“Tỉnh nào xin khéo là được nhiều biên chế” và “tất cả đều theo quy định”!?

Là lãnh đạo, mấy ai đã dám bộc bạch thật như Bí thư tỉnh ủy Hải Dương: “Tỉnh nào xin khéo là được nhiều biên chế”? Bởi câu nói đó đã bộc lộ phần nào “cơ chế xin cho” – dù đó là công tác cán bộ. Mặt khác, ông cũng cho rằng: Ý kiến nói Hải Dương có tỉ lệ 2 lãnh đạo 1 công chức là "không sòng phẳng". Do đó, ông cũng đề nghị báo chí thông tin sòng phẳng việc này.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chất vấn thẳng…

Trong các buổi giám sát về cải cách hành chính của Quốc hội với một số tỉnh thời gian qua đã làm rõ được rất nhiều điều, trong đó bất cập về công tác cán bộ thể hiện khá rõ. Công tác giám sát ở Hải Dương ngày 28.3 vừa qua là ví dụ điển hình.

Rất nhiều câu hỏi thẳng, trúng trọng tâm được các vị trong đoàn giám sát của QH được nêu ra với lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Vì sao “sếp nhiều hơn lính” ở một số sở (như: NN&PTNT 15/11, Tài chính 31/29, Y tế 17/6, Tư pháp 22/3, KH&ĐT 30/11); Cả những câu hỏi mang tính so sánh: cùng thể chế, ở Quảng Ninh đơn vị nào nhiều lắm thì lãnh đạo 1, chuyên viên 1. Còn Hải Dương 2 lãnh đạo 1 chuyên viên. Vậy, "đề nghị làm rõ liệu có phải do TƯ quy định như thế hay do khâu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành?”; “Dư luận nêu một số địa phương có hiện tượng bổ nhiệm nhanh, tỉnh có tình trạng này không, nếu có xử lý như thế nào?”; Đề nghị tỉnh làm rõ số người làm việc trong các đơn vị công lập tăng do chuyển 279 trường mầm non và 12 trường THPT bán công sang công lập…

… trả lời: đều theo quy định của Trung ương!?

Với các câu hỏi đặt ra, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển không chỉ trả lời thẳng mà tâm tư được giãi bày cũng không ít. Ông khẳng định: Ý kiến nói Hải Dương có tỉ lệ 2 lãnh đạo 1 công chức là "không sòng phẳng", đồng thời ông cũng đề nghị báo chí thông tin sòng phẳng việc này.

Và những nhận xét của ông cũng rất đáng chú ý và làm rõ được nhiều nội dung mà dư luận chưa có điều kiện tỏ tường.

Thứ nhất, lý giải vì sao cấp phó phòng của Hải Dương nhiều hơn Quảng Ninh như các đại biểu so sánh, ông Bí thư tỉnh ủy cho hay: “Nhiều hơn chỉ có thể là do công chức được ưu ái bổ nhiệm lên làm lãnh đạo còn số phòng như nhau. Quảng Ninh thực hiện nhất thể hóa, các tỉnh khác xêm xêm như Hải Dương cả” (theo Vietnamnet.vn).

Như vậy, ông Bí thư mạnh dạn thừa nhận có việc “công chức được ưu ái bổ nhiệm lên làm lãnh đạo”. Đồng thời, ông cũng so sánh “các tỉnh khác xêm xêm như Hải Dương cả”. Nếu đúng như ông Hiển đánh giá, tỷ lệ lãnh đạo/công chức ở các tỉnh khác cũng không kém gì Hải Dương. Tuy nhiên, ông Hiển cũng nói: “Thỉnh thoảng báo chí “ưu ái” lấy Hải Dương làm ví dụ. Nhưng tất cả chuyện này không có tỉnh nào tự nghĩ ra mà đều theo quy định của TƯ”.

Nếu vậy, các cơ quan chức năng cần làm rõ, đúng là TƯ quy định như vậy không? Nếu đúng như vậy, thì không chỉ các cơ quan báo chí, mà quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần sòng phẳng, làm rõ như yêu cầu của ông Bí thư tỉnh ủy Hải Dương. Đây là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Thứ hai, ông Hiển cũng nói thẳng một sự thật: “Tôi không dám nói Bộ Nội vụ, nhưng thực tế trước đây xin biên chế không phải qua Bộ trưởng quyết mà qua Vụ quyết. Tỉnh nào xin khéo là được nhiều biên chế.” Như vậy, phần nào đó “cơ chế xin cho” đã hiển hiện với phần bộc bạch của một người đứng đầu tỉnh. Điều đó cho thấy, các quy định tầng tầng, lớp lớp của luật pháp, của các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn thua “sức mạnh” của các kiểu “quan hệ” ở hậu trường.

Thứ ba, cách quan tâm đến “quyền lợi” người lao động của lãnh đạo tỉnh được ông Hiển hé lộ: “Cứ chuyển từ bán công sang công lập là được Chính phủ cấp tiền. Nếu không chuyển, người lao động nói Hải Dương không quan tâm đến họ, người ta oán”. Mặc dù, như ông chia xẻ trước đó, “trong thâm tâm tôi không muốn chuyển một số trường từ bán công sang công lập nhưng không chuyển Hải Dương thiệt. Tất các tỉnh đều chuyển hết.”

Về vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra: Lý do gì khiến ông Bí thư “trong thâm tâm tôi không muốn” là gì? Phải chăng ông thấy rõ những lợi ích khi chuyển các trường công lập thành các trường bán công – điều mà Chính phủ từng đưa ra chính sách khuyến khích trường công lập chuyển sang bán công? Nhưng phải chăng, chỉ vì lo “người ta oán”, và bởi “các tỉnh đều chuyển hết”, được “Chính phủ cấp tiền” nên ông đành chuyển 279 trường mầm non và 12 trường THPT bán công sang công lập?

Thứ tư, để tránh nhiều lãnh đạo như hiện trạng, ông Bí thư tỉnh ủy Hải Dương đề nghị: Quy định ít nhất mỗi phòng 5 công chức. Vì để như hiện nay như khối Đảng, đoàn thể thì tất cả gần như lãnh đạo hết.

Nếu làm như vậy, dư luận có quyền lo ngại, biên chế lại phình to đến mức nào nữa đây. Tại sao không phải là đề nghị ngược lại: Giảm đầu mối và nhất thể hóa như tỉnh Quảng Ninh đang làm?

Vương Hà