Thời fan "cuồng" rồi sẽ qua…

(Dân trí) - Với tiêu đề “Thảm kịch thần tượng”, bài blog của Lê Chân Nhân xem ra đã điểm trúng vào hai huyệt đang rất nhạy cảm hiện nay của dư luận là “thảm kịch” và “thần tượng”. Thế nên ý kiến luận bàn quả là rôm rả, viện dẫn nhiều lý lẽ, suy luận… khác nhau.

Thời fan cuồng rồi sẽ qua…
Big Bang trình diễn... (ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Thần tượng trong bạn, trong tôi

 

Về thần tượng, chúng tôi nhận thấy có một điểm chung trong lý giải của nhiều bạn đọc. Đó là một hình tượng nào đó mà trước hết là phải có sự nổi bật, có tác động nhất định khiến fan phải ngưỡng mộ, khâm phục…

 

Vì thế, cách lựa chọn thần tượng cũng như thể hiện sự ngưỡng mộ của một số fan khá đơn giản, nhưng lý do cùng cách suy nghĩ, nhận định mà họ đưa ra chắc sẽ có sức thuyết phục với nhiều người. Ví như hình ảnh thần tượng qua lời tâm sự của Hoàng Thị Hải – (chắc là một giáo viên ở độ tuổi cũng không còn quá trẻ nữa):

 

“Tôi cũng đã từng rất hâm mộ một cầu thủ đá bóng khi tôi còn là học sinh. Tôi hâm mộ tài năng thực sự và những cống hiến lớn lao của cầu thủ đó cho nền thể thao nước nhà. Nhưng sâu xa hơn, ở con người đó tôi nhận thấy một nhân cách, một cách sống, cách thể hiện rất đáng để những người trẻ tuổi, những học sinh như chúng tôi ngày ấy học tập và noi theo. Sự hâm mộ cũng chỉ dừng lại ở việc xem và cổ vũ nhiệt tình những trận đấu có sự tham gia của cầu thủ, hay ngồi tỉ mỉ cắt những tấm hình của cầu thủ sau đó dán vào một quyển sổ được giữ gìn cẩn thận...

 

Chỉ thế thôi mà nhiều khi bố mẹ, thầy cô, bạn bè và nhiều người khác lúc bấy giờ đã nhìn mình với con mắt khác, như thể mình là người có một cái gì đó không bình thường... Vậy thì không hiểu chứng kiến sự hâm mộ thái quá của giới trẻ hiện nay, mọi người thế hệ chúng tôi lúc bây giờ sẽ nghĩ gì nhỉ ? Vẫn biết rằng mỗi thời một khác, nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có cái ngưỡng của nó...Nếu đi quá thì mọi việc, mọi vấn đề lại được nhìn nhận và đánh giá theo hướng khác... Chính vì thế, ngày hôm nay tôi vẫn thường nói với những em học sinh rằng: yêu quý, hâm mộ một ai đó không phải là điều xấu. Nhưng phải thể hiện sự yêu quý, hâm mộ đó như thế nào cho phù hợp...Bởi tất cả điều đó sẽ thể hiện quan điểm, cách nhìn, cách sống của bạn...”

 

Suy nghĩ của một người trẻ như Cường cũng có điểm chung: “Tôi cũng là người thuộc giới trẻ, nhưng tôi thực sự không hiểu được nhiều người cùng trang lứa với mình nữa. Đành rằng ai mỗi người có suy nghĩ khác nhau, họ có thể thần tượng ai đó là quyền của họ. Nhưng điều gì cũng có giới hạn của nó, người mình đáng thần tượng nhất là sự vất vả của bố mẹ đấy, tại sao không thể hiện đi????”

 

Còn những fan “cuồng” như Han Soo Mun có cách giải thích riêng: “Mình là một VIP, mình đã đọc bài báo và cũng muốn nói ra ý kiến riêng của mình. Mình đã 23 tuổi, cũng là "fan cuồng" như các bạn gọi, nhưng mình muốn đặt một câu hỏi với các bạn: Tại sao giới trẻ Việt Nam lại không thần tượng Vpop mà lại là Kpop như thế? Vì sao ư, mình xin mạo muội trả lời như thế này (chỉ là ý kiến của riêng mình thôi): Chính Vpop mới là nhạc thị trường, không có đầu tư trong việc đào tạo các ngôi sao, chỉ cần có tiền thì sẽ được làm một ca sĩ mặc dù giọng hát của họ thực sự không ra sao. Và sao của Vpop có làm gương cho giới trẻ được không khi họ mang những tranh cãi lên mặt báo, thậm chí là chuyện riêng của gia đình họ?

 

Tôi không nói tất cả các sao Vpop đều như thế, nhưng không phải số ít họ như thế đâu. Còn vì sao thị trường âm nhạc Kpop lại thống lĩnh Việt Nam như thế, thì xin thưa không chỉ 1 mình Việt Nam đâu. Mà cả Nhật Bản - một thị trường khó tính thứ 2 sau Mỹ, và hầu hết các nước châu Á quan ta cũng vậy. Họ bỏ công sức và sự đầu tư đích đáng thì cái mà họ nhận được phải hơn thế nữa ấy chứ.

 

Mình thừa nhận việc các VIP nhỏ tuổi quá cuồng nhiệt vì Big Bang là không nên, nhưng  hãy xem lại nền giáo dục của Việt Nam bây giờ, và còn có rất nhiều lý do nữa nhưng mình không nói hết được. Đây là ý kiến của riêng mình, mong các bạn đừng trách Kpop, đừng đổ lỗi cho giới trẻ hiện nay”.

 

Nick Deptrai_yeurock đặt câu hỏi ngược tương tự: “Các bạn chỉ ra sức trách móc giới trẻ quá cuồng với thần tượng của mình, mà không đặt ra một câu hỏi rằng tại sao lại như thế? Thật nực cười khi chỉ nhìn một phía mà đánh giá. Hãy nhìn lại chính văn hóa và cách giáo dục con trẻ bây giờ - giáo dục thì xuống cấp, không ít người lớn chỉ quan tâm tới con nít bằng cách lên các báo mạng để lại những nhận xét trách móc.

 

Nhưng xin thưa với mọi người rằng thần tượng mà mọi người nói ở trên, họ phải mài giũa và tập luyện hết sức nghiêm túc trước khi đến với khán giả. Họ càng phải tập luyện và chăm chỉ hơn nữa để được công nhận sau khi debut. Mình không chỉ thần tượng họ mà mình còn khâm phục về tài năng và khả năng làm việc cũng như con đường mà họ trải qua để có được thành quả”.

 

V.A cũng bày tỏ: “Tôi thuộc thế hệ giữa 8x, cũng không còn trẻ, sắp chạm ngưỡng 30, đã lập gia đình, chuẩn bị có con, công việc tốt và ổn định. Nói như thế để thấy rằng tôi không thuộc nhóm teen, nhưng tôi lại thích các nhóm nhạc K-pop. Tôi và chồng có đi xem Big Bang trình diễn vừa rồi. Báo chí phản ánh sự cuồng nhiệt quá mức là không sai, nhưng tôi thấy có phần phóng đại. Cả sân vận động mười mấy ngàn người xem, chỉ có 1 nhóm nhỏ đứng gần sân khấu là có những hành động quá khích. Còn lại 90% những người khác đều rất văn minh.

 

10% tiêu cực tôi nghĩ ở đâu cũng có, tầng lớp nào cũng có, thế hệ nào cũng có. Thậm chí thế hệ càng lớn cái % tiêu cực ấy càng nhiều, có điều thể hiện theo cách khác. Nếu chỉ lấy 10% tiêu cực để chỉ trích sở thích của người khác thì không nên. Còn nếu nói về sự cuồng nhiệt quá mức thì nên xem lại những fan hâm mộ bóng đá (không chỉ VN mà cả thế giới). Vâng, người lớn cả đấy, nhưng vẫn chơi xấu, ẩu đả, bạo lực, văng tục, chửi thề với đối thủ của mình. Người lớn làm gương cho trẻ em, nói đao to búa lớn làm gì trong khi bản thân mình cũng không kiềm chế nổi những cơn thái quá trước mặt con nít…”

 
Thời fan cuồng rồi sẽ qua…
 
Và các fan tuổi teen (ảnh: Tuổi Trẻ)
 

Cách bày tỏ niềm đam mê

 

Niềm đam mê chắc ai cũng có, chọn cho mình một hoặc vài thần tượng trong lĩnh vực nào đó, chúng tôi nghĩ rằng thế hệ nào cũng có như nhau. Sự khác biệt có chăng chỉ ở cách thể hiện. Nếu vừa phải, thích hợp sẽ tạo hiệu ứng tích cực. Ngược lại, thái quá tất rất có thể gây nên... thảm họa (dù chắc cũng không tới mức quá đáng ngại như thảm họa thiên nhiên, nhưng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới người khác).
 
Luận về chủ đề này, Lê Vũ Dụ dẫn giải:

 

 “Tôi rất đồng ý với quan điểm của tác giả của bài viết. Đành rằng sống trong cuộc đời này con người ta cần có những đam mê, nhưng đam mê đó để giúp mỗi cá nhân có được niềm tin, nghị lực phấn đấu để thành công hơn trong cuộc sống. Các bạn là những người trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước. Các bạn có thể bỏ ra cả ngày đứng chịu nắng để mong gặp được thần tượng của mình, nhưng lại không thể bỏ nổi 15 phút để đọc hết thông tin của một trận bão vừa quét qua khúc ruột miền Trung của mình. Các bạn có thể giẫm đạp lên nhau để có thể lại gần hơn với thần tượng, có thể khóc lóc khi không có được cơ hội đó... Nhưng e là các bạn chưa 1 lần đưa tay ra giúp đỡ một mảnh đời bất hạnh và càng không thể rơi nổi một giọt nước mắt cho những nỗi đau đang hiện hữu ngay bên cạnh cuộc sống của mình.
 
Thần tượng chỉ là một họa tiết tô điểm cho cuộc sống thêm thú vị, như một ly rượu chỉ có thể làm cho người ta mềm môi và chếnh choáng chứ không thể thay thế được cơm ăn, nước uống hàng ngày của chúng ta. Đó là những gì đã và đang xảy ra bên cạnh cuộc đời, đó mới chính là cuộc sống, là hiện thực mà chúng ta đang trải nghiệm các bạn ạ”.

 

Cao Thanh Hưng phân tích: “Việc hâm mộ một câu lạc bộ bóng đá, ca sĩ, diễn viên, nhóm nhạc…  là bình thường. Nó giúp chúng ta giải trí sau những giờ làm việc và học tập mệt mỏi. Thế nhưng cuồng loạn đến mức gào thét, khóc lóc, ngất lên ngất xuống… là làm mệt cả tinh thần và thể xác. Các bạn có thể dùng những sự cuồng nhiệt đó để vận động mọi người làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi... sẽ ý nghĩa biết bao. Ở đây tôi không nói hâm mộ là xấu, nhưng hâm mộ như thế nào là vừa, là hợp lý chứ đừng có kiểu điên loạn như vậy. Nó sẽ chỉ làm cho các bạn sa sút tinh thần và mệt mỏi, làm cho gia đình phải lo lắng...”

 

Tran Hue nói về cách sống ảo giữa đời thường hiện nay của một bộ  phận người trẻ: “… Hâm mộ ai đó không phải là xấu, mình cũng rất hâm mộ Michael Jackson, các bạn trẻ khác hâm mộ Kpop cũng không có gì là sai. Nhưng những hành động ngông cuồng như vậy là không nên, nhiều bạn hâm mộ thần tượng nhưng lại vô cảm với chính những người sinh ra mình, bố mẹ mình ốm chắc gì đã lo lắng… Các bạn sống ảo quá, trong khi những cái thực tế thì các bạn lại không biết trân trọng”.

 

Lý giải về cái gọi là “thảm họa thần tượng” do các fan cuồng vừa gây ra tại sân vận động Phú Thọ, Bom góp ý nhẹ nhàng: “Công nhận là Big Bang thì đỉnh thật, mình thấy đây là ban nhạc nam của Hàn duy nhất có tầm cỡ có thể vươn lên quốc tế. Nếu họ ra HN mình cũng đi xem ngay, dù giá vé có đắt thế nào đi nữa. Còn chuyện fan cuồng thì miễn bình luận. Các em (hoặc cháu) ý còn bé và chưa có văn hóa hâm mộ thần tượng. Thần tượng cũng chỉ là con người thôi, họ cũng có vô vàn thói hư tật xấu. Nhưng họ có tài năng hoặc trí thông minh, lòng dũng cảm hoặc nhiệt huyết nên có thể làm rung động trái tim của bao nhiêu người khác và được người ta tôn làm thần tượng. Mình nên tỏ thái độ thân thiện nhưng đừng quá điên cuồng, nhưng mình nghĩ không ai bị các fan cuồng quá khích vây chặt lấy rồi mỗi người xin 1 mảnh áo quần hoặc 1 sợi tóc làm kỉ niệm đâu :))”

 

Trần Quang Khánh ủng hộ: “Tôi thấy hâm mộ K POP cũng không có gì sai cả. Miễn sao cá nhân mỗi người đó thấy vui và sống tốt hơn là được. Giới trẻ thế giới đều hâm mộ K POP, nên giới trẻ VN cũng không thể là ngoại lệ được. Có lẽ những người làm văn hóa VN chưa đủ tầm để hướng giới trẻ. Các ca sĩ thì có những người dùng đủ mọi chiêu trò để được nổi tiếng, tạo scandal, váy ngắn - hở. Trong khi các bạn K POP thì họ nổi tiếng bằng tài năng thực sự của mình và được cả thế giới công nhận. Nên mình nghĩ giới trẻ VN hâm mộ thần tượng nước ngoài, điển hình là K POP cũng là lẽ thường. Miễn sao sự hâm mộ đó không ảnh hưởng tới những người xung quanh là được”.

 

Ngược lại, Nguyễn Thế Anh rất bức xúc: “Tôi năm nay 24 tuổi. Nói là trẻ thì không phải, mà bảo già thì chưa đúng. Những năm gần đây, khi đọc báo thấy các bài viết về chủ đề fan Việt hâm mộ thần tượng là các ca sĩ nước ngoài, đặc biệt là ca sĩ Hàn Quốc, tôi thấy thật bức xúc. Các bạn trẻ có lý khi nói rằng quan niệm về cái hay, cái đẹp và thẩm mỹ âm nhạc giữa mỗi con người, mỗi thế hệ là khác nhau. Khi đánh giá một vấn đề, cần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

 

Tác giả các bài viết về chủ đề này có thể chưa đặt mình vào vị trí các bạn trẻ đó nên chưa có được cái nhìn toàn diện về vấn đề đang muốn đề cập. Nhưng dù có thế nào, tôi vẫn ủng hộ quan điểm của tác giả bài báo này. Suy nghĩ một cách "hơi vội vàng" thì có thể thấy một bộ phận giới trẻ ngày nay sống thiếu lý tưởng, thiếu bản lĩnh, họ không có được (chính xác hơn là không được ai chỉ cho) một quan điểm rõ ràng về thế nào là cái đẹp, thế nào là thẩm mỹ để có những hành xử đúng mực và phù hợp.

 

Tuy nhiên, suy nghĩ sâu xa hơn thì có thể thấy, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho giới trẻ, đây chỉ là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục vẫn còn lạc hậu, tư duy manh mún và thiếu cái nhìn ở tầm vĩ mô. Các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các nhà quản lý văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nghĩ gì khi đọc và xem những bài viết, hình ảnh này (hoàn toàn có thể có con em, học trò của chính họ trong đó)? Và liệu họ có thấy được trách nhiệm của mình với vấn đề xã hội nóng bỏng này hay không? Hãy suy ngẫm!”

 

Trường nhận định: “Bài báo phân tích rất chính xác, phản ánh đúng hiện thực của 1 số giới trẻ hiện nay. Có rất nhiều cách để bày tỏ sự hâm mộ, như cố gắng học, luyện tập để được như thần tượng... Nhưng không phải cách gào thét, lên cơn cuồng điên, khóc, vật vã...bám theo thần tượng như hiện nay. Những bạn đó, nếu qua vài năm nữa, khi trưởng thành hơn khi suy nghĩ lại hành động của mình hiện giờ, tôi chắc chắn họ sẽ thấy rất hổ thẹn”.
 
Thời fan cuồng rồi sẽ qua…
Cổ vũ cuồng nhiệt (ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Nguyên do bên trong, bên ngoài

 

Luận về những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng fan cuồng, Ngọc Ánh lý giải: “Tôi thấy những thanh niên nam nữ Việt mà có hành động " cuồng" như vậy là do gia đình thiếu định hướng và dễ dãi với sinh hoạt của con... Các con xem gì, đi đâu, làm gì có lẽ cha mẹ  đều không mấy quan tâm. Cứ vậy lâu dần các em đó chệch ra khỏi gia đình... Có nhiều gia đình mà bố mẹ quan tâm định hướng tốt, con cái họ rất ngoan, giỏi mà cũng rất tình cảm. Cách sống cũng hiện đại chứ không phải cổ hủ đâu. Các cháu tôi đều như vậy cả. Nên tôi thấy là: Tất cả là ở giáo dục của gia đình, đặc biệt là cha mẹ”.

 

Nguyen The Thang nhấn mạnh: “Đây thực sự là một sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức. Có những bạn trẻ không nhận biết được giá trị đích thực của cái đẹp, về “Chân – Thiện – Mỹ” mà chỉ biết adua, đua đòi theo số đông. Sống không có lý tưởng, mục đích. Trách nhiệm này một phần là của nhà trường, gia đình và phần khác là của xã hội. Chúng ta đang chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các bạn trẻ hãy hướng về cội nguồn, về những giá trị truyền thống của dân tộc. Chúng ta là người Việt Nam, phải sống theo văn hóa Việt. Không thể a dua, đua đòi theo kiểu này kiểu khác được”.

 

Quy một lần nữa nhắc tới vai trò không nhỏ của giới truyền thông: “Chuyện này xảy ra còn do yếu tố bên ngoài, đặc biệt là các tờ báo mạng mà mỗi khi mở lên thì tràn ngập hình ảnh và những bài báo “soi” mọi chuyện liên quan đến những người nổi tiếng. Thêm vào đó lại còn những bài viết vô tình cổ súy cho cái lối sống bắt chước các diễn viên HQ. Hoặc post hình về hotgirl, hotboy này nọ trông giống diễn viên hay ca sĩ HQ, rồi tán dương hết lời làm cho những bạn trẻ đặc biệt là các bạn nữ cảm nhận như đó là lối sống thời thượng và ai cũng như vậy?”

 

Do Van Duong liên hệ rộng hơn: “Thực sự là nền giáo dục nước ta đang có vấn đề. Tôi thấy hình như người ta chỉ chú trọng về việc đầu tư vào những môn học khô cứng, mà quên đi những môn học mềm. Như thi đại học thì chủ yếu vào khối A, lịch sử nước nhà thì không nhớ, âm nhạc thì thần tượng thái quá. Nhắc đến điều này tôi lại nhớ đến một số bài văn của một số học sinh chuyên toán lý, không biết đó là thật hay chỉ là chế tác của một nhóm người nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh báo, rằng các em phát triển một cách lệch lạc, thiếu cân bằng.

 

Bây giờ chỉ là một số nhóm người, nhưng nếu không được uốn nắn kịp thời thì nó sẽ lan ra cả một thế hệ. Bản thân tôi là thế hệ thứ 2 của 9x, cũng còn khá trẻ nhưng cũng đã đủ nhận thức. Tôi không ghét Kpop và cũng không phải là yêu, cũng không có thần tượng bất kể một ca sĩ hay diễn viên nào, chỉ có nhạc nào hay thì tôi nghe. Cũng phải thừa nhận là Kpop cũng không phải là xấu, mà cái xấu ở đây là cách mà chúng ta nhận thức và tiếp thu về nó và ảnh hưởng từ xã hội. Tivi thì liên tục đưa tin về chàng ca sĩ Hàn này hay cô ca sĩ nước nọ. Báo chí thì cứ vài ngày lại có một dự báo về ngành nghề nào sẽ hot trong tương lai, giáo dục thì cưỡi ngựa xem hoa… Vậy thử hỏi xem làm sao mà tránh được sự định hướng lệch lạc của giới trẻ trong thời đại mà truyền thông đang có một sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến từng thế hệ? Cần nhanh chóng có một sự cải cách mạnh mẽ trong nền giáo dục của nước ta trước khi quá muộn…”

 

Quy Lan có cách nghĩ xem ra có vẻ "thoáng" hơn:  “Việc các fan nữ khóc, la, ngất khi gặp các thần tượng nhạc trẻ, thật ra đã có từ lâu trên thế giới. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, khởi đầu từ ban nhạc Beatles. Đây là việc xảy ra khi các cô gái còn trẻ, rồi khi lớn thêm vài tuổi với các lo toan của cuộc sống thì sẽ không còn nữa. Và có khi các cô nhìn lại quá khứ, sẽ mỉm cười là sao hồi đó mình lại như vậy nhỉ?”

 

Có lẽ là như vậy và cũng mong rằng kinh nghiệm cuộc sống cũng như những bài học trường đời sẽ giúp cho các bạn trẻ của chúng ta ngày một trưởng thành hơn, chín chắn hơn nhưng vẫn không đánh mất đi những gì rất riêng có lẽ chỉ có một thời mà hầu hết con người ta đều từng trải qua, như người ta vẫn nói: Một đam mê, một dại khờ, một tôi…

 

Kiều Anh