Thi tuyển công chức: Thử một lần… biết liền!

(Dân trí) - Những thông tin rất nghiêm túc về kỳ thi tuyển công chức tại Quảng Nam năm 2012 lại xới xáo lên một đề tài xưa nay đã bị nhiều điều tiếng. Ý kiến tham góp của bạn đọc lần này cũng chẳng cho thấy dấu hiệu nào khả quan hơn, ngoài vài kết luận…đa nghĩa.

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Thi và Tuyển

 

“Thi cử” ở VN đã trở thành nỗi ám ảnh với bao người dân bởi trước hết là bóng ma tiêu cực, thế nên dù kỳ thi này được giới chức Quảng Nam khẳng định: mọi thí sinh đều có cơ hội và thử thách như nhau. Thí sinh nào có năng lực hơn, làm bài tốt hơn thì có cơ hội hơn, ý kiến của bạn đọc vẫn nhấn mạnh: Nói vậy nhưng không (hoặc chưa chắc) đã phải vậy (?)

 

Những người cố gắng lạc quan hơn cũng vẫn bày tỏ sự bán tín, bán nghi hoặc đành  nuôi hy vọng vào một tia sáng “cuối đường hầm”. Dù sao số này có góp ý cũng với suy nghĩ… khá nghiêm túc:

 

“Nếu mà thi thật thì là tín hiệu đáng mừng cho người dân. Vì sẽ có được những vị giới chứ có tài thực sự (Đức thì còn phải… chờ xem đã)” - VXP: svktd@gmail.com

 

“Nếu thực sự thi tuyển công chức được minh bạch và công khai, thì đó là dấu hiệu đáng mừng cho thế hệ tương lai. Góp phần cho sự phát triển của địa phương cũng như cả nước. Tuy nhiên khoảng giãn cách giữa thực tế và hình thức còn là vấn đề đáng bàn cãi, đáng tranh luận. Cứ vậy thì đến bao giờ bộ máy công chức  nước ta mới có thể phát triển dựa trên những con người có năng lực và tâm huyết thật sự đối với sự phát triển đất nước đây?” - Thuy Linh:  linhlt125@gmail.com

 

“Thi thì không sợ khó chỉ sợ không trung thực, không công bằng và không bình đẳng thôi” - Phú Tùng:  phutung.bds@gmail.com

 

“Em cũng thi công chức đợt này, hy vọng thực tế sẽ đi đôi với lời nói” -  HT:  ht88@yahoo.com

 

“Đề thi tuyển công chức cần được kiểm duyệt chặt chẽ. Đồng thời ra đề phải có giới hạn hợp lý, nếu không đây lại chính là một kẽ hở cho các hành vi tiêu cực” - Phuonght:  phuongnguyen.ht89@gmail.com

 

“Tôi là 1 cán bộ công chức ở Quảng Nam nên tôi biết, trong 731 chỉ tiêu trên thì có hơn 500 chỉ tiêu thi không ‘chọi’ (dành cho cán bộ làm cơ quan, ban ngành đã làm lâu năm, có kinh nghiệm và cũng là con cháu trong nhà). Còn hơn 2.500 thí sinh tự do mà lấy 231 chỉ tiêu thì tổ chức 1 kì thi như vậy là quá tốn kém tiền bạc cho nhà nước, lại tốn công sức cho các thí sinh ôn thi. Chưa kể các cán bộ công chức dự thi phải xin nghỉ làm để thi. Nếu dành tiền này để tổ chức cho tất cả cán bộ công chức của Quảng Nam thi tuyển chức danh các Trưởng/ Phó phòng ban, Giám đốc các Sở ban ngành thì bộ máy lãnh đạo của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung sẽ làm việc đúng ngành nghề đào tạo, chất lượng quản lý và điều hành nhà nước sẽ được cải thiện” - Trung:  trungdtv@gmail.com

 

“Tỉnh Quảng Trị mình cũng làm như thế. Mình chưa bao giờ học vất vả như kỳ thi công chức vừa rồi, học đi học lại tới 6 lần tài liệu ôn thi mà vẫn sợ rớt. Áp lực kinh khủng vì mấy năm mới tổ chức thi, trong khi mình ra trường 2 năm rồi mà vẫn thất nghiệp. Nói chung theo mình nghĩ tiêu cực vẫn có, nhưng không thể ‘mua’ được tất cả các chỉ tiêu đâu. Con nông dân vẫn có nhiều cơ hội, chỉ cần chăm chỉ và biết cách làm bài thôi. Bằng chứng là đợt thi công chức khối Đảng, đoàn thể của Quảng Trị vừa rồi nhiều kết quả bất ngờ đã xảy ra - con nông dân và nữ đậu nhiều lắm” - An An: letmesmile111@gmail.com

 
Hình ảnh một kỳ thi tuyển công chức (ảnh minh họa)
 
Hình ảnh một kỳ thi tuyển công chức (ảnh minh họa)
 

Hình thức và Nội dung

 

Được vậy đã tốt biết bao nhiêu, nhưng thực tế lại chỉ khiến sự mất lòng tin ngày càng lớn. Khiến cho đa số phản hồi hết nói xa đến nói gần đều gặp nhau ở một điểm: Hình thức hoành tráng nhưng trái ngược hẳn với nội dung.

 

“Ở đâu rồi cũng thế thôi. Thi Đại học thì còn thực chất, chứ thì công chức chỉ là hình thức. Nếu một người bình thường không có ‘chân trong’ thì thi công chức còn khó hơn cả thi cao học, chứ nói gì đại học” - Chí Dũng:  chidung.hatinh@gmaul.com

 

“Các bạn đã dự thi công chức bao giờ chưa? Nếu chưa các bạn nên thử một lần sẽ biết thi công chức như nào? Vẫn vậy thôi, phao thi đầy rẫy, tiêu cực tràn lan” - Hùng Lê:  tdhoangnt2005@yahoo.com.vn

 

“Tôi thấy thi công chức thực chất là ‘thi tiền’, ‘thi quen biết’, thi ‘dựa vào thế lực’… Còn thi tốt mà không ‘chạy’ trước thì không bao giờ đạt được. Đây là một phần tất yếu của cuộc sống ở VN bây giờ đấy” - Hoàng Huynh:  hoanghuynh@gmail.com

 

“Ôi hình thức thôi các bạn ạ. Vừa rồi tôi thi công chức lần đầu mới biết: thí sinh chép bài nhau la liệt, tài liệu cả đống, thế thì có mà cả lũ trúng tuyển? Thế mới bảo là vẫn chỉ hình thức thôi” - Chip:  chip_vnh@yahoo.com

 

“Theo tôi, thi chỉ là màn kịch trá hình để che mắt thiên hạ mà thôi, chứ 731 suất tôi chắc đã có chủ cả rồi. Tôi đây người dân Quảng Bình, tháng 9 vừa rồi tôi cũng tham gia kỳ thi công chức riêng của một huyện Bố Trạch thôi đã có 3.000 bộ hồ sơ đăng ký nhưng chỉ tiêu có 300 người. Tôi thuộc nhóm 301 người… suýt đậu… Hiii...Giờ nghĩ lại dù có mất công học ngày học đêm để đăng ký thi nhưng vẫn rớt thôi. Thật ra tôi không tiếc công học, mà tôi tiếc… 300 ngàn phí dự thi!” – Thí sinh:  thedanqt@gmail.com

 

“Thôi đi ạ, bạn tui mới đi thi đây về mà vừa nói vừa rỏ nước mắt. Thi gì mà toàn tiêu cực, nào là mua chuộc giám thị rồi dùng phao ngang nhiên, chép bài nhau, rồi… Rất nhiều người kêu là chỉ thi hình thức. Dù biết rằng tình trạng "con ông cháu cha" nhưng tưởng lần này chỉ tiêu nhiều thì có cơ hội hơn, nhưng rồi vẫn thất vọng tràn trề” - Lê Na:  lena010196@gmail.com

 

“Vừa rồi em định nộp hồ sơ thi công chức vào ngành.. của Hà Nội, nhưng thấy đứa bạn em vừa chạy vào (không phải thi nhé vì bạn ấy tốt nghiệp tháng 5 mà tháng 8 đã ngồi chình ình ở … đó rồi) bảo rằng: Nếu có nộp hồ sơ thi công chức… thì nộp về tỉnh nào ấy chứ, vì theo như bạn ấy biết thì Hà Nội và Hải Phòng hết suất rồi. Nghĩ mà nản nên đành thôi, chẳng có công chức công cheo gì nữa” - Thủy Lê:  lethuyhou@gmail.com

 

“Các bạn nói đúng đấy, ở đâu chắc cũng thế cả… Có tiền và có mối quan hệ thì đỗ, không có thì thi làm gì cho mất công…. Hầu như tất cả vị trí đều có giá như giá ngoài chợ vậy. Theo mình, đối với những kì thi công chức thì cách tốt nhất để đỗ là gặp phòng tổ chức nhân sự sở nội vụ hỏi… giá. Nếu đủ kinh tế thì nộp tiền là đỗ.  Cụ thể như em gái mình thì vào giáo viên cấp 2 thôi mà người ta nói thẳng luôn nộp 70 triệu thì xong, muốn về gần nhà dạy thì nộp thêm 70 triệu nữa. Thế là em mình nghỉ thi luôn” - Vô Danh:  Nguyencuongxnk@gmail.com

 

“Tôi cũng vừa tham gia kỳ thi tuyển công chức tại Hà Nội. Buổi thi đầu tiên đã có người đứng lên khởi xướng: cả phòng thi góp tiền đưa giám thị để giám thị nới tay.... Phòng thi diễn ra cực kỳ tiêu cực. Các loại phao từ ruột mèo đến ruột ngựa được triển khai. Có bạn còn găm mấy bộ liền, bị bắt bộ này có bộ kia. Mà đây lại là thi vào một cơ quan lớn của Nhà nước mà còn như thế. Đúng là chán nản và thất vọng về kiểu thi công chức ở VN. Tốn tiền tốn của, vẫn chỉ là hình thức, lại còn mang thêm ức chế vào người” - Bite:  minhtam4686@gmail.com....
 
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

 

Lập trình…"trái tim"

 

Như phần lớn các kỳ thi ở nước ta hiện nay đều bị người dân ca thán, thi tuyển công chức, viên chức nghe thì có vẻ minh bạch, khoa học… nhưng vô số bài học thực tế chua xót đã được bạn đọc “bỏ nhỏ” với nhau để… “quân tử phòng… bị gậy”:

 

“Thi với chả tuyển!!! Tôi tham gia kỳ xét tuyển viên chức tại ST từ cuối năm 2011, đã trúng tuyển đạt trên 95 điểm mà cho đến nay vẫn còn ở nhà… đắp chăn đây này. Không có "$ + quan hệ sếp bự" --> khỏi thi cho rồi!” - Bux: buxjoin@gmail.com

 

“Thôi thi làm gì cho mất công. Nếu cần đỗ thì phải có tiền nhiều và quyền… nhỏ nhỏ thôi” - Thuong:  thuongubck@yahoo.com.vn

 

“Thi công chức cho Sở… của tỉnh Hà Tĩnh cũng nghiêm túc lắm, nhưng kết quả trúng tuyển thì "ai cũng lắc đầu lè lưỡi" (toàn con em quan chức to trúng tuyển)” - Mạnh La:  Lamanh@gmail.com

 

“Các bác cứ bình tĩnh và đợi qua ngày 11/11/2012 thì mới biết nó thật sự ‘căng’ hay không. Theo tôi được biết thì những phòng thi nào thuộc dạng COCC thì việc coi thi rất dễ dàng, vì nó giống như… cái chợ. Còn phòng nào của tầng lớp công nông thì các bác ấy siết chặt lắm. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận” - Thành Đạo:  vanvodao@gmail.com 

 

“Khoai đã sắp vào nồi rồi, hình thức cả thôi. Vấn đề bằng cấp thì không phải nói nữa, điều thiết yếu nhất là COCC, nếu không thì phải bằng mọi biện pháp để làm sao cho mình trở thành người nhà của ông này bà nọ. Muốn thế không có con đường nào khác là "thủ tục đầu tiên". Trên “mặt trận” này rất cần những loại giấy mà người ta gọi là VND, USD... CÀNG NHIỀU CÀNG ÍT. Mình nghĩ: làm gì có công bằng với thi cử?” – Nhat Long:  nhatlong.phan@gmail.com

 

“Lại thêm một hình thức thi cử nữa, vừa tốn tiền nhà nước, vừa tốn tiền của thí sinh nhưng vẫn chẳng giải quyết được gì vì rồi lại đâu cũng vào đó. Tất cả đã được ‘lập trình’ sẵn rồi. Ai đậu, ai rớt gần như có kết quả rồi. Tôi thấy khối hành chính là cơ quan đầu ngành nhưng ở đây chỉ cần cái gì đó khác hơn, chứ đâu cần người giỏi? Nếu cần người thực sự làm được việc chỉ có người đứng đầu ban, ngành đó mới biết, nhưng họ không nhận người tài giỏi chứng tỏ không cần. Chúng ta nên có hình thức tuyển người thực sự tài giỏi, có tâm để phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước” - Hoang Nam Khang:  hqthinh03@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ nên gửi tất cả các bình luận này cho Bộ trưởng Nội vụ xem xét! Các bạn đã từng có kinh nghiệm thi công chức nên rút ra những điều hết sức chính xác. Thi chỉ là hình thức thôi! Người ta ra đề cũng rất dễ thôi, điểm cũng cao sàn sàn nhau, nhưng những người đậu đã được chấm trước hết rồi, cho một vài cái tiêu chí ưu tiên là OK liền! Không vậy mà người ta đã nhận làm hợp đồng gần hết đó rồi sao? Giờ thi để hợp thức hóa thôi mà!”- Thanh Đắc Bình:  belitofme@gmail.com

 

Ai nắm trong tay chìa khóa giải mã được cái “trình” tưởng đâu cực kỳ đơn giản mà hóa ra lại rất phức tạp này đây? Chắc chắn không phải là các thí sinh rồi! 

Kiều Anh