Tết trong mỗi người là…

(Dân trí) - Tết xưa với những tràng pháo rộn ràng nao nao, chứ có phải như bây giờ đến ngày 30 mới biết là đến tết đâu. Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Giờ còn đâu” – Le Chung tiếc nuối…

Tết trong mỗi người là… - 1

(Ảnh minh họa, nguồn ảnh: internet)
 Tết nay cũng khác tết xưa nhiều

“Niềm hạnh phúc của những ngày Tết nay chẳng còn như xưa. Và Tết nay cũng khác xưa nhiều. Người ta chẳng còn thích gói bánh chưng, không còn thích đi chúc nhau nữa. Trẻ em thì đâu còn những niềm vui tuổi thơ, chỉ mong đến Tết với những chiếc lì xì đỏ, chắc chỉ còn nghĩ được đến vậy thôi. Noel đã mang đến cho chúng nhiều nhiều hơn những gì của 1 ngày tết (theo chúng nghĩa). Phải chăng niềm hạnh phúc chỉ còn về với những xóm nhỏ, những nơi mà Noel chẳng về. Còn với những em nhỏ thành phố, niềm vui vô tận của ngày Tết cổ truyền chắc đã xa rồi trong tâm trí chúng. "Bao giờ cho đến ngày xưa"??? Bạn Trần Cường trải lòng.

Cùng suy nghĩ, bạn Nguyen van a chia sẻ “Đã qua rồi cái thời cả gia đình cùng đoàn tụ bên nhau với hơi ấm của bếp lửa hồng đêm 30 tết. Nhiều bạn trẻ ngày nay chạy theo mốt bên tây, bên tàu hết cả rồi, thử hỏi các bạn trẻ xem còn có mấy ai biết gói bánh chưng, bánh tét nữa hay không...? Hội nhập là chuyện tốt, nhưng dường như tôi thấy người ta đang tiếp thu dần văn hóa của nước khác và đang lãng quên đến nhẫn tâm nét đẹp của ngày tết Việt Nam, quên đi hình ảnh ông đồ già với những câu đối chúc xuân, quên đi việc thờ cúng ông bà vào dịp tết. Tết con người ta cũng đi chúc tết, cũng thắp nhang bái lạy ông bà, nhưng tôi tin chắc rằng ít còn ai hiểu hết giá trị của những công việc giản đơn đó. Họ chỉ làm như là "có lệ", như là đầy đủ thủ tục cần có để rồi sau khi các thủ tục "phức tạp, rườm rà" đó kết thúc, họ nhanh chóng tham gia vào các buổi tiệc nhậu nhẹt linh đình. Ơi tết Việt nay còn đâu???”

“Có năm mùng một Tết mình ra đường gặp mọi người mà chỉ chào như những ngày bình thường mà quên mất ko chúc nhau, một lúc sau mới nhớ hôm nay là ngày đầu năm. Muốn níu giữ một cái gì đó thật khó: muốn con cháu náo nức thì bố mẹ phải có thời gian đưa về quê thăm ông bà, họ hàng thân thích thay vì được nghỉ 4 ngày Tết cùng với tàu xe, đường xá ko thể đi lại được; muốn thấy cây cối đơm hoa, nẩy lộc phải trồng cây thay vì chỉ thấy chỗ nào cũng đào bới; muốn có món ngon ngày Tết thì phải nuôi trồng được thay vì ra chợ mua những thứ ko dám nhìn chứ chưa nói đến dám ăn.... xã hội phát triển không bền vững, mặc dù vẫn muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nhưng chỉ nói ko chưa đủ. Nhưng vẫn vui vì nhiều người vẫn còn muốn giữ vì có nhận thức đúng đắn và những người này đã và đang được hưởng những cái Tết hạnh phúc bên gia đình và người thân” – lebinh.

Nguyen Van Dung: “Ngày xưa, tết là để trẻ con có thêm manh áo mới, tết là để trẻ con có miếng ăn ngon...và tết là để trẻ con có được những thứ (không phải là tất cả) mình mong muốn. Ngày nay, tết cũng vẫn như thế (là thời gian để xum họp gia đình) chỉ khác xưa là điều kiện vật chất đã hầu như đủ, nên những mong ngóng về vật như ngày xưa đã giảm đi nhiều mà thay vào đó là được đi chơi thăm thú và ngắm cảnh phố phường. Nếu, tết ở mọi nơi đều trang hoàng như noel thì chắc sẽ chẳng trẻ con nào không mong ngóng têt. Nói là nói thế, nhưng viết đến đây thấy nhớ tết xưa quá. Ước gì mình không phải ước!”

Tết cổ truyền mãi là ngày trọng đại và đặc biệt nhất, mong đợi nhất trong năm

 “Mình năm nay đã gần 30 tuổi rồi. Có gia đình và có con nhưng mình vẫn háo hức chờ đợi đến ngày tết. Vì nói đến tết là mình được nghỉ làm, được về thăm ông bà ngoại và các bác, các anh chị ở quê, được xum họp bên gia đình, thứ mà những ngày thường không bao giờ có được. Thức ăn ngày tết dù cũng chỉ như những ngày thường nhưng được thưởng thức cùng với người thân, gia đình thì món ăn đó sẽ có hương vị đặc biệt khác. Thêm nữa là ngày tết có dịp chúng ta gặp lại bạn bè, có thời gian để hàn huyên tâm sự thăm hỏi lẫn nhau. Với mình không khí của ngày tết dù không còn được như xưa nhưng nó vẫn luôn làm mình háo hức chờ đợi. Dù ở thành phố nhiều năm nhưng gia đình mình năm nào cũng gói bánh chưng, gói giò, nhân cơ hội này mình cũng truyền đạt và tiếp thêm niềm hứng khởi cho con mình để sau này dù cuộc sống có khá giả hơn, sung túc hơn, bận rộn hơn nhưng các con vẫn luôn nhớ đến ngày tết cổ truyền. Mình hy vọng mọi người cũng có những suy nghĩ giống mình để ngày tết cổ truyền mãi là ngày trọng đại và đặc biệt nhất, mong đợi nhất trong năm.” Huyen.linh042010 tâm sự.

Tksx: “Tết đối với tôi luôn là một dịp quan trọng nhất, không dịp lễ nào khác có thể thay thể được. Cả nhà sum vầy, chúc nhau những điều tốt đẹp. Cứ khi nào Tết sắp đến lòng tôi lại rạo rực khi thoáng qua một mùi hương nhẹ, cái se se lạnh, cành đào, cành mai...trên đường phố. Tết cổ truyền của dân tộc mọi người hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống nước mình nhé!”

Bạn Thanh Vu hào hứng: “Đồng ý là Tết của "những ngày xưa" bao giờ cũng đẹp, cũng vui hơn trong tâm trí của những người đã trải qua...nhưng đâu có nghĩa là Tết ngày nay lại mất đi cái ý nghĩa của nó. Kinh tế phát triển, đời sống con người được cải thiện, đâu còn cái thời mà phải chờ cả năm mới biết đến vị của trái dưa hấu, của miếng bánh chưng nhưng người ta vẫn chờ Tết đấy thôi. Bởi vì đơn giản Tết là xum họp, là ấm áp, là hạnh phúc bên gia đình và người thân, với trẻ nhỏ nó còn là những phong bao lì xì, là những lời chúc "mau lớn, học giỏi...". Đấy!!! Những điều đó chẳng phải lúc nào cũng nhận được đâu”. 
 
Tết trong mỗi người là… - 2


Nhớ tiếng pháo đêm giao thừa!

“Tết quê em vui lắm, giao thừa xong khoảng 15 phút là thanh niên tập trung lại cùng chúc tết rồi đi hái lộc sau đó là về chúc tết các nhà đến tận chiều tối hôm sau mới về, tuy vui thì vui thật nhưng mà vẫn thiếu đó là tiếng pháo nổ giòn đêm giao thừa. Đã 16 năm giao thừa vắng tiếng pháo, tiếng pháo đã đi vào sử sách, thơ ca và có từ ngàn đời, TQ sau 12 năm duy trì lệnh cấm cuối cùng thì cũng cho đốt trở lại. Mong rằng lệnh cấm đốt pháo sẽ được bỏ và có biện pháp quản lý sản xuất pháo, vận chuyển pháo, sử dụng pháo an toàn." - Bui Quang Huy

Gia Huy: “Không có pháo thì làm sao còn là tết. Đốt pháo ngày tết với mục đích xua đuổi điều xấu, mang đến điều tốt. Phong tục này đã tồn tại hàng mấy trăm  năm mà bị cấm quả thật tiếc. Thử hỏi những người lớn tuổi xem họ nhớ gì về ngày tết nhất? tôi tin chắc đó là tiếng pháo và mùi hương của pháo trong tiết trời se lạnh và mưa xuân. Tết không có pháo thật là buồn. Hy vọng chính phủ sẽ có biện pháp quản lý sản xuất pháo hợp lý để người dân lại có díp đón xuân trong tiếng pháo giao thừa. Ôi nhớ quá! Tiếng pháo trong đêm giao thừa”.

 “Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta những tiện nghi nhất định. Nhưng - giống như một cơn lũ - cũng bào mòn và cuốn đi nhiều giá trị đạo đức mà ông bà chúng ta gửi gắm cho con, cho cháu. Tôi đã sống và làm việc tại Sài Gòn nhiều năm, đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Đất nước nhưng cái giá phải trả là nhiều nét văn hóa của người Việt dần phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ trẻ em sau này. Mặc dù không còn nhỏ nữa nhưng mỗi dịp Tết về, tôi lại thấy vui và chỉ mong được về quê quây quần, sum họp bên người thân. Có lẽ tâm lý chờ đợi và cái cảm giác lâng lâng của những ngày sắp Tết - giống như thuở còn nhỏ - sẽ không bao giờ thay đổi cho dù chúng ta có đi bất cứ nơi nào. Vì đơn giản, chúng ta mang trong mình dòng máu người Việt, hơi thở Việt và tiếng nói của người Việt. Lâu lắm mới có dịp chia sẻ, mong các độc giả đang làm ăn xa quê, hãy dành ít thời gian để 1 lần "ăn Tết" đúng chất Việt nhất. Chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc mừng năm mới !” Bạn yeu-Tet khép lại.
 
                                                                                                                                        Khả Vân (Tổng hợp)