Thay “thu phí” bằng “thu giá”, bản chất là gì?

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận bàn nhiều việc các trạm BOT đồng loạt trương biển mới: Trạm thu giá.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện không chỉ làm nóng dư luận mà còn hài đến mức mạng xã hội liên tục đưa ra những hình ảnh, những tiểu phẩm, những bình luận chuyện “thu giá” của cơ quan chủ quản.

Rất nhiều bài báo cũng đã phân tích, mổ xẻ vấn đề này.

Tựu trung lại, cốt lõi trong phản ứng của báo chí và dư luận là: “Thu giá” là một cụm từ vô nghĩa, đánh tráo khái niệm, cần phải được thay đổi.

Có lẽ chưa bao giờ một cụm từ mới xuất hiện lại được xã hội dành sự quan tâm như thế ngoại trừ công trình cải cách chữ quốc ngữ của ông tiến sĩ Bùi Hiền.

Tại sao vậy? Vì người Việt không ai lại ăn nói ngô nghê thế; vì ngôn ngữ Việt trong sáng, chuẩn mực chứ không vô nghĩa như cái “sản phẩm” này của Bộ GTVT.

Hãy nghe ông Bộ trưởng giải thích với công luận: “Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều”.

Thì ra là vậy. Gọi là “thu giá” hay “thu phí” không quan trọng, quan trọng là “linh động” cơ!

Chỉ ra bản chất về cái sự “linh động” mà Bộ trưởng nói, dư luận cho đấy là sự “lách luật”. Lách luật bằng ngôn từ.

Vấn đề đặt ra là, Bộ làm như vậy để làm gì?

Để giảm áp lực cho các trạm BOT đăt sai vị trí vốn đang bị dư luận bức xúc, không đồng thuận; để các doanh nghiệp đầu tư BOT được “linh hoạt” nắm quyền quyết định mức thu.

Thế thì, đích thị là vì lợi ích nhóm ư?

Nguyễn Duy Xuân