Thu giá BOT - hai thắc mắc lớn của bạn đọc

(Dân trí) - Điều mà người dân yêu cầu là thu phí hợp lý và đặt trạm đúng vị tr


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Các trạm thu phí BOT trên toàn quốc vừa được đồng loạt đổi tên thành "trạm thu giá". chuyển thành “thu giá sử dụng đường BOT và được các nhà quản lý giải thích:

1) Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND quyết nên rất chậm. Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều”

2) Để tên gọi là “trạm thu phí” thì HĐND tỉnh thành có thể quyết định mức thu. Còn chuyển thành “trạm thu giá” thì nhà đầu tư có thể đề xuất theo cơ chế thị trường.

Về lời giải thích thứ nhất, bạn đọc Thẩm Phan tatdatphan2000@gmail.com thắc mắc: “... Nếu dùng từ thu phí thì sẽ vướng Nghị định, vướng luật nên phải dùng từ thu giá để khỏi phải thông qua HĐND. Có phải đây là một hình thức lách luật tách ra khỏi sự giám sát của HĐND để dễ bề thao túng mức thu.Tâm lý của doanh nghiệp đầu tư công trình BOT lúc nào cũng muốn thu hồi vốn nhanh, mà doanh nghiệp thu hồi vốn BOT với Bộ GTVT như trong một nhà, chưa nói các dự án là người nhà hay sân sau của bộ GTVT...”. Vũ Hoàng hoangsolid@gmail.com: “Từ thu phí đối thành thu giá, đơn giản là để cho doanh nghiệp BOT dễ dàng tăng giá mà không cần đến HDND tỉnh, thành phố hay Quốc hội, vì liên quan đến phí, lệ phí”. Hiệu Đ. Đ. 983131358490006: “ Nếu đường đầu tư đúng nghĩa BOT thì thu giá là đúng nhưng do đầu tư trên đường quốc lộ, đường độc đạo nên việc doanh nghiệp tự định giá, vậy là không ổn. Các nhà quản lý bắt tay với doanh nghiệp để lách luật, đẩy thiệt hại sang cho người dân”.

Từ chuyện đổi thu phía sang thu giá, nhớ cách đây hơn một năm, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề “Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”. Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng. đó là “có cơ chế kiểm soát quyền lực”. Vì vậy, bạn đọc cho rằng việc đề xuất của Bộ GTVT xóa quyền quản lý của HĐND địa phương trong BOT là làm ngược với chỉ đạo “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế của Tổng Bí thư. Bạn đọc Du Va vuduva@gmail.com lo lắng: “Xóa quyền quản lý của HĐND địa phương để cho doanh nghiệp và Bộ tự điều chỉnh giá, lại khổ dân rồi”. Bạn đọc Vũ Hoàng hoangsolid@gmail.com cũng lo lắng: “Nếu để tên gọi là “trạm thu phí” thì HĐND tỉnh thành có thể quyết định mức thu. Còn chuyển thành “trạm thu giá” thì nhà đầu tư có thể đề xuất theo cơ chế thị trường Thì ra là như thế! thay đổi để mặc sức thu, thấy lo thật”.

Về lời giải thích thứ 2, Bạn đọc cho rằng đã là thị trường thì phải thuận mua vừa bán, không được ép buộc, nên Tuan Nguyen 1211426998945820 thắc mắc: “Trạm thu giá BOT thu theo giá thị trường vậy những con đường đấy là đường độc đạo hay đường song hành? nếu đường đôc đạo sẽ rơi vào tình trạng độc quyền”. Bạn đọc Coldblanco coldblanco@yahoo.com cho rằng: “Người dân đóng phí đường bộ là phải có đường đi. doanh nghiệp làm đường trên tuyến mới, làm tốt thì dân lựa chọn. Bot làm trên đường độc đạo ép dân phải đi là đã đi ngược với quan điểm của Chính phủ. Làm BOT là phải để cho dân có sự lựa chọn”. Hai Nguyendang 92119439802049 nêu cụ thể : “Áp dụng theo cơ chế thị trường là sao? Ở đây không có cạnh tranh thì doanh nghiệp độc quyền muốn thu thế nào thì thu sao? Tôi lấy ví dụ đi từ Tân Thành Bà Rịa về Long Thành Đồng Nai thì chỉ có một con đường duy nhất là quốc lộ 51 cho nên bắt buộc phải đi trên tuyến đường đó làm gì có con đường thứ hai để người dân lựa chọn? Nói chung là để cho doanh nghiệp tự quyết định giá thì dân chúng lại còn chết nữa”.

Còn theo Philong Nguyen philong.ktnn@gmail.com: “đồng ý với Giá BOT nếu đây là 1 loại hàng hóa. Nhưng nếu đã là hàng hóa thì mua hay không là việc của dân. Chứ không phải Bộ GTVT phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng các trạm BOT, khoảng các các trạm không đúng vị trí quy định rồi bắt dân phải mua với giá đắt”. Bạn đọc Hữu Lê thoinguyen1949@yahoo.com bày tỏ: Người dân có đòi hỏi gì cao xa đâu. Đường nào do BOT xây dựng mới 100% mà người dân đi thì phải trả tiền theo thị trường có sự quản lí của Nhà nước. Những con đường đã có xưa nay, hàng năm duy tu bảo dưỡng thì người dân đã nộp phí bảo dưỡng , cớ gì bắt dân nộp phí BOT. Nếu có mở rộng đường thì tính tiền mở rộng (không nằm trong phần duy tu hàng năm) thì thu tiền mở rộng chứ sao lại gộp vào chung cho BOT.... " !

Và bạn đọc có nhiều kiến nghị trước hai vấn đề lớn về BOT nêu trên:

Bạn đoc Dao Van Hiep 113625532800991015555 mong muốn: “Đồng ý doanh nghiệp đầu tư thì phải thu hồi vốn. nhưng cần đảm bảo: 1) Người tham gia giao thông có quyền chọn hay không chọn đi đường BOT, không ép người ta theo kiểu be bờ đơm đó; 2) Phải đảm bào hệ thống giao thông cơ bản tương xứng với phí và thuế của dân đóng góp, không để đường công thì xập xệ, đường tư (BOT) thì khang trang; 3) Đường BOT phải độc lập, không được phù phép, nâng cấp đường công để "thu giá".

Bạn đọc Thành thobqldatb@gmail.com mong muốn: “Theo tôi thì sau khi các đơn vị chức năng rà soát lại từng dự án BOT, đưa ra "giá" chính xác cho từng thời điểm thi công: 1) Dự án nào "giá" nhỏ; dự án mang tính chất duy tu, nâng cấp, dự án nhậy cảm thì Tỉnh kết hợp cùng Chính phủ mua lại; 2) Dự án nào làm mới thì thu phí với số thời gian và kinh phí theo kết luận của đơn vị thanh tra, kiểm toán; 3) Các trạm BOT đặt đúng vị trí và thu đúng giá (việc này cần dứt khoát vì ảnh hưởng đến an ninh, an sinh xã hội); 4) Hoàn thiện, hoặc thu gọn các dự án BOT dang dở; Tạm dừng không thời hạn các dự án BOT đang chuẩn bị đầu tư”.

Bạn đọc Truong An lethitruongan89@yahoo.com.vn cũng mong muốn: “Điều mà người dân yêu cầu là thu phí hợp lý và đặt trạm đúng vị trí. Đừng ép dân phải trả quá nhiều phí không hợp lý”.

Cuối cùng, bạn đọc Thanh Tuấn 1846990375558622 đề nghị cần có sự minh bạch, công khai: “Theo tôi nghĩ giữa nhà đầu tư và người dân trước khi làm dự án nên lấy ý kiến tất cả, hợp tình hợp lý, công khai minh bạch để người dân biết số vốn của nhà đầu tư bỏ ra và người dân chi trả bao nhiêu là đủ. Cứ mờ mờ ảo ảo thì dân sao đồng tình được.”

Nguyễn Đoàn tổng hợp