Sống tối thiểu là sống thế nào?

Công nhân Việt Nam đang sống ở mức chất lượng nào, đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Không lý thuyết suông, thử đưa ra vài phép so sánh sẽ thấy ngay hiện thực.


Đa số công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở đề khẳng định mức lương tối thiểu vùng như hiện nay không đảm bảo mức sống tối thiểu. Ảnh: P.V

Đa số công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở đề khẳng định mức lương tối thiểu vùng như hiện nay không đảm bảo mức sống tối thiểu. Ảnh: P.V

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng. Vậy nếu chi tiêu cho một người ở TPHCM, Hà Nội, hay vài địa phương có mức sinh hoạt tương đương, thì 5,53 triệu đồng có chia đủ để sống cho 30 ngày hay không?

Nếu để sống thì vẫn sống, nhưng sống cho ra con người thì không. Xin khẳng định như vậy, bởi vì chi cho nhiều thứ, không chỉ miếng cơm bỏ vào bụng, mà còn khi đau ốm, lễ nghĩa, quan hôn tang tế. Có những khoản không thể không chi, dù không có tiền thì cũng phải đi vay.

Bài toán so sánh tiếp theo, một gia đình có hai lao động và hai đứa con, với mức thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng, thì không thể đủ sống. Mỗi người chưa đến 3 triệu đồng thì sống thế nào?

Một đứa trẻ đi học, có những thứ không thể tiết kiệm, đó là học phí, áo quần, sách vở theo giá tối thiểu của mặt bằng giá cả trong vùng, dù thấp đến mấy cũng vượt quá mức thu nhập của bố mẹ là công nhân.

Cho nên, sự tồn tại hiện nay của đa số gia đình người lao động là giật gấu vá vai, đắp đổi qua ngày, thậm chí cậy nhờ cha mẹ, hoàn toàn không chủ động được cuộc sống bằng chính nguồn thu nhâp của mình.

Chưa kể, túi tiền nhỏ nhoi đó của người lao động bị khuyết mất một phần do lạm phát, đóng thuế qua xăng dầu.

Những người làm chính sách phải quan sát tận cùng của cuộc sống con người để đề ra những quy định tăng lương phù hợp. Đương nhiên, để tăng lương cho người lao động còn phụ thuộc vào thực lực của doanh nghiệp, nếu tăng theo ý chí của người làm chính sách thì có thể doanh nghiệp sập tiệm vì sức không gánh nổi, cho nên cần phải có hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đó là, để tăng thu nhập cho người lao động, ngoài tăng lương, còn tính toán tổng thời gian tăng ca trong năm hợp lý, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vừa tạo điều kiện để người lao động làm thêm.

Bữa ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng.

Tăng thu bằng cách giảm chi, nhà trẻ cho con công nhân, giá hỗ trợ là một cách. Tổng LĐLĐVN còn đề xuất chính quyền các địa phương, các dịch vụ công cộng, trường học, bệnh viện, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính triệt để giúp người lao động, nhất là lao động nhập cư tiếp cận thuận tiện, giảm chi phí.

Các thiết chế công đoàn sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu tăng chất lượng sống cho người lao động.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động