Sự sàng lọc nghiệt ngã

Các trường đại học ngoài công lập đang đối diện với khó khăn rất lớn, đó là không tuyển được sinh viên. Nhiều trường đưa ra các chính sách “khuyến mãi” hấp dẫn, kể cả tặng học bổng toàn phần nhưng vẫn không thu hút được người học.

Đây là hậu quả của chính sách phát triển đại học tràn lan đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Trường đại học mọc lên như một phong trào thi đua của các địa phương, anh có tôi cũng có. Tình trạng này cũng tương tự như xây dựng sân bay, dự án khu dân cư tràn lan khắp cả nước. Nhiều tỉnh thi nhau xây dựng sân bay để rồi chịu cảnh hoang vắng đìu hiu, khách lèo tèo, thua lỗ và lãng phí ngày càng nặng nề. Các dự án khu dân cư cao cấp, thành phố sinh thái với đủ tên gọi lộng lẫy cũng chung một kịch bản.

Biệt thự căn hộ xây xong không có người ở, hoặc dang dở nửa chừng phải chịu phong rêu vì đứt gánh giữa đường.

Chuyện thành lập trường đại học và các dự án nêu trên tưởng như không có gì liên quan, nhưng hóa ra lại cùng chung một chữ “tầm nhìn”. Mà ai có đủ tư cách và quyền hạn để nhìn những chuyện này? Chẳng phải ai khác chính là các nhà quản lý. Họ “thản nhiên” ký các quyết định cấp phép, với tầm nhìn quá hạn chế, dẫn đến khủng hoảng thừa và những đối tượng tham gia đầu tư là nạn nhân của cuộc khủng hoảng. Trước đó, để vượt qua cửa ải hành chính với đủ loại giấy phép họ đã đứt hơi, nên chỉ cần gặp cản ngại là không còn sức chống chọi. Ai chết thì chết, còn người ký các quyết định cấp phép vẫn sống khỏe.

Trở lại chuyện các trường đại học ngoài công lập, công bằng mà nói, có những trường không vì mục đích kinh doanh, mà vì muốn đóng góp cho nền học thuật nước nhà. Những người sáng lập có tâm huyết và trách nhiệm với xã hội, nhưng thực khó có cơ hội để chứng minh sự thành tâm và thực chất của mình. Sự bát nháo của “thị trường đại học” nhiều năm qua đã đánh mất niềm tin của phụ huynh và học sinh vào hai chữ “trường tư”. Cho nên, dù rất cố gắng, hệ thống này không xua đi được nỗi hoài nghi của cộng đồng về chất lượng đào tạo. Nó như một thứ định kiến xã hội mà để thay đổi cần phải có thời gian và sức chịu đựng của các nhà sáng lập.

Các trường đại học ngoài công lập còn phải đối phó với thách thức này nhiều năm và chắc chắn sẽ có nhiều trường phải đóng cửa vì không sức trụ lại. Sự sàng lọc nghiệt ngã ấy quả thực khó tránh khỏi trong cạnh tranh và tất nhiên chuyện mở trường dạy chữ cũng không thể nằm ngoài quy luật. Chỉ cay đắng một điều, rất có thể những trường có mục đích tốt đẹp thì chết yểu vì thiếu tiền, ngược lại những anh bát nháo lại sống sót. Bi kịch này e không chỉ xảy ra ở trong chuyện cạnh tranh của các trường đại học.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động