Tham nhũng tràn lan, xử lý vụn vặt

Tham nhũng đã được nhận diện, điểm mặt ở các địa phương, song thực tế việc phòng, chống và xử lý còn rất hạn chế.

Rất ít đối tượng tham nhũng bị truy tố, xử lý nghiêm. Ảnh: Thanh Hải
Rất ít đối tượng tham nhũng bị truy tố, xử lý nghiêm. Ảnh: Thanh Hải
 
Đối thoại về thực trạng tham nhũng ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp hữu hiệu…

Đó là mục tiêu của hội thảo bàn tròn PCTN khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Song giải pháp vẫn còn… loay hoay trong các kiến nghị.

 “Tham nhũng là vấn đề phổ biến và nghiêm trọng nhất - so với các vấn đề chất lượng giáo dục, tăng giá cả sinh hoạt, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông… ở các địa phương hiện nay. Tuy vậy, sau 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) kết quả vẫn chưa đạt tiêu chí đã đề ra…” Đó là nhận định chung tại hội thảo trước Đối thoại PCTN lần thứ 11 khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra (trong 2 ngày 29-30.10) tại TP.Đà Nẵng. Đối thoại lần này cũng chỉ ra được “môi trường” để tham nhũng tồn tại, lây lan là sự thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền. Vậy giải pháp nào để công tác PCTN đạt hiệu quả?...
Khắp nơi đưa hối lộ...

Chuyên gia quản trị cao cấp Ngân hàng thế giới (WB), ông James Anderson cho biết, tham nhũng là thực trạng tồn tại ở hầu hết các quốc gia, vấn đề là ít hay nhiều mà thôi. Với Việt Nam, tham nhũng đang là vấn nạn khá phổ biến. Kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) của WB (năm 2009) ở 5 quốc gia gồm Indonesia, Philippines, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam cho thấy tình hình tham nhũng ở Việt Nam chỉ đứng thứ 2, sau Nga, với hơn 70% các DN thừa nhận là phải đưa hối lộ. Với người dân, những khiếu kiện liên quan đến đất đai gia tăng, và tham nhũng đang lan rộng.

Trong đó trên 99% khiếu kiện vì giá đền bù thấp, gần 50% vì tái định cư không phù hợp, khoảng 45% vì quy hoạch treo… Ông James Anderson cũng đã chỉ ra “môi trường” để tham nhũng tồn tại và lây lan là sự thiếu công khai, minh bạch. Việc các nhà đầu tư, DN và nhân dân khó tiếp cận các thông tin, văn bản hành chính, quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, điều hành xã hội của chính quyền là điều kiện phát sinh tham nhũng. Các chính sách nhà nước “càng công khai minh bạch thì tham nhũng càng ít, và ngược lại” - ông James Anderson khẳng định.

Một nghiên cứu độc lập khác của ông Nguyễn Văn Thắng - GĐ Viện Nghiên cứu phát triển Châu Á Thái Bình Dương, ĐH Kinh tế quốc dân - ở 3 tỉnh, thành miền Trung cho thấy có 32%-53% người dân (ở Đà Nẵng, Nghệ An) chứng kiến việc phải đưa hối lộ cho quan chức nhà nước địa phương khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến khám chữa bệnh, xin việc làm, xin giấy phép xây dựng, làm “sổ đỏ” đất đai. Nghiên cứu trên 8.100 DN ở 63 tỉnh, thành của VCCI cũng cho thấy có đến 75% DN phải cần đến “quan hệ”, “bôi trơn” để được biết các chủ trương chính sách của nhà nước, chi hoa hồng để có được các dự án từ ngân sách.

Kết quả điều tra, nghiên cứu của Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đối với gần 1.200 đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN (MTTQ) ở 42 tỉnh, thành cả nước cũng cho thấy 44%-55,1% ý kiến các đại biểu cho rằng “tham nhũng hiện là vấn nạn phổ biến và nghiêm trọng nhất ở địa phương, đứng trước cả vấn nạn kém chất lượng giáo dục, tăng giá cả sinh hoạt, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông”.

Cũng từ khảo sát, nghiên cứu này có kết luận trên 50% các đại biểu HĐND, MTTQ ý kiến rằng các hoạt động hành chính ở địa phương không được công khai, minh bạch như kế hoạch đấu thầu mua sắm công, báo cáo quyết toán sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, cổ phần hoá DNNN, giá đền bù khi thu hồi đất, tuyển dụng cán bộ công nhân viên chức…

… mới chạm đến tham nhũng vặt

Nhận định là vậy, nhưng thực tế công tác phòng chống, ngăn chặn tham nhũng ở các địa phương như thế nào? Tại Đà Nẵng, trong 5 năm thực hiện luật PCTN đã khởi tố… 8 vụ án liên quan đến tham nhũng. Song, phần lớn lớn các vụ án đều là các cá nhân có hành vi tham ô tài sản. Đến nay, 5 vụ đã kết thúc điều tra, 3 vụ đang xác minh có nội dung liên quan đến tham nhũng.

Theo ông Phan Tấn Truyền - Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng, từ 2006 - 2011, Thanh tra TP đã tiến hành gần 1.000 cuộc thanh, kiểm tra trên lĩnh vực hành chính và chuyên ngành. Kết quả phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, xã hội, kiến nghị thu nộp ngân sách 15 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi, huỷ bỏ 999 quyết định sai trái liên quan đến sử dụng đất, xử phạt hành chính 12,8 tỷ đồng. Nhưng chỉ có 2 vụ (3 đối tượng) phải chuyển cơ quan điều tra.

Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN Đà Nẵng cũng nhận được 98 đơn tố cáo, khiếu nại cán bộ nhà nước làm trái quy định, gây thiệt hại cho công dân. Nhưng kết quả xác minh thì không có căn cứ pháp lý minh chứng cho các tố cáo trên. Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong 5 năm qua, TP này không có đơn tố cáo tham nhũng (?). Tương tự, tại TT-Huế, hàng năm, cơ quan Thanh tra, Văn phòng BCĐ PCTN nhận được hàng trăm đơn thư khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên, kết quả trong 5 năm qua đã phát hiện, xử lý điển hình được… 2 vụ. Trong đó, 1 vụ liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách của… kế toán Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc, 1 vụ khác là hiệu trưởng và kế toán trường Tiểu học ở Hương Trà đã nhận án 2-3 năm tù mỗi người vì tội tham ô tài sản.

Tham nhũng ở địa phương được nhận định là phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, song với mức độ phát hiện, xử lý như vậy thì mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng sẽ còn xa vời.
Những con số 0 đầy quan ngại

Khảo sát, nghiên cứu của Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đối với 1.200 đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ ở 42 tỉnh, thành cả nước về công tác giám sát PCTN từ 2005-2012 đã cho ra những kết quả đáng giật mình:

Rất ít đối tượng tham nhũng bị truy tố, xử lý nghiêm. Ảnh: Thanh Hải


“Tỷ lệ dân nông thôn ở Việt Nam là 70%, nhưng tỷ lệ đại biểu HĐND sống ở nông thôn chỉ 11,5%. Trong khi đó, nhiều nội dung cần được công khai minh bạch, thì phần lớn lại diễn ra ở nông thôn, ví như giá đền bù khi thu hồi đất, sử dụng các khoản đóng góp của dân, tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức...” - ông Nguyễn Văn Thắng, GĐ Viện Nghiên cứu phát triển Châu Á Thái Bình Dương.

“GĐ một DN nhà nước sử dụng sai mục đích tài sản trị giá hàng tỷ đồng, nhưng không bị truy tố về tội tham nhũng. Nguyên nhân vì vốn nhà nước chỉ chiếm bằng hoặc ít hơn 49% tài sản DN. Tài sản bị chiếm đoạt không bị coi là tài sản do tham nhũng mà có. Điều này lộ diện khiếm khuyết của Luật PCTN. Luật PCTN chỉ áp dụng cho lĩnh vực công. Ngoài ra, luật PCTN, Hình sự xem việc nhận hối lộ là tội phạm tham nhũng, nhưng đưa hối lộ lại không được quy định là tội tham nhũng; Luật chưa quy định hành vi hối lộ công chức nước ngoài, hoặc hối lộ công chức của tổ chức Quốc tế công. Luật chưa áp dụng cho chủ thể là 1 pháp nhân; chưa quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp...” - ông Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Cục trưởng Cục CSĐT về tội phạm tham nhũng – C48, Bộ Công an.    
An Thượng ghi

 

Theo Thanh Hải
Lao Động