Phòng khám Trung Quốc và sự quan liêu

Các cơ quan chức năng của sở Y tế TP HCM đã làm gì với những trường hợp “trấn lột” bệnh nhân ngay trên giường bệnh? Và những người có nhiệm vụ quản lý các phòng khám này liệu có được lót tay nếu làm ngơ những sai phạm?


Quản lý phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (Q.5) xem hóa đơn điều trị phá thai, sau khi bị khiếu nại đã trả lại gần 40 triệu đồng cho bệnh nhân -(Ảnh: H.LỘC, báo Tuổi trẻ điện tử)

Quản lý phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (Q.5) xem hóa đơn điều trị phá thai, sau khi bị khiếu nại đã trả lại gần 40 triệu đồng cho bệnh nhân -(Ảnh: H.LỘC, báo Tuổi trẻ điện tử)

Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc ngày càng nổi như “cồn” bởi không chỉ do các kiểu “chặt chém” mà còn bởi cách khám chui. Chui đấy, mà cũng công khai đấy. Tại sao lại có nghịch lý này?

Trả lời chất vấn về các phòng khám Trung Quốc tại HĐND TP Hồ Chí Minh ngày 5.12, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Sau khi kiểm tra lần đầu, có 8 phòng khám tự đóng cửa, chỉ còn 9 phòng khám. Sau khi sở kiểm tra lần 2 đóng cửa thêm 4 phòng. ". Nhưng những gì báo chí điều tra sau đó thì hoàn toàn không phải như vậy.

Theo báo Tuổi trẻ, nếu Giám đốc sở Y tế nói có 8 phòng khám tự đóng cửa thì thực tế có 5 phòng vẫn đang hoạt động rất rầm rộ. Vậy, vì sao báo cáo của sở Y tế lại có thể sai sót lớn như vậy? Đây chỉ là quan liêu hay hành vi bao che cho những uẩn khúc ở các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc?

Câu hỏi này đặt ra bởi, các phòng khám được cho là đã tự đóng cửa vẫn vô tư giới thiệu với xã hội các phác đồ điều trị, kể cả những loại bệnh ngoài phạm vi được phép hành nghề. Thậm chí, cả việc phá thai với 22 tuần tuổi. Với trường hợp này, ngay trên bàn mổ, họ mặc cả với nữ bệnh nhân để moi hàng chục triệu đồng. Chỉ đến khi có sự can thiệp của báo chí, một số “bác sĩ” tư vấn người Việt mới òa khóc, thừa nhận chiêu “chặt chém” ở phòng khám. Vì tiền, quản lý phòng khám Trung quốc quá liều lĩnh với sinh mạng của con người, nhưng nguy hiểm là, thiếu đi sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Vậy các ông chủ thực sự của phòng khám có bác sĩ Trung Quốc là ai?

Theo điều tra bước đầu của báo Tuổi trẻ, các hình thức, phương thức quản lý ở những phòng khám này đều có những điểm tương đồng. Trong đó, các bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp đưa ra các phương án điều trị ngay trên bàn mổ và đủ các từ ngữ đe dọa với bệnh nhân để người bệnh chấp nhận những phác đồ điều trị đắt nhất. Còn phần lớn các bác sĩ người Việt nắm chuyên môn chỉ có tên trong danh sách là chính. Và các “bác sĩ” tư vấn người Việt qua mạng xã hội ngoài lương còn được hưởng hoa hồng theo đầu bệnh nhân đến khám và thưởng nóng hàng trăm ngàn/ ngày nếu bệnh nhân đến nhiều.

Do đó, dư luận muốn các cơ quan chức năng phải làm rõ, các ông chủ thực sự những phòng khám này liệu có phải là người Trung Quốc, dù rằng với dư luận, đó không còn phải là điều bàn cãi. Và một số người trong các phòng khám này đã thừa nhận như vậy.

Mặt khác, thông tin từ báo chí cho thấy, thanh tra của sở Y tế TP. HCM đã phạt một số phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, nhưng phần lớn là những lỗi hành chính. Các vi phạm được xử lý chủ yếu gồm hồ sơ bệnh án không ghi chép đúng quy định, không công khai giá thuốc tại nhà thuốc phòng khám, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. ...

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Các cơ quan chức năng của sở Y tế TP HCM đã làm gì với những trường hợp kiểu bắt chẹt bệnh nhân? Lẽ nào, những cú “trấn lột” bệnh nhân ngay trên giường bệnh không đến tai sở Y tế? Và những người có nhiệm vụ quản lý các phòng khám này liệu có được lót tay nếu làm ngơ những sai phạm?

Vương Hà