Sao nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình không bị đề nghị khởi tố

(Dân trí) - Đâu là lý do khiến nguyên giám đốc BV Đa khoa Hòa bình chỉ bị kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm như những bác sĩ và điều dưỡng khác? Dù rằng, những sai phạm, trách nhiệm người đứng đầu của ông Dương là rất nặng nề, nhưng vẫn không bị khởi tố.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Điều dễ nhận thấy, vụ án xét xử bác sĩ Lương trong vụ 8 bệnh nhân tử vong ở BV Đa khoa Hòa Bình có rất nhiều tiến bộ trong quá trình xét xử. HĐXX chịu lắng nghe các ý kiến tranh tụng tại tòa, xem xét cẩn trọng các chứng cứ mới tại tòa, do đó, thời gian phải kéo dài dự kiến từ vài ngày lên tới 2 tuần.

Kết quả, thay vì tuyên án, HĐXX buộc phải trả lại hồ sơ để yêu cầu VKSND tỉnh Hòa Bình làm rõ một số nội dung. Trong đó, có dấu hiệu vi phạm phạm luật trong tố tụng điều tra; chứng cứ buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương còn chưa được thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; nhiều tài liệu mới cần được kiểm chứng. Đặc biệt, không chỉ điều tra chứng cứ buộc tội mà còn phải làm rõ chứng cứ gỡ tội cho bác sĩ Lương.

Điều mà dư luận quan tâm nhất, đâu là nguyên nhân khiến HĐXX đưa ra nhận xét có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật tố tụng Hình sự.

Thực sự, đây là điều mà các luật sư tham gia phiên tòa đã nhiều lần chỉ ra. Đó là dấu hiệu mớm cung: những bản cung “sinh đôi”; đó là những lời khai về việc sửa đổi biên bản (thêm 2 dòng về việc bác sĩ Lương được phân công phụ trách đơn nguyên) bị bỏ qua một cách bất thường; Đó là việc bỏ qua những dấu hiệu phạm tội của ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình. Thậm chí, có luật sư đề nghị phải khởi tố ông Dương ngay tại phiên tòa này.

Không phải ngẫu nhiên mà các luật sư đưa ra những đề nghị như vậy. Bởi lẽ, chính ông Dương là người gần như quyết tất cả việc ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn mà những phó giám đốc của ông cũng không được biết. Thậm chí những phó giám đốc, chủ nhiệm khoa ra tòa khai không biết Cty Thiên Sơn có bao nhiêu máy chạy thận đã lắp ở BV này, ăn chia ra sao.

Có những dấu hiệu cho thấy, ông Dương đã ký kết hợp đồng lòng vòng, để cho đối tác “bán cái” hợp đồng cho Cty Trâm Anh. Để rồi, chính giám đốc Cty Trâm Anh, vì không có chuyên môn, đã sử dụng hóa chất không được phép để xúc rửa máy. Hậu quả, 8 bệnh nhân bị chết oan uổng.

Chính những điều đó, như các luật sư và công luận đã phân tích, ông Trương Quý Dương mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên cái chết oan uổng cho những bệnh nhân của mình. Chính điều này được một số người trong ngành y cũng lên tiếng, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của giám đốc Dương.

Do đó, việc HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố đối với ông Hoàng Đình Khiếu - phó giám đốc bệnh viện kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực và ông Trần Văn Thắng - trưởng phòng Vật tư thiết bị, nhưng chỉ xem xét trách nhiệm với nguyên giám đốc Trương Quý Dương khiến dư luận vẫn bức xúc.

Thậm chí, mức án của bác sĩ Lương được VKS đề nghị đã nhẹ hơn: 30 -36 tháng tù và được hưởng án treo. Điều đó cho thấy, VKS đã nhận thấy có những quy kết mức độ phạm tội cho bác sĩ Lương trước đó là chưa đúng. Nhưng với dư luận, điều đó chưa đủ, chưa công bằng trong việc luận tội với bác sĩ Lương.

Nhiều lời khai, vật chứng cho thấy rất rõ, có dấu hiệu bác sĩ Lương bị biến thành con tốt bị thí mạng trên bàn cờ. Dư luận không thể chấp nhận những âm mưu như vậy. Vậy những ai đã thực hiện âm mưu này?

Mặt khác, đâu là lý do ông Dương chỉ bị kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm và giám đốc công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, báo dưỡng máy móc chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình?

Và lẽ gì, ông Dương cũng chỉ bị kiến nghị xem xét trách nhiệm như một số bác sĩ, điều dưỡng viên khác. Không, không thể hòa đồng trách nhiệm của ông Dương như những thuộc cấp của mình kiểu như vậy.

Chính với kiến nghị này, phải chăng chính HĐXX cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Vương Hà