Kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10:

Tản mạn về chữ “Tâm” và chữ “Tài” của nghề Luật sư.

Những cơ hội mới đem đến cho giới luật sư niềm lạc quan bao nhiêu thì lại đặt ra bên cạnh đó bấy nhiêu thử thách

 


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

“ Nếu bạn thông minh hơn Luật sư của bạn,vậy thì bạn đã tìm sai Luật sư”. (Peter)

Đây là một câu danh ngôn của phương Tây nhưng vẫn phù hợp với cả lý thuyết và thực tế của Luật sư ở Việt nam. Thước đo của Luật sư đối với người cần cung cấp dịch vụ pháp lý hiện tại là gì ngoài những tiêu chuẩn cần và đủ hội tụ của nghề Luật sư theo Luật Luật sư năm 2006: Bất cứ một nghề nào trong xã hội đều cần thiết phải có chữ “ Tài” và chữ “ Tâm”, và hơn nữa để thành đạt và có uy tín trong xã hội thì cần phải là người có cái tâm lớn “ chữ Tâm kia phải bằng ba chữ Tài”. Đó cũng chính là niềm tự hào hay vinh quang của nghề luật. Luật sư cũng như bác sỹ, nhà giáo, xưa - nay đều là những nghề được người đời nể trọng.

Không biết từ bao giờ "tâm" và "tài" đã trở thành một cặp từ song hành để làm nên tiêu chí đánh giá cho một nghề nghiệp, vị trí trong xã hội hiện đại. Đôi khi cụm từ này dành để nói đến phẩm chất của những nhà báo, nhà giáo, có lúc lại được dùng để nhắc đến sự đòi hỏi đối với một nhà lãnh đạo trong thời kỳ mới.

Nghề nào cũng vậy, mỗi người cần phải có niềm tin và nhiệt huyết để làm tốt công việc mà mình đã lựa chọn. Có nhiều cách lý giải khác nhau về chữ "tâm, theo ý nghĩa xã hội thì "tâm" là lương tâm, ý chí, lòng kiên quyết của con người. Đối với nghề y, nghề giáo thì có lẽ chữ "đức" được coi trọng hơn cả, đối với một doanh nhân thì chữ "tín" được đặt lên hàng đầu. Còn đối với nghề luật sư thì chắc hẳn chữ "tâm" là điều đáng trọng thị.

Chữ "tâm" là một phạm trù trừu tượng, ẩn chứa trong sâu thẳm mỗi con người. "Tâm" của nghề luật sư cũng giống như các nghề khác là một điều không thể định lượng nhưng có thể được biểu hiện bằng sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và sự phấn đấu nghiêm túc, trong sáng. Mặc dù vậy, chữ "tâm" ấy khó có thể tìm được chuẩn mực để đo lường và đánh giá độ nông - sâu, sáng - tối. Vả lại, "tâm" con người nếu được chủ động sắp đặt để thể hiện ra bên ngoài thì sẽ không còn là chữ "tâm" đích thực nữa. Nghề luật sư là một nghề độc lập, tự do và chuyên nghiệp, yếu tố cá nhân không tránh khỏi là yếu tố chi phối lớn đối với công việc. Có được chữ "tâm", luật sư sẽ có thể chiến thắng "cái tôi" cá nhân để đặt nhiệm vụ bảo vệ công lý lên cao nhất và luôn coi trọng quyền lợi hợp pháp của thân chủ. "Tâm" giúp người luật sư gắng sức để vớt lấy phần "người" ra khỏi phần "con" trong "con người" tội phạm, để không lạnh lùng quay đi trước những điều bất bằng, phi lý nhưng cũng là để phân định rõ ranh giới giữa bảo vệ lợi ích chung của xã hội và việc chạy theo lợi ích riêng của một thiểu số. Người luật sư có "tâm" sẽ luôn biết đấu trí để tìm ra những phương án giải quyết tối ưu vì lợi ích hợp pháp của khách hàng. Chữ "tâm" ấy cũng thúc đẩy luật sư hành nghề sao cho để lại ấn tượng đẹp trong lòng khách hàng, xử sự đúng mực với đồng nghiệp. Cho dù gặp trở ngại tới mấy trong nghề nghiệp, luật sư vẫn có thể vượt qua nhờ có "tâm" không ngại khó. Vậy là nhờ có chữ "tâm", luật sư có được cả chữ "tín", chữ "đức" và chữ "nhẫn", chữ “đạo” đúng như  quan điểm của  thạc sỹ Lê Quốc Hiền – Chủ nhiệm ĐLS Tỉnh Thanh Hóa từng nhận định “Hành nghề Luật sư là chở đạo”.

Trong giai đoạn hiện tại, để đáp ứng yêu cầu của xã hội và vươn xa tới cộng đồng quốc tế, bên cạnh chữ "tâm",  luật sư còn được đòi hỏi có trình độ, kiến thức và kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Những đòi hỏi đó có thể cô đọng trong chữ "Tài". "Tài" được hiểu là tầm trí tuệ, tầm năng lực của luật sư.

Như một quy luật tự nhiên, những cơ hội mới đem đến cho giới luật sư niềm lạc quan bao nhiêu thì lại đặt ra bên cạnh đó bấy nhiêu thử thách. Thử thách trước tiên là đứng trước một hệ thống pháp luật quốc tế đa dạng và phức tạp trong hoàn cảnh công cuộc cải cách pháp luật của Việt Nam cho tương thích với pháp luật quốc tế tuy đã được thực hiện gấp rút nhưng vẫn còn dang dở. Một thử thách thuộc về mặt chủ quan đối với luật sư Việt Nam đó là phải đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt và quy luật đào thải công bằng trong môi trường hành nghề mà ở đó ưu thế thuộc về những người có kinh nghiệm quốc tế và thông hiểu toàn diện chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi pháp luật trong nước. Do vậy, luật sư phải chủ động nâng cao trình độ để đủ sức cạnh tranh trong chính môi trường hành nghề của mình. Bởi xét cho cùng luật sư cũng là một ngành dịch vụ và hơn nữa lại là một dịch vụ trung gian hiện đại trong nền kinh tế xã hội và cũng không nằm ngoài quy luật của cạnh tranh bình đẳng khi hội nhập kinh tế quốc tế. Luật luật sư đã ra đời, chính thức quy định hình thức tổ chức hành nghề 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Vì vậy, các luật sư Việt Nam phải sớm trang bị cho mình khả năng nhạy bén với chính sách kinh tế, pháp luật. Nếu chậm chỉ một bước thôi, luật sư Việt Nam sẽ có nguy cơ tụt hậu trong môi trường cạnh tranh hành nghề. Để vững vàng vượt qua được tất cả những thử thách này, Luật sư cần có đủ các tố chất: kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý lên ngang "tầm" quốc tế.

Dù không quá coi nhẹ chữ "tài", nhưng có lẽ chữ "tâm" vẫn là quan trọng và tiền đề “ chữ Tâm kia bằng ba chữ Tài” như các cố nhân ta xưa kia từng nhận định. "Tài" của luật sư có thể thay đổi theo thời đại, hoàn cảnh kinh tế và có thể xác định qua tiêu chí cụ thể; còn chữ "tâm" của luật sư thì thời nào vẫn vậy cho dù chưa ai có thể tìm ra tiêu chí để đánh giá. "Tâm" và "tài" luôn là hai yếu tố song hành và bổ trợ cho nhau. Nhờ chữ "tâm" mỗi luật sư mới có nhiệt huyết, động lực để nâng cao trình độ của mình. Mặt khác, một luật sư đủ "tài" sẽ có đủ tự tin và bản lĩnh để giữ vững chữ "tâm" trong sáng.

Dù sao trên thực tế đất nước ta, đội ngũ luật sư hiện thời đang trẻ hóa và đang đóng góp rất tích cực vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, xử lý các tranh chấp và vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ được kỷ cương pháp luật và các quyền cơ bản và lợi ích chính đáng của người dân, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội như Điều 3 Luật Luật sư năm 2006 đã nêu rõ: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Và, cũng có thể nói một cách hình ảnh rằng, nhìn từ bình diện hội nhập hóa nền kinh tế với thế giới bên ngoài, nên  luật sư với trách nhiệm của cũng là các chiến sỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của đất nước.

LS Lê Hằng

(VPLS Trương Anh Tú)