Phạt chủ xe thế chấp giấy tờ gốc cần cân nhắc cả lý và tình

(Dân trí) - Trong khi Nghị định 163 cần có thời gian để các Bộ, Ngành sửa đổi, bổ sung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc Ngân hàng giữ giấy tờ gốc của xe thế chấp, người dân vẫn mong muốn Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt (C67) căn cứ vào thực tiễn của xã hội để cân nhắc xử phạt chủ xe thế chấp không mang theo giấy tờ gốc hay không.

Sau hơn một tháng, kể từ khi Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt (C67) của Bộ Công an có công văn hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, theo phản ánh, nhiều chủ phương tiện đã bị xử phạt , nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đang ngồi trên đống lửa.

Theo số liệu từ NHNN, hiện có tới 1,3 triệu ô tô đang lưu hành hiện nay là xe thế chấp, đồng nghĩa với việc những chiếc xe này không mang theo giấy tờ gốc khi tham gia lao thông và có nguy cơ bị CSGT xử phạt, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của người dân, trong khi những chiếc xe này vẫn có thể chứng minh được tính an ninh của chiếc xe, thông qua những giấy tờ bắt buộc phải mang theo khác, chẳng hạn như giấy đăng kiểm. Không chỉ có vậy, thị trường ô tô còn có nguy cơ đổ vỡ bởi sự rắn tay đội xuất của CSGT đối với người điều khiển phương tiện giao thông đang thế chấp ngân hàng, không mang theo giấy tờ gốc.


Theo số liệu từ NHNN, hiện có tới 1,3 triệu ô tô đang lưu hành hiện nay là xe thế chấp (Ảnh minh họa)

Theo số liệu từ NHNN, hiện có tới 1,3 triệu ô tô đang lưu hành hiện nay là xe thế chấp (Ảnh minh họa)

Công văn của C67 khiến thị trường cho vay mua ô tô tạm thời đóng băng với lo lắng của hàng triệu người đã mua xe thế chấp và đang có ý định mua xe thế chấp. Các Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã bắt đầu lên tiếng bằng các công văn gửi các cơ quan liên quan hướng tới điều chỉnh Nghị định 163.

Rất nhanh, chỉ một tuần sau phản hồi báo chí, ngày 12/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ký văn bản “nóng" số 5486/NHNN-PC gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn cho chủ xe thế chấp và các ngân hàng thường mại, do Nghị định 163 và các văn bản sửa đổi, bổ sung với tính chất là văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch bảo đảm, cũng đã hết hiệu lực.

NHNN cũng cho rằng, quy định liên quan đến việc chủ xe thế chấp giữ giấy tờ gốc cũng không phù hợp, gây gó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc nhận, quản lý và xử lý tài sản đảm bảo, trong khi đăng kiểm ô tô mà chủ phương tiện bắt buộc phải mang theo cũng có thể chứng minh nguồn gốc của xe.

Như vậy, NHNN đã có động thái rất rõ ràng để ổn định lại thị trường cho vay mua ô tô, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các NHTM. Tuy nhiên, trên thực tế đồng thời cũng phải thừa nhận NHTM có quyền giữ giấy tờ gốc của chủ phương tiện thế chấp xe ô tô theo Bộ luật dân sự 2015 và CSGT cũng có lý khi xử phạt chủ xe không mang theo giấy tờ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016.

NH và CSGT đều có thể dẫn luật để ngân hàng giữ giấy tờ gốc và CSGT thì cứ phạt, đó là sự chéo nghoe chưa phù hợp tại thời điểm hiện tại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến thực tiễn xã hội và cân nhắc giữa lý và tình thì cơ quan CSGT vẫn có thể căn cứ vào những giấy tờ như đăng kiểm xe và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để biết an ninh phương tiện tham gia giao thông để ứng xử với người điều khiển phương tiện.

Từ năm 2012 đến nay, các NHTM vẫn giữ giấy tờ gốc, CSGT có tạo điều kiện cho người thế chấp xe được tham gia giao thông và xã hội đang vận động rất ổn định.

NHTM tạo ra lợi nhuận, nộp thuế cho Nhà nước, nhiều cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương tiện tạo ra của cải cho xã hội và cũng là người đóng thuế để xã hội có thể phát triển.

Qua việc thế chấp tại các thoả thuận dân sự trước khi vay mua xe, chủ phương tiện thế chấp giấy tờ gốc tại các NHTM cũng đồng thuận việc để NH giữ giấy tờ gốc của xe, bằng cách này, tài sản thế chấp được đảm bảo và khoản vay được chấp nhận phê duyệt. Do đó, trong trường hợp này, thực tiễn cuộc sống là căn cứ quan trọng, bởi pháp luật tạo ra cũng chỉ có một mục tiêu là tạo ra sự cân bằng cho xã hội, tạo ra đồng thuận và hướng tới công lý và lợi ích của nhân dân.

Theo thông tin mới nhất, Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp Đỗ Đức Hiển đã cho hay, Bộ Tư pháp sẽ sớm có văn bản đề xuất xử lý khó khăn, vướng mắc về vấn đề này, để đem lại lợi ích cho người dân và xã hội.

Trong khi tạm an tâm chờ đợi các Bộ, Ngành đưa ra những văn bản chính thức để tháo gỡ vướng mắc cho các bên, chủ phương tiện xe thế chấp tại các NH cũng mong CSGT cân nhắc giữa lý và tình, nghĩ tới lợi ích của người dân để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp.

Nguyễn Thế Hùng