Phải chăng “hung thần” là ở ý thức kém?

(Dân trí) - “Nói thật là giờ đi đường xa tôi chỉ muốn chọn đi tàu hoặc máy bay chứ không dám tham gia giao thông bằng đường bộ nữa. Khẩu hiệu của mọi người bây giờ: Đã ra khỏi nhà và về đến nhà mới biết mình còn sống” Phương Nam -Từ Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ.

Những tên “bắn tỉa” Taxi

Tô Hiền - Nam - 27 tuổi - Từ Thanh Hóa hài hước: “Phương tiện giao thông ở chúng ta là những cỗ ĐẠI BÁC, còn đường giao thông của chúng ta là MẶT TRẬN. Nhưng nguy hiểm hơn cả là những tên BẮN TỈA tắc xi, nó là nỗi kinh hoàng cho những " người lính" khi tham gia giao thông”.

“ Xe taxi là kinh hoàng nhất. Nó đúng là cỗ máy bắn tỉa và bắn xong là để mặc nạn nhân. Đề nghị cần có những biện pháp thật nghiêm để trừng trị tội gây tai nạn rồi bỏ trốn vì đó là độc ác, mất nhân tính” Nguyễn Hoàng - Nam - 25 tuổi - Từ Bình Phước cùng ý kiến.
 
Phải chăng “hung thần” là ở ý thức kém? - 1

"Hung thần" xa lộ gây tai nạn (Ảnh: internet)
 
Mỗi người một nỗi sợ khi tham gia giao thông trên đường, nhưng hãi hùng nhất vẫn là xe ben, xe bus, xe khách…
 
Tôm - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội viết: “Tôi sợ nhất là xe Ben chở cát và xe khách, xe bus, nó đi như điên, lấn sang cả làn đường của xe 2 bánh rồi bóp còi inh ỏi, có người còn bị ngã ra đường vì tiếng còi” – “Tôi thấy xe tải chở quá tải, xe khách đường dài tranh thủ chạy khi vắng bóng CSGT, chạy bạt mạng coi thường tính mạng hành khách và người đi đường . Nếu xảy ra tai nạn làm người khác bị thương thì cố ý tông chết người luôn (có bảo hiểm chi trả)”. Biên IT - Nam - 26 tuổi - Từ Quảng Nam

Thuy Linh - Nữ - 21 tuổi - Từ Hà Nội than thở vì nhiều hung thần quá “Nhiều hung thần quá. Tôi thì sợ nhất tài xế xe khách và xe bus vì đã chứng kiến trực tiếp quá nhiều vụ rồi. Có lái xe bus còn nói là trước đây lái xe khách còn sợ công an, giờ lái xe này thì vô tư đi. Còn xế xe khách thì nói chỉ cần có tiền, sơ xẩy thế nào là do "số phận", có tiền thì số phận chăng nữa cũng giải quyết được hết. Thế đấy!”

Hung thần ở khắp mọi nơi: “Nói thẳng, bây giờ đi ra đường chỗ nào cũng là "hung thần" hết. Xe to hung thần kiểu xe to- đó là "chèn", "ép" xe bé. Xe bé cũng "hư" kiểu xe bé- đó là "lách luồn" rồi "tạt ngang, té ngửa". Người đi bộ thì- ở VN thì xe to PHẢI đền xe bé (bất luận đúng sai thế nào)- đương nhiên là "VUA" trên đường nên rất nhiều người nghênh ngang, không đi đúng vạch kẻ đường (ở những khu vực có vạch) hay không sử dụng cầu vượt- cũng là hung thần. Xe đạp thì đi ngược chiều khá nhiều- hung thần. Đường xá nhiều "ổ gà, ổ voi" cũng là hung thần nốt!” Trung Hiếu - Nam - 24 tuổi - Từ Hà Nội phân tích.

“Hung thần” ngồi sau vô lăng!

Tuan - Nam - 19 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng phương tiện giao thông không có lỗi: “ Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quy kết cái danh "hung thần" cho bất cứ một phương tiện giao thông nào hết vì chung quy nó cũng chỉ là những cỗ máy do con người tạo ra, đâu thể tự chủ được gì. Hung thần ở đây chính là những tài xế đang ngồi sau vô lăng. Khi nào giải quyết được vấn đề đường xá,chất lượng phương tiện,đặc biệt là ý thức,trình độ người tham gia giao thông thì khi ấy chúng ta sẽ không phải ngồi đây tìm hung thần nữa”.

“Mổ xẻ” vấn đề khá cụ thể, bạn Nguyễn Trường Giang - Nam - 33 tuổi - Từ Cần Thơ: “Tôi nghĩ hung thần của những vụ tai nạn giao thông chính là "Ý thức chấp hành Luật giao thông kém" và "Cách xử lý tai nạn giao thông". Ý thức chấp hành Luật giao thông: Khi muốn sang đường hoặc chuyển hướng thì không có tín hiệu báo trước và cũng chẳng biết quy tắc nhường đường khi đến giao lộ (ngã ba, ngã tư, vòng xuyến).....

Cách xử lý tai nạn giao thông: Khi xảy ra tai nạn giao thông thì thường là xe cơ giới phải có trách nhiệm với xe mô tô, xe mô tô phải có trách nhiệm với xe thô sơ và xe thô sơ phải có trách nhiệm với người đi bộ. Do đó họ nghĩ nếu lỡ xảy ra tai nạn thì đối phương phải bồi thường cho mình nên đối phương phải nhường mình, mình không cần nhường họ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn hoặc va quệt dù lỗi hoàn toàn là do người sang đường nhưng họ nghĩ mình là xe mô tô, gắn máy nên xe cơ giới phải bồi thường cho mình nên họ cứ mặc sức làm tiền. Và xe cơ giới, là phương tiện kiếm cơm của chủ xe nên họ chấp nhận bồi thường vì nếu không thì CSGT đến sẽ tạm giữ cả hai phương tiện, sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ”.

Nguyen Van Hong - Nam - 34 tuổi - Từ Hải Dương cho rằng tiền cũng là nguyên nhân: “Theo tôi, hung thần ở đây chính là "tiền". + Phóng nhanh, vượt ẩu để tranh khách----> vì tiền (xe khách). + Phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải cho kịp chuyến----> vì tiền (xe tải, conteiner). + Nèn khách chật như nêm cối----> vì tiền (xe bus, xe khách)....”

“Tôi thấy đường xá của chúng ta không đâu ra đâu cả, những con đường vừa mới làm xong một thời gian ngắn đã bị hư hỏng, lại còn các xe chở bùn đất chạy trên đường thì cứ thế xả xuống, làm bụi mù cả đường. Lại thêm các lái xe chạy rất ẩu coi thường đến tính mạng, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý để có được môi trường trong sạch và không còn những hung thần trên đường nữa. Thu Hien - Nữ - 18 tuổi - Từ Hòa Bình

“Mọi người quên mất một hung thần cực kì nguy hiểm mang tên: MÃI LỘ. Đây mới chính là nguồn gốc của vấn đề. Còn mãi lộ thì còn tai nạn” - Ngo Duc Tung - Nam - 28 tuổi - Từ Hà Nội.

Thay lời kết, Quang Đại- Nam - 29 tuổi - Từ Hà Nội, cho rằng cái gốc của vấn đề là ở ý thức của người lái xe: “Tôi thấy cái gốc của vấn đề là ở ý thức người lái xe và các trung tâm đào tạo lái xe. Tôi đi thi cùng với mấy người, họ gần như không biết lái. Vào số thì quên nhấn côn, xe chết máy. Khi đi thì loạng choạng. Nhìn chung là chưa hề biết điều khiển nhưng chẳng hiểu sao vẫn được cấp bằng lái nên "xe điên" là dễ hiểu. Tôi đề nghị kiểm tra lại tất cả các trung tâm đào tạo lái xe. Nơi nào không đạt yêu cầu, cấp bừa bãi thì rút giấy phép”.

Khả Vân (Tổng hợp)