Tăng giá điện, liệu người nông dân có còn bị cắt điện?

(Dân trí) - Đọc bài viết trên các báo về phát ngôn của Bộ Công thương trước việc tăng giá điện, xin được tâm sự vài điều trăn trở nho nhỏ hi vọng nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý.

"Theo các chuyên gia, đây là mức tăng giá có thể chấp nhận được, không gây ảnh hưởng nhiều tới phát triển kinh tế và đời sống nhân dân." (!)

 

Thực chất ảnh hưởng như thế nào thì các vị chắc đã khảo sát kỹ lưỡng rồi mới tuyên bố như vậy. Nhân dịp này, chúng tôi muốn tâm sự đôi điều trăn trở của người dân. Xin bắt đầu từ chuyện quê tôi chuẩn bị đón xuân Tân Mão vừa qua trong không khí những tưởng là phấn khởi vì từ nay đã có "điện nhà nước" để dùng. Sở dĩ nói vậy, bởi cả chục năm nay rồi cả

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

làng nhà tôi dùng chung nguồn điện từ trạm hạ thế của một doanh nghiệp tư nhân. Ông ta (chủ cái doanh nghiệp ấy) vì phục vụ sản xuất của mình nên đã đầu tư xây dựng một trạm hạ thế, do dùng không hết công suất nên ông ấy đã sẵn lòng chia sẻ cho cả làng cùng dùng chung, vì vậy mà giá điện bị đội lên "một chút" so với giá quy định của nhà nước. Thế vẫn chưa yên, mỗi khi có xóm nào đó chậm thanh toán tiền điện hoặc ông chủ ấy xích mích gì đó với chính quyền là lại ... cắt điện. Giữa ngày hè oi bức cũng cắt không cần nói lý lẽ. Người dân quê tôi đồng tình với "sự bức xúc" của chính quyền nên nghe theo lời kêu gọi, cùng nhau quyên góp để mua lại trạm hạ thế đó. Quyên cả năm nghe chừng cũng dư tiền, và ông chủ kia cũng sẵn sàng bán lại trạm hạ thế đó cho chính quyền quản lý, xong mãi mà vẫn thấy cái trạm đó không thay được chủ sở hữu, có lẽ do mấy bác cán bộ xã lỡ tay “đánh rơi” hết tiền quyên của dân rồi.
 
Tăng giá điện, liệu người nông dân có còn bị cắt điện? - 1

Tăng giá điện, liệu người nông dân có còn bị cắt điện? (nguồn ảnh theo internet)

 

Cuối năm ngoái, nhà nước đầu tư cho mấy cái trạm hạ thế mới (mỗi làng một cái). Thế là tết Tân Mão làng tôi được dùng điện của nhà nước rồi, dù giá vẫn không thay đổi mấy. Nhưng thật đen đủi, mấy hôm trước tết có lẽ do công trình mới chưa ổn định mà điện thường xuyên bị cúp, nhưng đen nhất là cái trạm của làng tôi bỗng dưng bốc cháy không lý do vào đúng khoảnh khắc giao thừa. Thế là cả làng tôi đón giao thừa bằng nến và đèn Hoa Kỳ, mấy người lớn lớn một chút ngồi rót rượu vang cụng nhau và bồi hồi nhớ về những đêm giao thừa của thập niên 80 thế kỷ trước (!). Tụi nhỏ tuổi hơn thì lấy làm thích thú vì "từ bé đến giờ mới được đón giao thừa ... mất điện".

 

Không biết trên đất nước này có còn ngôi làng nào chịu cảnh điện đóm như làng tôi không. Ai không tin mời về xã Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa tham quan cho biết, tiện giới thiệu thêm vài món đặc sản của quê hương luôn.

 

Nhà nước cho tăng giá điện rồi thì có còn cắt điện nữa không nhỉ? Và điện có đủ mạnh nữa không kìa, chứ như hiện giờ thì thậm chí cắm cả tiếng mới chín một nồi cơm nho nhỏ.

 

Ấy bởi vì thế mà vừa nghe nói đến tăng giá điện, người dân ai cũng cười. Cười đến méo cả mồm. Chẳng lẽ chuyện tăng giá điện lại dính đến chuyện khôi hài ? Nhớ cái đêm Táo Idol, "Ngọc Hoàng" đã lệnh cho "Táo Điện Lực" không được tăng giá điện vào thời điểm này cơ mà nhỉ ? Rõ khổ ! Người nông dân quê tôi tiết kiệm từng 200 đồng, cứ ra chợ mà nghe họ mặc cả nhau một mớ rau mà coi (!). Giá điện có tăng chút đỉnh có vẻ không ăn thua với những gia đình có điều kiện, nhưng người nông dân thì sao ? Ngày mùa cần điện để tuốt, để quạt lúa má thì lại bị "cắt luân phiên". Vụ chiêm năm ngoái dân làng tôi ngày đi gặt, tối về ngủ từ lúc quáng gà, và tỉnh dậy lúc 1h sáng để tuốt lúa. Ấy mà cũng cách đôi ba bữa mới có cơ hội để thức mà dùng điện. Cuộc sống càng hiện đại thì càng ... hại điện (!). Nhà nước cho tăng giá điện rồi thì có còn cắt điện nữa không nhỉ ? Và điện có đủ mạnh nữa không kìa, chứ như hiện giờ thì thậm chí cắm cả tiếng mới chín một nồi cơm nho nhỏ.

 

Ở trên là kể lể chuyện làng tôi. Còn bây giờ tôi kể lể thêm chút chuyện các cô cậu sinh viên ĐH Hồng Đức ở cái xóm trọ tôi đang tạm trú. Giá điện hiện tại chúng tôi đang phải thanh toán với chủ nhà là 2700 đồng/ 1kw. Cô cậu sinh viên nào có sắm thêm một bộ máy vi tính, siêng siêng học chút thì tháng cũng đứt trăm rưỡi đến hai trăm ngàn tiền điện (bằng phân nửa tạ lúa bố mẹ bán ở nhà). Còn chưa kể đến những cái đồng hồ đo điện lắp cho mỗi phòng đôi khi quay theo trường phái ngẫu hứng. Có kiến nghị lên nhà chủ cũng cùng lắm họ tháo cái này ra lắp cái kia vào, chẳng có ai kiểm định cả. Còn giá điện thì chẳng ai quản lý. Mà thực ra ở cả cái khu phố này phòng trọ nhà nào cũng có giá điện như thế. Không biết các bác điện lực có quan tâm đến vấn đề này chưa ? Trong khi nhà nước đang còn phải trích quỹ cho vay để tạo điều kiện các em nhà nghèo được học đại học, mà đời sống sinh hoạt của các em thì ... chẳng ai quan tâm. Không chỉ giá điện, giá phòng, giá nước cũng chẳng có quy định gì ráo, mặc chủ nhà thích thu sao thì thu. Hồi còn là sinh viên, cũng mới cách đây có hơn 5 năm chứ mấy, mỗi tháng bố mẹ gửi vào trường cho có ba trăm ngàn mà vẫn sống được. Cách có hơn 5 năm một chút, giá cả tăng gấp ba bốn lần. Khổ cho các em thật !

 

Úi ! Nói lôi thôi có vài chuyện vặt mà dài dòng quá ! Mong rằng không làm nhàm tai bạn đọc.

 

                                                                                    Ha Tram Tu

                                                                   tramtuha@yahoo.com

 

LTS Dân trí - Đứng về phương diện Nhà nước, tăng giá điện hay giá xăng dầu là chuyện phải cân nhắc kỹ lưỡng và có những lý do chính đáng, nhưng thiết nghĩ các cấp lãnh đạo, quản lý đất nước cũng nên lăng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

 

Có lẽ trong xã hội ngày nay, nói đến tầng lớp nghèo khó trong xã hội, phải kể đến người nông dân ở các vùng sâu vùng xa; rồi ở thành thị, thì phải kể đến các xóm trọ nghèo của sinh viên từ các tỉnh lẻ đổ về.

 

Cho nên những câu chuyện nho nhỏ mà tác giả viết về những điều trăn trở khi tăng giá điện của những đối tượng này, các vị có trách nhiệm quản lý ngành điện lực, nên đọc qua để thấy được tâm tư, nguyện vọng của người dân mà cố gắng có những biện pháp chăm lo thiết thực với những đối tượng thật sự đáng quan tâm. Chỉ có như vậy mới xứng đáng là “đầy tớ” của dân như Bác Hồ đã từng căn dặn mọi cán bộ.