Tiền và ước mơ đại gia

(Dân trí) - Trong bài này tôi không bàn về vấn đề giáo dục, có hay không nên đưa chuyện những người nổi tiếng vào đề thi, gián tiếp đưa lời họ nói như câu chữ của “thánh hiền” … Không, tôi chỉ bàn tới tiền và ước mơ đại gia của một số cô gái thời nay…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nhân một đề thi http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ngoc-trinh-ba-tung-khong-dang-vao-de-thi-%202013101009410343.htm. Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

 

Trong bài này tôi không bàn về vấn đề giáo dục, có nên hay không nên đưa chuyện những người nổi tiếng vào đề thi, gián tiếp đưa lời họ nói như câu chữ của “thánh hiền” … Không, tôi chỉ bàn tới tiền và ước mơ đại gia của một số cô gái thời nay với lặt vặt nhiều chuyện nhỏ góp lại …

 

Tiền là một vấn đề tế nhị

 

Có thể ở Mỹ, dân tình nói về tiền bạc và lương bổng thoải mái. Còn ở châu Âu, chuyện tiền bạc là một điều cấm kỵ. Không ai dám hỏi bạn làm lương tháng bao nhiêu hay bạn mua cái xe này tốn bao nhiêu tiền. Chẳng những đó là điều cấm kỵ, mà tiền còn không là cứu cánh của một số người. Cụ thể, đa số các nhà khoa học đều chọn làm khoa học dù lương không cao, vì họ sống với đam mê thích thú chứ không phải để giàu sang.
 

Thế nhưng, gần đây, khi đón một nhóm bác sĩ từ Việt Nam sang thực tập, tôi đã phải giữ bình tĩnh khi một trong những câu hỏi đầu tiên của các bạn ấy là …”Nhà chị có giá bao nhiêu ?”

 

Tiền và tình nghĩa vợ chồng

 

Ngày xưa, khi một thư sinh lấy vợ – Tú Xương chẳng hạn – vợ của thư sinh ấy cặm cụi “nuôi” chồng dùi mài kinh sử, vui với cảnh “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”. Dĩ nhiên, cô đồ hi vọng là ngày nào đó chồng mình thi đỗ để “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Nhưng nếu chồng không thi đỗ thì sao? Thì không sao hết, ngày xưa không có vấn đề li dị. Bà Tú Xương vẫn “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng (Thương vợ – Tú Xương)

 

Giấc mơ đại gia

 

Ôi! thế nào là phụ nữ giải phóng, tự lập và bình đẳng với nam giới? Tinh thần tự trọng các cô vất bỏ rồi sao? “Ăn bám” là cứu cánh ở đời? Mơ lấy đại gia để đổi đời thì rõ ràng là hôn nhân phương tiện (dùng hôn nhân như một phương tiện để thực hiện một chủ đích nào đó – chủ đích ở đây là tiền) hay hôn nhân tính toán (đặt lên bàn cân lợi - hại, lời -lỗ … trước khi lấy chồng – tình yêu chỉ là phụ thuộc).

 

Ở đây chính ra cô ấy không lấy chồng mà lấy cái gia tài hay cái ví của ông này. Vị đại gia đó mà cũng “tính toán” như thế thì nguy đấy vì khi cô vợ nhan sắc tàn phai, ông sẽ bỏ cô ấy để kết hôn với người khác, trẻ hơn và đẹp hơn. Tình nghĩa gì trong cuộc hôn nhân tính toán ?

 

Xin mời đọc thêm về hôn nhân tính toán và lý thuyết của Jean Kellerals: http://huynhmai.org/2012/12/15/danh-gia-vong-toc.

 

Bỏ quê nhà đi lấy chồng Hàn hay Trung Quốc

 

Nhiều cô gái ở thôn quê xem việc đi ngoại quốc lấy chồng là một cơ hội đổi đời. Có một số trong các cô tìm được hạnh phúc, nhưng cũng có một số hoàn toàn bị biến thành nô lệ và thành con mồi cho những người môi giới. Từ ngoài nhìn vào, tôi gọi đó là một việc buôn người.

 

Hay hơn nữa thì lấy chồng Tây như cô ca sĩ X hay cô diễn viên Y và làm nên sự kiện với cái đám cưới của mình. Cứ làm như ông Tây nào cũng là triệu phú hay tỉ phú hết. Thông tin như thế có thể … gieo cái nhầm trong đầu óc của giới thanh nữ mới lớn.

 

Tiền và… “bán dâm”

 

Một số thiếu nữ cần tiền để sống. Ai mà không cần tiền để trang trải mọi chi tiêu. Nhưng từ đó đi đến việc không khác gì “bán dâm” - chấp nhận người lạ dày vò thân thể mình, đụng chạm tới những nơi thầm kín nhất của bản thân … là một thế cùng cực. Các cô ấy cũng khổ lắm chứ. Ở đây, không chỉ có vấn đề tự trọng mà còn là vấn đề nhân phẩm. Nạn mãi dâm ư? Có lẽ ta phải nghiên cứu, phải tìm cách làm sao cho tất cả các thiếu nữ có nghề nghiệp đàng hoàng để không phải bán “vốn tự có”.

 

Truyền thông và tiền

 

Trên báo hàng ngày nhan nhản ta thấy tin: căn nhà, cái xe … bạc tỉ của ca sĩ này hay của MC kia. Ông bầu X, Y cho biết tiền catsê của các cô chân dài mà ông quản lý lên tới hàng ngàn đô mỗi buổi. Tiền ở ngay các tít lớn của báo chí. Những người nổi tiếng thi nhau khoe của và báo chí thi nhau viết về các người nổi tiếng.  

 

Muốn ăn khách, câu views hay câu clicks, báo chí cần… một chút sex, một chút bạo lực, một chút tiền … Đúng rồi, dân tình nghèo, đưa chuyện người giàu sang là đem một chút mộng mơ cho thiên hạ.

 

Phân tích hiện tượng ấy, Dân trí đã cho đăng bài này chẳng hạn: http://dantri.com.vn/khoa-hoc/chuyen-nguoi-noi-tieng-duoi-goc-nhin-xa-hoi-hoc

726163.htm.
 

Tiền và tham nhũng

 

Thôi thì đủ thứ từ phong bì, lại quả, bồi dưỡng ... đến “bôi trơn”, quà mừng… Con người khởi thủy khi sống cùng với nhau trong một xã hội thì cần có ngôn ngữ để giao tiếp. Bây giờ tiền thành ngôn ngữ hữu dụng nhất cho giao tiếp xã hội, dù là ở trường học, nhà thương, trên đường phố giao thông hay ở công sở …

 

Tôi chỉ sợ một điều: Ngày nào đó tiền thành phương tiện thống trị và hết tình người. Và cái lệch chuẩn, như câu nói của Ngọc Trinh hay mơ ước của “Bà Tưng”, thành chuẩn.

 

Tiến bộ xã hội là làm sao cho mỗi một thành viên của xã hội có đủ phương tiện để mưu cầu cuộc sống, được tôn trọng, sống tử tế và hạnh phúc.

 

Nguyễn Huỳnh Mai (từ Bỉ)