là có thể mua đủ số lượng a-xít để sử dụng cho mục đích phạm tội.

Hậu quả a-xít gây ra cho nạn nhân và gia đình vô cùng nặng nề, không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là sự tuyệt vọng, ám ảnh về tinh thần. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý hành vi phạm tội chưa đảm bảo tính răn đe, thông thường chỉ bị xử về tội “cố ý gây thương tích”, khiến bị hại càng thêm bức xúc.

Mặt khác, pháp luật hiện hành lại không quy định việc xử lý trách nhiệm của người buôn bán a-xít, đây là lỗ hổng pháp lý dẫn đến người buôn bán a-xít vô tình tiếp tay cho hung thủ.

Có thể khẳng định rằng, những kẻ mang a-xit đi tạt người khác là những kẻ man rợ, không có nhân tính. Thực tế có thể coi a-xít là một công cụ, phương tiện phạm tội, một “vũ khí” nguy hiểm.

Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm hành vi phạm tội thì cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và buôn bán chất a-xít. Chúng ta cần có những biện pháp kiên quyết hơn nữa để hạn chế cách hành xử côn đồ, dã man bằng a-xít để đảm bảo tính răn đe, pháp chế của một xã hội hiện đại.

Trả thù ư? A-xít nhé? – câu hỏi nghe rùng rợn quá nhưng nó vẫn cứ diễn ra trong thực tế xã hội hiện nay mà chưa có biện pháp phòng ngừa và xử lý hiệu quả (?!)

Theo Lê Phi Long

Báo Lao động

https://laodong.vn/dien-dan/tra-thu-u-a-xit-nhe-598027.ldo