Phiến đá lịch sử trên ngọn Thới Lới

Từ núi Thới Lới của huyện đảo Lý Sơn, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt vang lên, rung động muôn triệu trái tim người Việt Nam yêu nước. Bài thơ chảy trong huyết quản người Việt ngàn năm, hôm qua được đánh thức bởi tiếng vọng từ hòn đảo tiền tiêu ngoài Biển Đông.

Phiến đá lịch sử trên ngọn Thới Lới - 1

 

“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Dưới trời Nam này là một quốc gia độc lập, tự chủ, với 90 triệu người dân đoàn kết, hòa hợp, một lòng một dạ với non sông.

Trên mảnh đất của các đời hoàng đế nước Nam gây dựng, trước vùng biển của cha ông khai phá hàng trăm năm, thế hệ con cháu hôm nay cử hành một nghi thức trọng đại và thiêng liêng, đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Máu đổ đã bao nhiêu năm rồi, hồn nghĩa sĩ phiêu dạt giữa trùng dương xa thẳm bao mùa trăng rồi, nay có một địa chỉ để ghi nhớ, để tôn vinh, để thế hệ sau có nơi chốn ngưỡng vọng. Nghĩa sĩ Hoàng Sa đã không bị lãng quên, không ai bị lãng quên khi làm việc đại nghĩa cho đất nước. Chống quân xâm lược là việc đại nghĩa.

Hoàng Sa kết nối vào dải đất hình chữ S bằng xương, bằng máu của lớp lớp hùng binh khai phá biển khơi năm xưa. Lịch sử chỉ có một chân dung và đó chính là chân dung dân tộc. Dân tộc Việt Nam có những người con đã chiến đấu và hy sinh vì bờ cõi, biển đảo thì cho dù họ có mặc chiếc áo nào, họ cũng là những nghĩa sĩ vị quốc vong thân.

Những người mẹ, người vợ, người con của nghĩa sĩ Hoàng Sa bao nhiêu năm nước mắt chảy ngược vào trong. Hơn 40 năm trôi qua, những người mẹ, người vợ đó chờ đợi có ngày con họ, chồng họ được tưởng niệm vì đã hy sinh vì nước, để không hoài phí máu xương, để không nằm ngoài vòng tay của mẹ Việt Nam. Cho nên, viên đá tưởng niệm nghĩa sĩ được dựng lên ở Hoàng Sa là sự ủi an vô cùng lớn lao, vô cùng ấm áp không chỉ đối với người thân của những nghĩa sĩ Hoàng Sa, mà cho tất cả những ai yêu nước thương nòi.

Có những sự thật phải đong đếm bằng thời gian, bằng nước mắt, bằng nỗi đau. Có một sự thật lịch sử được tạc vào một phiến đá, hôm qua, trên ngọn Thới Lới.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)