Sưa ơi, vì đâu nên nỗi!

(Dân trí) - Gỗ sưa lại gắn với những thông tin liên tục về cái có thể coi như vụ “kỳ án”. Mở đầu bằng tin đồn 11 lâm tặc trúng gỗ sưa trăm tỉ, dẫn tới hỗn chiến khi hàng trăm người đổ vào rừng cướp gỗ sưa. Mới nhất là vụ cướp sưa giữa ban ngày…

Sưa ơi, vì đâu nên nỗi!
Vụ chặt chặt gỗ sưa được khẳng định ở khu vực hưng Trí. Ảnh cắt từ video clip do người dân cung cấp được cho là ghi lại hiện trường vụ việc (theo Lao Động)

 

"Chống lưng" cho Lâm tặc
 

Nhiều người trong chúng ta đều còn bán tin bán nghi về giá trị thực của gỗ sưa, cũng như khó có thể tin được động cơ mua gỗ sưa với giá ngất trời của các thương lái nước ngoài liệu có phải là… thực chất. Nhưng sự thực là chính từ những lời đồn thổi dù rất khó tin đó, mà nạn chảy máu rừng đã và đang ngày càng thêm trầm trọng. Tỉ lệ thuận vào bao hệ lụy phát sinh, mà gần đây nhất lại từ chính nơi được mệnh danh là “Vương quốc gỗ sưa” Quảng Bình, cụ thể hơn là  từ Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nổi tiếng.

 

Nỗi đau trước nạn chảy máu rừng lại một lần nữa day dứt con tim hàng triệu  người con dân đất Việt. Càng đau hơn nữa khi người dân quanh đó ai cũng biết rõ rằng, gỗ quý không thể bị chặt và thoát ra khỏi rừng mà lọt qua được mắt kiểm lâm.

 

Nói vậy quả thật rất đau lòng những cán bộ kiểm lâm chân chính – những người đã và đang ngày đêm đổ bao mồ hôi, tâm huyết, thậm chí cả xương máu trong cuộc chiến luôn không cân sức để gìn giữ những lá phổi xanh cho hành tinh của chúng ta.

 

Nhưng sự thực là thế, muốn tránh né cũng đâu có được. Thông tin mới nhất được báo Tiền Phong đăng tải ngày 12/5 cho hay: hai hạt phó và một trạm trưởng kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã không được phép tham gia đánh án trong vụ gỗ huê ngàn tỷ (dù chưa chính thức kết luận các kiểm lâm này có liên quan tới việc lâm tặc triệt hạ 3 cây huê tại hung (thung lũng) Trí hay không).

 

Đó là các ông: Hoàng Văn Quế (hạt phó) được nghỉ phép; Nguyễn Hữu Trí (hạt phó) và ông Trần Đức Tiến (Trưởng trạm kiểm lâm Trộ Mơợng) vẫn cho đi làm nhưng không được tham gia đánh án, cũng như các cuộc họp mang tính chất bí mật liên quan vụ 3 cây sưa (huê). Cũng qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, ông Trí có quan hệ mật thiết với nhiều lâm tặc trong vùng.

 

Với các cơ quan chức năng thì sự liên quan của một số người trong lực lượng áo xanh và cả “thế lực đứng đằng sau” nào đó có thể mới là nghi vấn. Còn người dân thì đã khẳng định “chuyện đương nhiên” đó từ lâu rồi trong bất kỳ vụ “chảy máu rừng” nào, bởi như một bạn đọc từng… thách: Không phải lâm tặc và không có “chống lưng”, đố dân thường nào đem được một mét khối gỗ quý ra khỏi rừng!
 
Sưa ơi, vì đâu nên nỗi!
4 tấm gỗ sưa bị bắt giữ tối 11/5 (ảnh: Lê Đình Dũng, nguồn: Lao Động)

 

“Có dấu hiệu phạm pháp của ‘thế lực bên trong' là quá rõ ràng!” – Hi: huyen19052001h@gmail.com nêu rõ.

 

“Chắc cán bộ địa phương và lâm tặc… có quan hệ họ hàng nên mới làm vậy?”-  Hoàng Cường:  cuonghx@gmail.com nói mát.
 

“Tất nhiên rồi, nếu phá rừng dễ thế thì... ai cũng đi. Nhưng phải có thế lực đứng sau dung túng chứ, và có cả những kiểm lâm “bật đèn xanh” cho thì mới được. Kiểm lâm ăn lương từ tiền thuế của dân mà không giữ được rừng thì ai chịu trách nhiệm đây?...” - Quy:  van03quy@yahoo.com nêu “quy luật” bất thành văn.

 

“Gọi gỗ sưa là nhóm nhiều tiền đúng hơn là nhóm gỗ quý, vì trước đây chỉ nhà nghèo mới dùng nó làm cửa. Nay vì nó là con gà mái đẻ trứng vàng nên việc đốn hạ vài ba cây mới nóng lên như thế. Tất cả chỉ vì rất nhiều tiền. 3 cây sưa mà phải triệt hạ đến 500m2 rừng ư? Lực lượng kiểm lâm đâu rồi? Và tại sao có những người trong số họ lại giàu thế nhỉ?” - Trần:  remytran25@yahoo.com lật đi lật lại nghi vấn.

 

“Gỗ sưa ơi là gỗ sưa!!!! Mày  biến mất vì mày đắt giá quá, sưa ơi. Mày bị hạ ngay trong vuờn quốc gia… Mày cũng cùng số phận với con tê giác cuối cùng ở vườn quốc gia Cát Tiên năm 2010 đó…Càng ngẫm càng buồn!” - Trần Quốc Trịnh: tranquoctrinhvp@gmail.com than thở.

 

“Không có kẻ trộm nào vào nhà mình mà chủ nhà  (kiểm lâm VQG Phong Nha KB) lại..."không hề hay biết", trong khi những "người hàng xóm" (người dân) lại biết hết mọi chuyện. Tôi xin nói trắng ra là BQL VQG Phong Nha KB đã tiếp tay cho những đối tượng ăn cắp gỗ sưa. Từ lâu nay, chúng ta đều biết lực lượng kiểm lâm ở các BQL VQG rất yếu và mỏng. Nhưng tệ hơn nữa, không ít trong số đó là lại những người ăn lương của nhà nước để… tiếp tay cho lâm tặc. Họ nghèo nên phải "kiếm thêm" chăng? Cơ chế lỏng lẻo khiến họ dễ làm bậy cùng lâm tặc chăng? Đạo đức nghề nghiệp cũng như ý thức tầm quan trọng về rừng trong họ chỉ là “con số không" chăng?.... Ôi, có vẻ nguyên nhân nào cũng đúng.... Với tình trạng này, e là trong 10 năm ngắn ngủi nữa thôi, Rừng vàng Biển bạc Việt Nam sẽ có còn lại được gì nữa không đây?...” - Thanh Pham:  thanhpham_181@yahoo.com nhấn mạnh nỗi buồn đau và lo ngại.

 

“Theo tôi, cứ ‘lôi’ nhưng người quản lý rừng ra, để các cơ quan có liên quan ra tay xử lý nghiêm họ vì tội thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng trước đã. Xử lý nghiêm, mạnh tay xem còn mấy người dám tiếp tay cho lâm tặc nữa hay không? -  Phương Nam:  phuongnamdk@yahoo.com đề xuất biện pháp mạnh…
 
Sưa ơi, vì đâu nên nỗi!
Nơi ông Nguyễn Hữu Trí (hạt phó) chỉ huy, lâm tặc vẫn vào ra bình thường mà không bị cản trở (ảnh, theo Tiền Phong)

 

Chủ động bám địa bàn

 

Suy rộng ra tình hình vẫn còn nóng bỏng tại đây liên quan tới gỗ sưa, bạn đọc tiếp tục vạch ra những điểm yếu trong thực thi chức trách của chính quyền địa phương. Trước hết đó là cách làm việc và quản lý vẫn còn rất lỏng lẻo, chưa bám sát địa bàn để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh…Đó là còn chưa kể tới những hiện tượng tiêu cực khác vẫn khiến dư luận bất bình xưa nay. 

 

“Tôi thật sự bất bình trước công tác an ninh ở khu vực này. Đã phát hiện chậm, xử lý chậm, nay khu vực này đang là điểm nóng thì phải bám sát địa bàn để kiểm soát tình hình và đưa khu vực này về trạng thái ổn định chứ. Việc này cũng đồng nghĩa với bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân trong khu vực.

 

Năm 2012 rồi mà sao vẫn còn để tình trạng chặt phá, cướp bóc trong rừng cứ như là… thổ phỉ thời xưa ấy. Thực sự không hiểu nổi. Tiện đây cũng xin nói thêm, có những việc dân biết, dân báo, cơ quan chức năng thì lại không biết. Cái gì cũng phải chờ dân báo, mà dân báo lên thì sự đã rồi, còn lại mỗi việc xử lý và giải quyết hậu quả. Sao không chủ động nắm tình hình và đón lõng tội phạm để dân được bình an hơn? Nhưng việc này chắc không có lợi?...” - Nguyễn Mạnh Sỹ:  nguyenmanhsy@gmail.com

 

“Không hiểu các nhà chức trách, lực lượng an ninh địa phương làm việc thế nào và nghiệp vụ đến đâu, mà những ngày này tại địa phương đang mất ổn định, thấy nhóm người lạ xuất hiện khả nghi, phải theo dõi và có thể phối hợp kiểm tra hành chính ngay chứ. Tối thiểu cũng phải như vậy để các đối tượng hiếu rằng chúng đã ở trong tầm ngắm của lực lượng chức năng địa phương… Tôi thấy cả trình độ và trách nhiệm còn quá kém” – Luong Van Hung:  hungbong2007@yahoo.com.vn

 

“Tỉnh QB lo làm gì vậy??? Chỉ đang lo bán gỗ sưa sao? Tại sao không cử thêm lực lượng xuống cắm chốt giúp các lực lượng địa phương, chứ công an xã có được mấy người, trong khi bọn giang hồ có đến hàng trăm. Người ta còn mẹ già, con thơ, lương ba cọc ba đồng, người ta không dám làm hết sức là đúng thôi, lỡ có chuyện gì ai lo cho gia đình. Đề nghị tỉnh QB cử thêm lực lượng xuống địa bàn khẩn trương, ổn định trật tự an toàn cho người dân” - Quốc Tuấn: BTbuon@yahoo.com.vn

 

“Tôi đã theo dõi vụ đốn hạ 3 cây sưa cổ thụ từ những ngày đầu báo đưa tin đến nay. Tôi thấy một điều không ổn là tình hình an ninh, chính trị nơi đây đang rất phức tạp. Vậy mà các cơ quan Nhà nước ở địa phương gần như chưa hành động kịp thời và hiệu quả để ổn định vùng quê di sản thiên nhiên thế giới này. Tôi kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cao hơn cần can thiệp kịp thời để ngăn chặn nạn chặt phá rừng, trộm cắp  tại nơi đây. Nếu cứ để tình trạng này vẫn xảy ra thì khu vực này càng rối loạn mất” - Le Ba Trung:  toanthang040708@yahoo.com.vn

 

“Đừng đặt câu hỏi khi ai cũng đã biết câu trả lời! Mong Chính phủ làm mạnh tay hơn để loại trừ những “con sâu” ra khỏi hệ thống chính quyền các cấp. Đồng thời nên nâng tầm nghiêm trọng của loại hình tội phạm lâm tặc và tham nhũng ngang hàng với tội phạm buôn ma túy, vì hình thức thì khác nhau nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội thì giống nhau, nếu chưa muốn nói là hậu quả về sau còn lớn hơn nhiều so với ma túy” - Arthur:  tranvulinh@gmail.com kiến nghị mạnh mẽ hơn…

 

Rõ ràng không phải tới bây giờ, mà từ lâu rồi chúng ta đã cần lắm những biện pháp mạnh, thật mạnh mới đủ sức răn đe và đem lại hiệu quả trong những vấn đề nóng bỏng như thế này.

 

Thanh Nguyễn