Phiếm đàm

Sai bởi không chịu lật tiếp trang sau của sách

(Dân trí) - Vô lý với ai chứ với mấy vị quan chức Đường sắt Việt Nam thì có lẽ không vô lý đâu

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Ai cũng nhớ vụ án cách đây mấy năm, Ụ nổi M83 là công ty Nakhodka (Nga), được sản xuất năm 1965 bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp vào năm 2006, mà Dương Chí Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thực hiện hợp đồng mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD qua công ty môi giới AP chứ không mua trực tiếp qua Công ty Nakhodka với giá công ty đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD để có số tiền chênh lệch 4 triệu USD chia chác nhau phần "lại quả", gây tổng thiệt hại cho Nhà nước gần 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại này không phải là con số cuối cùng bởi những sai phạm đã dẫn đến hậu quả là dự án nhà máy bị phá sản giữa chừng, ụ nổi 83M không đưa vào hoạt động được. Ụ nổi trở thành đống sắt rỉ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, từ đó dẫn đến Dương Chí Dũng lãnh chịu án tử hình.

Có người thắc mắc:

Tại sao chuyện mới xẩy ra cách đây vài ba năm, nào có xa xôi gì cho cam để quên, mà lại xảy ra vụ nghiêm trọng không khác gì vụ mua ụ nổi. Đó là Công ty đường sắt Hà Nội vẫn định lặp lại kịch bản của Vinaline xin mua hơn 164 toa tàu cũ của Trung Quốc họ đã bỏ đi sau khi dùng từ 12 đến 20 năm và ngạc nhiên hơn lại được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bút phê chấp thuận nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc Đề nghị tổ chức triển khai.”

Đi tìm câu trả lời vì sao lại có chuyện như vậy, người thì giải thích thế này, người thì giải thích thế kia, ai nói tôi nghe cũng thấy có lý, nhưng tôi có lý nhất là câu giải thích của một bác chuyên viên cao cấp đã về hưu.

Bác ấy bảo:

- Có lẽ do ngành đường sắt Việt Nam khi đọc văn bản, mới đọc trang trước, không lật tiếp trang sau của văn bản đã vội làm, giống hệt như chuyện dân gian xưa kể rằng: Có thầy lang nọ dốt. Một lần có con bệnh đau bụng nặng, người nhà nửa đêm chạy đến tìm thầy, nhờ thầy cứu. Thầy thắp đèn, lấy sách ra tra, rồi bảo: "Ði mua mấy lạng nhân sâm về sắc lấy nước mà uống". Con bệnh đau bụng uống nhân sâm vào, càng đau, đến sáng thì chết. Người nhà đâm đơn kiện. Thầy phải lên cửa công. Quan hỏi: Thầy bốc thuốc thế nào lại để người ta chết như thế? Thầy trả lời, chắc như đinh đóng cột:" Bẩm, tôi bốc thuốc có sách, chứ đâu phải bốc bậy đâu ạ." Quan hỏi đến sách, thầy đưa sách ra. Giở đến trang có bài thuốc nhân sâm, dòng cuối trang có ghi: Phúc thống phục nhân sâm (nghĩa là: Ðau bụng uống nhân sâm), nhưng chưa chấm câu, giở trang bên kia thì thấy thêm hai chữ tắc tử. (nghĩa là: thì chết). Chắc là ngành Đường sắt Việt Nam cũng vậy, giở tài liệu vụ án ra đọc, thấy trang đầu ghi: "Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thực hiện chót lọt hợp đồng mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD để có số tiền chênh lệch 4 triệu USD chia chác nhau phần "lại quả" đã vội hí hửng quyết định mua 164 chiếc toa tầu cũ của Trung Quốc đã vứt bỏ đi, mà không chịu lật tiếp trang sau của văn bản ghi: "Với sai phạm nghiêm trọng như vậy, Tòa đã tuyên án tử hình Tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng"

Tôi cãi, điều bác về hưu nói vậy là vô lý.

Bác ta bảo:

Vô lý với ai chứ với mấy vị quan chức Đường sắt Việt Nam thì có lẽ không vô lý đâu. Bởi khi bút phê cho mua tầu cũ của Trung Quốc, cỡ như Tổng giám đốc còn viết sai chính tả chủ trương thành chủ chương, sử dụng thành xử dụng. Vì vậy, giở chuyện giở sách ra mới đọc hết trang trước chưa đọc nốt trang sau xem sự việc thế nào đã vội quyết, âu cũng là lẽ thường tình, hu hu ....

Nguyễn Đoàn