Phiếm đàm

Sự huyền diệu đáng sợ của nhanh và chậm

(Dân trí) - Các bạn định chỉ giáo thế nào thì không biết chứ còn riêng tôi nghĩ, trước sự huyền diệu đáng sợ của nhanh và chậm như vậy, đến bố tôi tuổi đời từng trải thế mà có sống lại cũng chẳng chỉ giáo được nữa là cái thá tôi tuổi chưa nhiều, kinh nghiệm sống còn non xanh.

>> Quy trình bầu ông Trịnh Xuân Thanh: Làm với tốc độ… siêu thanh!


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Nhân bài báo “Thủ tướng: Chưa yên lòng khi nhiều người có công vẫn sống khó khăn”, bạn đọc ThanhLuongVan – một cựu chiến binh đã giãi bày tâm sự: Như trường hợp bản thân tôi, sau 30 năm phục viên,trở lại đời sống bình thường và trở thành hội viên Hội Cựu chiến binh. Nhưng chừng bấy nhiêu năm đó đến nay tôi vẫn chưa nhận được các loại Huân Huy chương và Bằng khen do Nhà Nước phong tặng theo đề xuất của đơn vị dành cho quân nhân ở chiến trường.Tuy đã nhiều lần tôi có đến Quận Đội (nơi tiếp nhận hồ sơ đầu tiên),cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng: chính sách chưa về tới (Ở đâu mà xa vậy, 30 năm mà vẫn chưa về đến nơi).Và lần cuối gần đây nhất, tôi có đến để tìm hiểu rõ thì được trả lời do người tiền nhiệm đột tử nên toàn bộ hồ sơ bị thất lạc. Qua những ý trên, mong các bác chỉ giáo thêm tôi phải làm sao? Có những điều khó nói,mà nói ra cũng khó giải quyết.

Tôi không thể tưởng tượng được Chính sách ở đâu xa đến nỗi mà đi hoài những 30 năm vẫn chưa về tới Quận Đội đó nhỉ? Nhưng năm 60, chính những cựu chiến binh này thời trẻ trung đã xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, từ miền Bắc đi bộ hành quân (đi bộ chứ không phải đi ô tô, tầu hỏa hay đi máy bay đâu nhé) vào tới miền tây Nam bộ, nghĩa là gần như đi xuyên suốt chiều dài của Tổ quốc, cũng chỉ mất có khoảng 3 tháng thôi, thế mà nay chính sách có rồi, được ban hành rồi, nhưng ở nơi nào xa đến nỗi để 30 năm người cựu chiến binh này mỏi mòn chờ đợi, và còn kéo dài thời gian đến nỗi lần cuối cùng đến Quận Đội hỏi thì người cựu chiến binh này tắt hẳn sự hy vọng khi được cơ quan đó thông tin do người tiền nhiệm đột tử nên toàn bộ hồ sơ của đồng chí này bị thất lạc .

Tôi không tin là chuyện đó có thật. Gì thì gì, đọc đi đọc lại lời phàn nàn của người cựu chiến binh này, tôi vẫn không tin là chuyện đó có thật, Tôi càng không tin khi được biết gần đây việc Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang bầu ông Trịnh Xuân Thanh vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho đến tờ trình của tỉnh gửi Thủ tướng, Bộ Nội vụ rồi tờ trình của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng diễn ra tất tật trong… một ngày! Cụ thể, ngày 13/5/2015, HĐND tỉnh Hậu Giang họp và bầu chức danh Phó Chủ tịch tỉnh cho ông Thanh, thì cũng trong ngày 13/5/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ để đề nghị phê chuẩn bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ông Trịnh Xuân Thanh. Rồi lại cũng ngay trong ngày 13/5/2015, Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ với khẳng định “Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ nhận thấy đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang và thủ tục bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh của HĐND tỉnh Hậu Giang là đúng quy định.” Tôi ngồi lẩn thẩn tính toán thời gian, việc HĐND bầu xong rồi chuyển cho UBND tỉnh làm tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Nội vụ thì đã hết bao lâu. Rồi khi nào thì UBND tỉnh gửi, đến lúc nào thì Bộ Nội vụ nhận được văn bản, rồi thật kỳ tài, ngay trong ngày Bộ Nội vụ song trùng hoàn tất 2 việc là kịp thẩm định xong, lại còn kịp làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để khẳng định quy trình của tỉnh Hậu Giang “là đúng quy định.”

Rồi tiếp theo đó, chiếc xe Lexus 570 BKS 29A-79093 của ông Thanh sáng 25.5.2013, đang làm thủ tục đăng kiểm tại Hà Nội thì cách Hà Nội 1877km, ở Cần Thơ Phòng CSGT Công an Hậu Giang cấp biển số xanh 95A-0699 cho chính chiếc xe này.

Đấy, với bộ máy hành chính nước ta bây giờ, chuyện xử lý công việc được tiến hành siêu tốc như vậy, các văn bản đi nhanh đến nỗi chóng cả mặt như vậy thì chuyện người cựu chiến binh kể trên phàn nàn 30 năm trời đến Quận Đội (nơi tiếp nhận hồ sơ đầu tiên) hỏi đều được trả lời: “chính sách chưa về tới” là điều vô lý, làm sao mà tin được.

Bởi vậy, mấy ngày qua trong đầu tôi cứ vơ vẩn câu hỏi nghi nghi hoặc hoặc: “Liệu chuyện của người cựu chiến binh kia phàn nàn là có thật không nhỉ? Vì thế, cuối lời tâm sự, khi người cựu chiến bình này mong mỏi : “Qua những ý trên, mong các bác chỉ giáo thêm tôi phải làm sao?” tôi đâm hoảng vì trước sự huyền diệu đáng sợ của nhanh và chậm như vậy, đến bố tôi tuổi đời từng trải thế mà có sống lại cũng chẳng chỉ giáo được nữa là cái thá tôi tuổi chưa nhiều, kinh nghiệm sống còn non xanh.

Nguyễn Đoàn

.