Tiêu cực trong thi cử: Dân chẳng ai “bất ngờ” hoặc “giật mình”…

(Dân trí) - Đã có những bạn đọc vờ đặt ra các câu hỏi đại loại như: Các giới chức ngồi cao quá, nên nhìn đời toàn thấy màu hồng? Để rồi lại tự trả lời: Không đâu, họ biết hơn ai hết nhưng đành làm ra vậy thôi, chứ không lẽ… vạch áo cho người xem lưng?

Giáo viên: Không muốn làm thày KH thứ hai
Nếu cứ copy khi thi cử, thì hỏi lấy đâu ra những người có tri thức để phục vụ cho XH?
 

Giáo viên: Không muốn làm thày KH thứ hai

 

Hẳn nhiên là thế rồi! Có kiến thức hơn, được ở những vị thế nắm rõ tình hình hơn bao người khác, đâu thể đảm nhiệm được vị trí công tác nếu các giới chức không nắm rõ tình hình của lĩnh vực mình được giao quản lý.

 

Song vấn đề ở đây có lẽ nằm ở tâm lý chung mà nhiều người châu Á nói chung và VN ta nói riêng vẫn có. Đó là: “Tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, hoặc “Chuyện trong nhà nên đóng cửa bảo nhau”… Hay nói nôm na hơn thì cũng có thể suy rộng ra từ câu hát “Con gái nói có là không, nói không là có…”  sang nhiều người khác nữa chăng?

 

Bởi vậy, tình trạng tiêu cực trong thi cử nói riêng và thực trạng đã bị gióng không biết bao nhiêu hồi chuông báo động từ lâu của ngành giáo dục nói chung, thì hơn ai hết chính giới giáo viên là những người hiểu rõ nhất.

 

“Tôi cũng là 1 giáo viên THPT, sự việc này phải nói là rất không có gì bất ngờ cả. Năm rồi tôi cũng đi coi thi tốt nghiệp, nói chung không có chuyện giáo viên chỉ bài cho HS, nhưng tình hình thi cử phải nói là rất lộn xộn. Nhưng do ngành đặt chỉ tiêu trên 95% HS thi đậu tốt nghiệp thì phải như vậy thôi, thành tích mà.

 

Tôi cũng không hiểu tại sao cứ phải nói và làm việc nhiều với người quay clip tiêu cực ở Bắc Giang? Còn hội đồng thi, Sở GDĐT và các cơ quan chức năng thì không thấy nói gì tới. Nếu thanh tra làm đúng chức trách của mình thì làm sao xảy ra tình trạng này được, nếu chủ tịch hội đồng thi nghiêm túc thì có xảy ra được không? Mong các cơ quan chức năng, báo chí làm rõ vấn đề để bảo vệ HS. Tôi nghĩ, những người đồng tình với việc xử lý HS chỉ có thể là giáo viên của trường này thôi?” - Nguyen Phong:  phongqn@yahoo.com

 

“Tôi là thầy giáo, tôi đồng ý với ý kiến của đa số các bạn. Không quan trọng ai là người quay mà ta nên để ý xem tình hình thi tốt nghiệp mà tiêu cực như vậy thì nghiêm trọng đến mức nào, có đúng không các bạn?  Nếu không có clip trên, bao giờ chúng ta mới được nhìn thẳng vào những vấn đề của ngành giáo dục Việt Nam? Theo tôi, nếu cứ mãi thi tốt nghiệp như này thì thà đừng thi còn hơn…  Buồn!” - Nguyễn Việt Bắc: vietbac80@gmail.com

 

“Chào các bạn! Mấy ngày nay tôi liên tục đọc những thông tin trên mạng về vụ quay clip ném phao vào phòng thi ở BG. Chuyện này có lẽ với người ngoài ngành thì có thể còn thấy lạ, chứ với các giáo viên chúng tôi thì chẳng có gì là lạ cả vì đó là “chuyện thường ngày ở huyện rồi”. Chúng tôi đi làm giám thị đã gặp nhiều và biết trường mình cũng làm như trường họ.

 

Có người sẽ hỏi: Tại sao các bạn không làm nghiêm túc? Tại vì chúng tôi không muốn là… thầy Kh. thứ 2. Sau từng buổi thi và bắt đầu buổi thi mới đều có họp hội đồng thi, khi đó lãnh đạo hội đồng thi luôn kết luận là: Chúng ta đã có một buổi thi an toàn, nghiêm túc…

 

Tôi biết có nhiều nguyên nhân và lý do để người ta phải  ném phao vào phòng thi, nhưng tôi chỉ đưa ra vài lý do sau để mọi người cùng… tham khảo:

 

1/. XH có lẽ vân không chịu chấp nhận 1 sự thật là chất lượng giáo dục đang đi xuống nghiêm trọng. Đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 là thi rất nghiêm túc, nên tỉ lệ đậu tốt nghiệp đợt 1 rất thấp. Khi đó dư luận và công luận liên tục đưa tin phê phán về chất lượng giáo dục đi xuống.  Ngay lập tức đợt thi thứ 2, kết quả là những HS trượt đợt thi 1 thì đợt này đậu gần hết. Câu hỏi đặt ra là tại sao như thế?

 

Là 1 giáo viên, tôi xin nêu với mọi người 1 số liệu đáng buồn là 50%-60% HS PTTH hệ tư thục và các trường hệ bán công cũ không biết cả cộng trừ phân số. Đấy chỉ là về môn Toán, còn các môn khác tôi không dám có ý kiến.

 

2/. Áp lực thành tích từ cấp trên. Tôi có nhiều dịp ngồi tâm sự với các hiệu trưởng, hiệu phó các trường PTTH cấp huyện, họ nói rằng nếu tỉ lệ tốt nghiệp thấp thì Chủ tịch huyện sẽ mời sang giải trình, HĐND sẽ chất vấn. Đi họp ở Sở GDĐT sẽ được… nêu gương.

 

3/. Nếu tỉ lệ tốt nghiệp thấp, thương hiệu của nhà trường sẽ thấp và sang năm học mới không tuyển đủ HS vào lớp 10. Vậy giáo viên sẽ làm gì?

 

Đọc tới đây chắc mọi người sẽ hỏi tôi: Thấy nói chất lượng giáo dục đi xuống, sao đất nước vẫn phát triển? Xin thưa, đất nước ta hiện tại đang được thế hệ từ 7x trở về trước quản lý, chỉ đạo, nên mới phát triển như vậy. Chứ tôi khẳng định: chất lượng giáo dục từ năm 2000 trở đi xuống cấp nghiêm trọng, tới mức theo tôi là tồi tệ rồi” - Vũ Tuấn: votoidep@yahoo.com

 

Giật mình mà chẳng… ngạc nhiên

 

Lý giải của bạn đọc về động thái thường là “giật mình”, “bất ngờ” của giới chức mỗi khi trong ngành mình xảy ra chuyện, với cách suy nghĩ mỗi người cũng mỗi khác. Nhưng tựu trung lại có thể thấy dường như ai cũng nghi ngờ vì sao những chuyện ai cũng biết, báo chí đưa tin đã “mòn bút, tốn mực” mà người quản lý ngành lại… không biết. Bởi thế mà ngay cả trong chính học sinh, các em cũng đã sớm có cách tư duy theo kiểu… “ngoại giao” người lớn:

 

“Tôi nghĩ, chắc mọi người cứ làm bộ giật mình chứ chuyện chép bài, quay cóp và ném bài cho học sinh năm nào chả diễn ra tràn lan. Mình nhớ bạn mình ngồi cạnh mình chép bài thi tốt nghiệp cách đây chục năm, nhưng không có thời gian chép hết (còn thiếu 1 câu thì hết giờ), vậy mà bạn mình được 10 điểm, còn mình được 9. Giật hết cả mình nhưng cũng chả ngạc nhiên vì bố bạn ấy làm ở sở giáo dục mà. Bạn ý cần cái bằng giỏi để vào thẳng đại học, chứ tự thi thì… sao thi nổi. Chục năm trước tình hình thi cử như thế, giờ cũng có thay đổi gì đâu. Có gì phải làm bộ ngạc nhiên!” - Ngọc Lan:  ngoc.lan@yahoo.com

 

“Tôi không hề giật mình về chuyện ném phao thi hay sử dụng tài liệu trong thi tốt nghiệp, đó là một điều hết sức bình thường bởi tôi cũng đã thi tốt nghiệp được và cũng làm như thế. Đấy chỉ là 1 trong những sự việc rất ít, ít và ít được dư luận biết đến. Còn rất nhiều và nhiều lắm sự việc chưa biết đến, mà có biết đến họ... cũng bỏ qua. Tôi thật buồn cho nền giáo dục VN! Các vị giới chức từ phòng đến sở, từ sở đến bộ tôi thấy hình như đều chỉ biết ở đó nói thế nọ, thế kia, viện dẫn chỉ thị này, chỉ đạo kia, quyết định này rồi thay quyết định kia… Và rồi chẳng làm cái gì cả, đâu vẫn thế, đâu vẫn vậy... Ôi nền giáo dục VN hôm nay!!!” - Hoàng Lượng:  thich_nghich_ty@yahoo.com.vn

 

“Các bác trả lời cứ như là chuyện động trời, giờ mới biết, giờ mới có. Tôi thi tốt nghiệp đã 10 năm rồi, và thấy đã từ nhiều năm trước tới nay chuyện này ở đâu chả có, đâu chả thế này, có điều người ta chả buồn nói, chả buồn tố cáo. Mọi người đều biết vậy mà các vị giới nói cứ như "bất ngờ" lắm sao. Liệu nói thế có phải cũng hình thức mà thôi không?” - Khôi hài:  thanhbuidinh@gmail.com

 

“Giật mình ư? Chuyện này là bình thường mà, hầu hết đâu đâu chẳng có hiện tượng đó. Chẳng qua giờ để bị ghi hình thì mới làm, chứ thực tế đã trở thành đường mòn rồi. Nếu thả cho các em hết trình độ văn hóa chứ không tốt nghiệp THPT, thì sau đó sẽ làm gì được. Các doanh nghiệp liên doanh cũng đòi hỏi công nhân có bằng THPT, nếu không cho qua thì những thí sinh này sẽ là một gánh nặng lớn cho xã hội. Nhưng mà nếu để bị quay clip như vậy, tôi e sẽ làm mất niềm tin của các nhà tuyển dụng. Vậy cho nên theo tôi, xét tốt nghiệp là chuyện cần tính tới.

 

Ngành giáo dục nước nhà quả thật thời nay sao có quá nhiều bê bối? Phải chăng cái cây bị hỏng từ gốc thì khó mà phát triển bình thường lắm. Cũng nên xem cách kỷ luật các cán bộ coi thi, vì họ làm như vậy cũng do chỉ đạo thôi. Việc ngắt một vài cái lá cũng không thể cứu một cái cây đang không còn xanh tốt được đâu” – Mr Kienvt: mrkienvt@gmail.com

 

“Thật là buồn vì mấy bác bây giờ mới bị giật mình!  6 năm trước tôi thi cũng đã như thế rồi, chỉ còn biết hy vọng đời con tôi sẽ khác…!” - Pham Nam: nampv@yahoo.com

 

“Chuyện tưởng to tát gì, tôi thấy cũng bình thường thôi. Tôi tốt nghiệp THPT đến nay cũng đã 7 năm. Trường tôi là trường chuyên đàng hoàng nhé, thế nhưng đến khi thi tôi cũng bất ngờ. Quay cóp la liệt, không phải vì học sinh không thể học được bài để thi đậu, mà là trường vì "trường điểm" tỷ lệ tốt nghiệp cần đạt 100% nên tình trạng quay cóp, dò kết quả không khác  trong clip là mất. Kết quả thi toàn 53,54, 57,58 (trên 60 điểm). Đến thi tiếng Anh như tôi học rất tệ mà cũng được 10 điểm. Ấy vậy mà vẫn có 1 số bạn học sinh rớt, làm cả trường xôn xao.

 

Theo tôi, chuyện quay cop không phải giờ mới có, nhưng xin đừng trách học sinh không thôi nhé, cái gốc là từ nhà trường, từ BỆNH THÀNH TÍCH, thích điểm cao. Chứ còn nếu không quay cop, chúng tôi vẫn đậu tốt nghiệp 1 cách đường hoàng” - Bình thường thôi:  cafesang20@gmail.com

 

“Thực sự đây là bài toán khó của ngành giáo dục. Vấn đề tưởng chừng có thể giải quyết một cách đơn giản bằng việc: Áp dụng bàn tay sắt trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH, việc này Bộ GDĐT hoàn toàn có thể làm được. Nhưng vấn đề ở chỗ giải quyết những hệ lụy đằng sau đó như thế nào, khi mà sẽ có một lượng lớn thí sinh không thể lấy được bằng tốt nghiệp cấp 3. Lượng lao động nhàn rỗi tại các địa phương tăng đột biến, áp lực tuyển sinh cho các trường đại học, và hơn hết là thiếu hụt nhân lực, chất xám trầm trọng trong một thời gian dài...

 

Việc này từ xưa tới nay vẫn thế và chắc sẽ vẫn như thế trong một thời gian nữa. Nhưng rõ ràng nó là vấn đề cần phải giải quyết và phải làm càng sớm càng tốt. Bởi để càng lâu căn bệnh càng trở nên trầm trọng và khó chữa.  Mong Bộ GDĐT sớm có biện pháp giải quyết” - Long:  maivanlong30@gmail.com...

 
Nhìn thẳng hay… đành ngó lơ?
Chuyện ném phao thi hay sử dụng tài liệu trong thi tốt nghiệp đã là điều... bình thường?
 

Nhìn thẳng hay… đành ngó lơ?

 

Xoay quanh các thông tin mới liên quan tới những người thực hiện việc quay clip tiêu cực ở Bắc Giang, vẫn có những quan điểm rất khác nhau. Số ít oán trách họ đã làm khó cho bao giáo viên và học sinh, hoặc vẫn nghi ngờ động cơ của những người dám đứng ra thu thập bằng chứng chống tiêu cực. Do vậy họ tiếp tục đề nghị xử lý nặng cả người tổ chức quay lẫn người thực thi để làm gương.

 

Nhưng số đông hơn hoặc cho rằng việc làm có thể sai vì vi phạm quy chế thi, nhưng động cơ và hành động là dũng cảm, đáng khen ngợi. Hoặc khẳng định: đó là cách làm duy nhất hiện nay, bởi những cách khác đều đã cho thấy rõ chẳng những không có tác dụng, mà ngược lại chỉ thường đẩy người tố cáo tiêu cực vào vị thế trở thành nạn nhân.

 

“Mình nghĩ cho dù động lực tung clip này là gì đi chăng nữa, kể cả với dụng ý không tốt cho lắm hay đúng là vì lương tâm trách nhiệm, thì người làm là hoàn toàn đúng. Nếu nhìn xa hơn sẽ thấy có tác dụng tốt cho ngành giáo dục và các bạn học sinh. Mình tin đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu thế hệ trẻ ai cũng được dạy dỗ đúng đắn, để có thể phát huy được đúng năng lực của bản thân” - Do Ngoc Khanh: dongockhanh02011986@gmail.com

 

“Điều này làm sao mà trách em HS ấy được, và cũng nên khen ngợi người anh của bạn đó. Giáo dục VN từ trước đến nay là thế. Nếu muốn đào tạo ra những người có tri thức thật, thì phải thành thật trong thi cử. Nếu cứ copy khi thi cử, thì hỏi lấy đâu ra những người có tri thức để phục vụ cho XH? Hay là chỉ muốn đào ra ra những người có vỏ bọc tri thức, nhưng thực chất lại chả có tí tri thức nào trong đầu? Khi đọc những tin tức về giáo dục VN, tôi thật sự thấy buồn cho cả ngành giáo dục” – Co don:  codon_tudo@yahoo.com

 

“Theo tôi, việc đầu tiên là cần làm việc với Chủ tịch hội đồng coi thi Đồi Ngô để làm rõ trách nhiệm của Hội đồng và từng giám thị vi phạm, chứ không phải  là với người tổ chức và người quay video clip…. Những người đấu tranh chống tiêu cực dù ngày hôm nay có gặp rất nhiều thiệt thòi, nhưng tôi tin lịch sử sẽ ghi nhận công lao của họ đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam ngày càng tốt đẹp. Ngành giáo dục sẽ chỉ đào tạo được những  con người chân chính từ nền giáo dục chân chính” - Sơn Phạm:  phamthanhson_tx@yahoo.com

 

“Đúng là tại sao không xử lý những người để xảy ra tiêu cực? Đã là thầy cô giáo, là các kỹ sư tâm hồn, làm công việc trồng người, xây dựng đạo đức cho người, cho xã hội mà lại là người tiếp tay cho tiêu cực, gây ra sự dối trá trong học hành, thi cử, vi phạm các quy chuẩn về đạo đức con người vậy sao? Trong khi em học sinh nếu không đem máy quay lén vào tận nơi, thì chắc sự việc này sẽ còn bị che khuất đến bao giờ nữa (vì nó đã tồn tại từ nhiều năm ...)?

 

“Không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp?", theo tôi nghĩ, vậy là em học sinh đó còn dũng cảm hơn nhiều người ... Theo tôi, em học sinh đó không có lỗi, mà phải nhờ sự liều lĩnh và dũng cảm của em, chúng ta mới có bằng chứng để biết được "sự dối trá"  này... Do đó, nếu được thì tôi nghĩ là cần xét đặc cách tốt nghiệp cho em, chớ không nên xử lý như là cấm thi, hủy bài thi... khiến em và gia đình phải chịu thêm những áp lực không đáng bị” - Tu Nhon:  nhontu@gmail.com

 

Dẫu sao, cũng may là dù góp ý  hoặc phê phán mạnh mẽ thế nào, mục đích chung của người dân đều cũng như Hong: huynhhong4@gmail.com đã bày tỏ:

 

“Mọi ý kiến nên có ý nghĩa đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam có chất lượng hơn, để những người chủ tương lai của đất nước có được niềm tin khi nhận trách nhiệm "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ đã căn dặn. Hãy tin là  bên cạnh làm việc với người quay clip trong phòng thi, thì các cơ quan chức năng cũng đang làm những việc cần thiết để giải quyết thỏa đáng Hội đồng thi, ý thức trách nhiệm của các "thầy cô" đang "trồng người". Chắc dư luận sẽ có đủ thông tin cụ thể khi mọi việc đã giải quyết xong, để tin chắc rằng nền giáo dục Việt Nam luôn đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Các đại biểu Quốc hội cũng đang bàn các giải pháp lo cho tương lai của đất nước, trong đó có cả những vấn đề của ngành giáo dục…”

 

Quan trọng là trước hết chúng ta phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật của mọi vấn đề, dẫu biết rằng ngó lơ nhiều khi sẽ an toàn hơn cho mình nhiều lắm, nhưng lại rất nguy hiểm cho các thế hệ tương lai bởi kiến thức thật không thế có được từ học giả, thi giả...

 

Khánh Tùng