Bạn đọc viết:

Phòng chống cướp giật: Không để “nghẽn mạch” thông tin

(Dân trí) - Mỗi người dân chúng ta khi không may bị cướp giật tài sản hoặc phát hiện vụ việc, nên dũng cảm, đoàn kết cùng tham gia bắt cướp. Hoặc cố gắng bình tĩnh nhìn nhận rõ đặc điểm của đối tượng và chủ động thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng.

Hai tên cướp giật đang bám theo con mồi tại TPHCM (ảnh chụp từ clip)
Hai tên cướp giật đang bám theo "con mồi" tại TPHCM (ảnh chụp từ clip)

 

Tình trạng cướp xảy ra trên địa bàn TP.HCM thời gian vừa qua đã được báo chí phản ánh khá nhiều. Có nhiều bạn đọc góp ý, hiến kế đấu tranh, phòng ngừa tình trạng này. Tôi cũng có một góp ý về sự cần thiết nâng cao tinh thần đồng lòng góp sức của nhân dân, các cơ quan và những người có trách nhiệm để phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm truy tìm thủ phạm cướp giật tài sản, như sau:

 

Đặc điểm các vụ cướp giật tài sản là sự việc xảy ra rất nhanh, đối tượng cướp luôn chủ động, nguy hiểm. Còn người bị hại luôn bị động, khi xảy ra sự việc thường hoảng loạn, có người run sợ không kêu lên được...Sự việc thường xảy ra trên đường phố, gần ngân hàng, nơi rút tiền.... Việc nhận biết về đối tượng rất khó, ít có người dũng cảm truy đuổi hoặc đứng ra làm chứng... Có nghĩa là các chứng cứ, tài liệu, thông tin về đối tượng thực hiện hành vi cướp giật rất hạn chế.

 

Đồng thời, công tác tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác về hành vi cướp giật tài sản cũng còn có những hạn chế nhất định như: lượng thông tin thu thập được khi xảy ra vụ việc thường rất ít. Hồ sơ ban đầu còn sơ sài, do đó gây khó khăn cho việc xác định đối tượng. Công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan, chính quyền địa phương, người làm chứng về vụ cướp giật còn hạn chế, chậm trễ. Nhiều vụ việc xảy ra nhưng đến 3-4 ngày sau mới được phản ánh đến cơ quan chức năng, thiếu thông tin 2 chiều. Công tác trực ban, tiếp nhận tin báo còn chồng chéo, nhất là những vụ xảy ra trên địa bàn giáp ranh các phường, quận ...

 

Vì vậy, để giúp các cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm thì mỗi người dân thành phố HCM nói riêng và ở những nơi khác nói chung, nếu không may bị cướp giật tài sản hoặc phát hiện vụ việc nên dũng cảm, đoàn kết cùng tham gia bắt cướp. Hoặc cố gắng bình tĩnh nhìn nhận rõ đặc điểm của đối tượng như: có mấy đối tượng tham gia cướp, đặc điểm của từng đối tượng có dáng người cao hay thấp, là nam hay nữ, già hay trẻ, khoảng bao nhiêu tuổi, các đặc điểm tóc, mặt, chân tay...Phương tiện của chúng là loại xe gì, biển số, màu sắc... Sau đó chủ động thông báo kịp thời cho cơ quan Công an hay chính quyền địa phương nơi gần nhất.

 

Hiện nay, khi có thông tin về hành vi cướp giật tài sản, người bị hại hoặc người làm chứng thường điện báo cho cảnh sát 113. Vì vậy, phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hay cơ quan Công an cần sớm thiết lập các hộp thư tố giác tội phạm. Đồng thời xây dựng hệ thống đường dây nóng ở những nơi công cộng và thông báo rộng rãi cho mọi người biết, không để xảy ra tình trạng “nghẽn mạch” thông tin.

 

Đặc biệt cần củng cố hệ thống trực ban ở địa bàn phường, xã, cơ quan. Người tiếp nhận tin báo tố giác ban đầu cần có thái độ lịch thiệp, nhã nhặn, điềm tĩnh, có tinh thần trách nhiệm và tận tâm trong công việc. Có vậy mới làm cho người dân an tâm, tin tưởng khi báo tin. Nếu người dân không hiểu hoặc có vướng mắc thì cần ôn tồn giải thích, tránh cáu gắt. Đồng thời phải đảm bảo bí mật, an toàn cho người báo tin để họ an tâm không sợ bị trả thù.

 

Có được sự đồng lòng, chủ động, tích cực, phối hợp tốt của cả người bị hại, mọi người dân và của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thì thủ phạm cướp giật tài sản mới sớm bị truy tìm ra được để bị xử lý.

 

Phạm Ngọc Ánh
(Tòa án Quân sự quân chủng Hải quân, đường Nguyễn Thị Định, quận 2, TP.HCM)