"Tiền treo, trẻ nhịn...": Thất hứa với con trẻ là có tội!

(Dân trí) - Điệp khúc đau lòng về phản hồi chậm chạp của giới chức năng với dự án “Cơm có thịt” lại ngân lên qua lá thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận. Đường đi của đồng tiền tới với trẻ em nghèo vùng cao vẫn quá trắc trở???

Học sinh trường mẫu giáo Pha Lay (Điện Biên) ngày đầu ăn “Cơm có thịt” (ảnh: Dự án “Cơm có thịt”)
Học sinh trường mẫu giáo Pha Lay (Điện Biên) ngày đầu ăn “cơm có thịt” (ảnh: Dự án “Cơm có thịt”)

 

Ánh mắt trẻ thơ…

 

Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ…Những chuyện “trong nhà” có lẽ cũng chẳng cần hỏi han, mà chỉ cần qua ánh mắt trẻ thơ cũng có thể thấy được sự thật. Thực tế ở  những vùng cao xa xôi còn nhiều khó khăn gian khổ, trẻ em dù có được hưởng phần nào những chính sách ưu tiên thì cũng vẫn cơ cực hơn trẻ em ở các vùng đồng bằng rất nhiều. Đó là còn chưa dám so sánh với các “cậu ấm, cô chiêu” ở thành phố.

 

Ấy vậy mà chắc vì “đường đi” quá gập ghềnh đèo dốc, nên ánh mắt ngóng trông của các em vẫn vời vợi… chờ mong những đồng tiền dù rất ít ỏi song có ý nghĩa rất lớn với con trẻ vùng cao. Không thương sao được, không xót xa sao được khi còn nhỏ như vậy mà con trẻ đã bị đẩy vào cảnh trớ trêu “tiền treo, trẻ nhịn”…???

 

Chuyện  “biết rồi, nói mãi…”, nhưng bức tranh giáo dục nhìn từ góc độ nào cũng vẫn chỉ một màu… xam xám…Ở vùng sâu, vùng xa càng nhiều mảng tối hơn.

 

“Có ở vùng cao mới biết giáo viên cắm bản và học sinh khổ đến mức nào! Với sự chậm trễ này, thật thiệt thòi cho các em. Khi có thông tư liên bộ hướng dẫn rồi, một số em chắc sẽ không được hưởng quyền lợi nữa vì sắp hết năm học rồi, một bộ phận các em sang lớp 1 liệu có được hưởng truy lĩnh không? Vâng, hãy "nhìn vào mắt các em"! Rõ khổ...  Với tư cách là ngành chủ quản, Ngài Bộ trưởng nên quan tâm hơn nữa để cái thông tư liên bộ kia đi vào thực tiễn, để cho các em đỡ khổ, được hưởng theo chính sách của Chính phủ, để người ta còn dám chi. Mắc ở đâu thì báo cáo Chính phủ giải quyết kịp thời ở đó, chứ cứ nói ‘trăn trở’ xong rồi… để đấy thì ích gì??? Ước gì đề án Chính phủ điện tử thành công, "mệnh lệnh", phối hợp theo "chiều dọc" không trì trệ như vậy...!” – Son Bac:  sonbac@rocketmail.com

 

“Trung thu năm vừa rồi chúng tôi có tổ chức 1 chuyến từ thiện lên Nậm Ban, nhìn các em mà không cầm được nước mắt… Liệu có bao giờ ông Bộ trưởng và các giới chức ngành GDĐT tận mắt nhìn thấy những hình ảnh ấy chưa? Phải chăng đó là sự thờ ơ đối với cộng đồng, đối với con trẻ hay là do công việc của các vị quá bận rộn? Càng nghĩ càng thấy thật là buồn…” - Trần Thắng:  Thangthinhphat.vn@gmail.com

 

“Tôi là một giáo viên, tôi cũng nhất trí với ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Đề nghị Bộ trưởng GDĐT sớm xem xét giải quyết việc này vì đó là cái rất thực tế. Chúng ta luôn nêu cao khẩu hiệu ‘Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’, vậy mà lại vẫn để cho còn những trẻ em phải sống trong cảnh thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, thiếu cái ăn, cái mặc…Trong khi giáo viên vùng cao cũng thiếu thốn đủ bề mà vẫn thể hiện rõ trách nhiệm trong cả việc dạy học và lo lắng cho học sinh đỡ thiếu thốn, thì các giới chức lại tỏ ra không quan tâm… Thử hỏi như vậy liệu những người làm giáo dục chúng tôi còn có yêu nghề được nữa không?” - Pham Ba Duc:  baducbg@gmail.com

 

“Khả năng 'tự khắc phục' của địa phương sẽ… ‘được ghi nhận và đánh giá cao, cần tiếp tục phát huy thêm nữa’…. Các bé không ăn thịt… cũng chẳng sao, vì chưa chắc thịt đã sạch, rau cũng thế. Tết vừa rồi, tôi là giáo viên dạy Toán được một gói quà giấy bóng kính đỏ rất hoành tráng nhưng mà… lại phải quăng đi gần hết vì mứt mốc, bánh hôi dầu/bể nát, kẹo TQ không dám ăn mà cũng không dám cho học sinh ăn!” - Lê Văn Bình:  binhvlinh_1981@gmail.com

 

…Nước mắt người lớn

 

Trái ngược với phản hồi chậm chạp của nơi cần phản hồi trực tiếp, dư luận người dân đã có ngay rất rất nhiều lời cảm thông, chia sẻ, phân tích, mổ xẻ vấn đề và viết tiếp những dòng tâm huyết:

 

“Trước đây là ‘Cơm có thịt’, bây giờ là… tiền treo, trẻ nhịn đói. Chẳng hiểu cái công văn hướng dẫn ấy nó dài đến đâu, khó đến đâu mà hơn 1 năm rồi vẫn chưa có? Đọc xong lá thư của chú Tuấn, cháu càng biết ơn những con người có tấm lòng như chú. Chú đã làm được những điều đơn giản nhưng rất có ý nghĩa nhân văn với trẻ em nghèo vùng cao, thật đáng trân trọng. Rất mong Bộ trưởng đọc lá thư này của chú Tuấn để có phản hồi tích cực sớm nhất” - Ha Thu:  bibititi83@yahoo.com

 

“Thưa ông Bộ trưởng, đọc bài viết này tôi rất cảm động. Cũng biết ông trăm công ngàn việc, vì ông làm Bộ trưởng mà. Nhưng xin thưa với ông, khi đã hứa với con trẻ mà nó đang đói, rằng sẽ cho bé ăn, mà lại không thực hiện thì tội bé quá, ông Bộ trưởng ơi! Hơn nữa đây là lời hứa danh dự của cả đất nước trước hàng ngàn em bé nghèo đấy, ông Bộ trưởng ạ! Chắc con ông và con các vị giới chức trong bộ thì không bao giờ đói rồi, và chắc cũng không ai hứa với chúng mà lại thất hứa đâu? Cầu mong quý toà soạn chuyển bài viết này tới quý ông Bộ trưởng...” - Anh Việt:  lichlamus@yahoo.com

 

“Đọc xong bài báo của bác Trần Đăng Tuấn xong mà người bần thần cả ra! Tôi sợ bác Tuấn nhầm lẫn nên tìm tra văn bản hướng dẫn của Quyết định 60/2011/QĐ-TTg, nhưng chẳng thấy văn bản hướng dẫn. Tôi nghĩ không lẽ Bộ trưởng và giới chức Bộ GDĐT có thể vô cảm như vậy? Và lẽ nào lại có thể cũng vô trách nhiệm như thế, vì ngay cả khi bài viết này đã đăng lên  mà dân vẫn chẳng thấy các vị phản hồi? Chắc các vị nghĩ rằng tiền chậm đến thì cũng không cháu nào chết, trong khi các vị và nhất là Bộ trưởng còn phải lo những chuyện đại sự của quốc gia…??? Từ phía cử tri, chúng tôi khẩn thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu của các tỉnh miền núi chất vấn ngay bộ trưởng Phạm Vũ Luận về sự chậm trễ khó hiểu này!” - Nguyễn Thanh Lâm:  Thanh_lam307@yahoo.com

 

“Cảm ơn ông Trần Đăng Tuấn. Nhờ lá thư của ông mà nhiều người biết được rằng vị Bộ trưởng này (̣và cả nhiều giới chức khác ở nước ta) bận đến nỗi không có chút thời gian thảnh thơi nào để có thể "nhìn vào mắt trẻ thơ" mà "không biết…” – Bien Nguyen:  bien_khanh2008@yahoo.com

 

“Cảm ơn báo Dân trí, cảm ơn anh Tuấn đã đưa vụ việc này ra trước công luận! Tôi đã nghe về việc này từ lâu rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được thì thật tội nghiệp cho các cháu nhỏ vùng sâu vùng xa quá! Tuy chỉ có thể là một bữa ăn có cơm trắng + bát nước canh suông thôi, nhưng có cũng còn hơn không. Mong sao các anh ở trên quan tâm hơn một chút cho các cháu vùng xa được nhờ” - Nguyễn Công Ba:  Cbagilai@yahoo.com.vn

 

“Tôi rất ủng hộ với nội dung thư của bạn. Chính sách ban hành ra là đúng, nhưng Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ, ngành liên quan chậm là do lỗi của Bộ, ngành. Trẻ mầm non đang tuổi phát triển về thể chất và trí tuệ, cần  phải được chăm lo cho đáo, đầy đủ về vật chất và tinh thần. Hơn nữa, các em là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta phải nuôi, dạy thật chu đáo mới được” - Liễu Tường Minh:  lieutuongminhvqls@gmail.com

 

“Cảm ơn anh Trần Đăng Tuấn. Rất mong Bộ trưởng đoc bài viết này và có sự quan tâm đến trẻ em - tương lai của đất nước chúng ta. Nếu có điều kiện, Bộ trưởng có thể đến thăm trẻ em vùng cao hoặc cử cán bộ của mình đến thăm cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của các cấp học vùng cao. Thấp rất nhiều so với thành phố” - Hoàng Thái Cương:  hoangthaicuong1975@yahoo.com

 

“Đọc bài viết mà thấy thấm thía nhiều điều. Tôi thông cảm và chia sẻ suy nghĩ của người viết. Nhưng đó có lẽ cũng là tình trạng chung của cách điều hành công việc trong bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay???” - Hòa:  vuthiminhtam2011@yahoo.com
 
Học sinh trường mẫu giáo Pha Lay (Điện Biên) ngày đầu ăn “Cơm có thịt” (ảnh: Dự án “Cơm có thịt”)
Bữa ăn được coi là “thịnh soạn” hơn so với trước đây của học sinh trường Dân tộc bán trú THCS Mỏ Vàng, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (ảnh: Trần Hằng- Vũ Thúy)

 

Những người… thích đi đường vòng

 

Câu hỏi về “tình trạng chung” đó cũng đã là câu trả lời, để từ đó càng thấy rõ cách làm việc của rất nhiều cán bộ viên chức, giới chức các  ngành ở ta xem ra vẫn chứng tỏ họ là những người thích đi đường vòng nên cái gì cũng lâu, cũng phức tạp, khó khăn…Khiến người dân mỗi khi cần đến là lại phải kêu ca về sự vô cảm, vô trách nhiệm…Minh chứng cho tình trạng đó ư? Nhiều lắm, bạn đọc sẵn sàng cung cấp danh sách bất tận cùng những nỗi niềm cũng bất tận của người dân.

 

“Chuyện này xảy ra ở hầu như bất cứ ngành nào. Tôi đơn cử gần đây nhất là Nghị định về cấp giấy phép xây dựng số 64/2012/ND-CP ban hành ngày 04/9/'12, thì Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng  số 10/2012/TT-BXD ban hành ngày 20/12/'12 và có hiệu lực từ ngày 06/02/'13. Thật lạ là những thay đổi này đâu phải gấp gáp gì mà phải ban hành vội vã vậy? Tại sao không chờ chuẩn bị ban hành thông tư thật kỹ, sau đó hãy ban hành cả Nghị định và Thông tư một thể? Có thể nói tình trạng này khá phổ biến từ nhiều năm nay và theo tôi nghĩ, có lẽ nó cũng là sự thể hiện tính vô cảm của không ít cán bộ của chúng ta hiện nay...” -  Hoàng Nam Long:  long_hoangnam@yahoo.com.vn

 

“Thật chán cho các quan chức ‘sáng cắp ô đi, tối vác về’, vô cảm với đau khổ khó khăn của nhân dân. Chắc họ không phải là đầy tớ của nhân dân, vậy họ là ai, thưa Bộ trưởng?” - Truong Giang:  quanghoan01@yahoo.com
 

“Nói đến ngành GDĐT thì… phát ớn lên! Từ việc chậm tiền thâm niên của GV đang dạy, GV về hưu, đến tiền ăn của các cháu cũng quá chậm chạp… Theo tôi nghĩ thì có tình trạng đó là do 3 lí do chính:

 

1/. Ở ta có quá nhiều loại văn bản, giấy tờ. Nào là quyết định, nghị định, nào là liên tịch, nào là thông tư hướng dẫn.... quá gây phiền phức và mệt mỏi.

 

2/. Các sếp của ta trong ngành GDĐT chỉ lo việc lớn, còn những việc cỏn con thế này không bao giờ để ý đến.

 

3/. Vì các sếp Bộ GDĐT quá bận, nên không bao giờ đọc báo chí, xem mạng để biết được tình hình người dân phản ánh về ngành mình như thế nào???” -  GV: gv@gmail.com

 

Từ đó lại nảy sinh thêm bao câu hỏi và cả sự nghi ngờ xem ra cũng không phải là thiếu căn cứ:

 

“Sao không có quy định nào về việc các Bộ, cơ quan ngang bộ phải có thông tư (nếu cần thiết) hướng dẫn trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày Nghị định... đó được ban hành nhỉ? Hay luật pháp chúng ta vẫn chưa chi tiết để thực hiện?” - Vũ Văn Đam:  vuxuancanh2000@yahoo.com

 

“Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ bộ GDĐT bận ra hàng trăm thông tư, nghị định khác đâu. Mà có lẽ là ở chỗ nếu số tiền theo tôi biết lên tới nhiều tỷ đồng đó chậm lại 1 tháng ở trong ngân hàng thì nó sẽ đẻ ra bao nhiêu tiền lãi, và 1 năm nó sẽ cho lãi bao nhiêu mà thôi” - Đinh Văn Thức:  luckydoor333@yahoo.com
 
Quả là rất đúng như trong phản hồi của một bạn đọc đã nhấn mạnh: Thất hứa với con trẻ là có tội!!! Có điều những người cần "cảm" nhất điều đó có muốn chứng tỏ họ đã "cảm" thật hay chưa...

 

Kiều Anh