Nước nghèo mà thích xài sang!

Trong lúc tình hình kinh tế suy thoái và lạm phát, đa số người dân phải chắt bóp chi tiêu trong từng bữa ăn thì vẫn còn không ít người thích xài sang, đi những loại xe “xịn”, mặc những bộ đồ hàng ngàn đô…

Thoạt nhìn hiện tượng đó, có người lạc quan nhận xét “Người Việt Nam tiêu xài mạnh tay nhất thế giới”, coi đó là dấu hiệu đáng mừng vì xã hội tiêu dùng phát triển và sức mua đã tăng lên…Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ một chút thì  không phải như vậy, thậm chí hiện tượng này phản ánh một thực tế hoàn toàn ngược lại.
 
Đừng hãnh diện với cái danh “xài sang nhất thế giới”!
 
Trong khi nước ta vẫn đang thuộc diện nghèo với đa phần là nông dân, có thu nhập thấp. Hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu là bán nguyên vật liệu và gia công những mặt hàng tiêu dùng; nguồn đầu tư trong nước còn ít mà chủ yếu là vốn vay nước ngoài và các khoản viện trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế thì cái danh “tiêu xài lạc quan nhất thế giới” thật không đáng để tự hào chút nào.

 

 Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Thực tế thì trong những năm gần đây, thu nhập của người dân có phần khá hơn, do đó sức mua và chi tiêu cũng tăng theo. Thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng mỗi năm 20% có nguyên nhân từ sự dồn nén của nhiều năm trước, khi đa phần người dân có đời sống hàng ngày quá thiếu thốn. Đồng thời con số này chỉ phản ánh được mức tiêu xài ở các thành phố lớn, còn những người ở vùng nông thôn vẫn còn đang vật lộn với cái ăn, cái mặc hàng ngày thì lấy tiền đâu ra để mua sắm?
 
Công bằng mà nói thì ở đâu đó trong xã hội vẫn có nhiều người vốn nghèo nhưng họ dám tiêu xài mạnh tay; đa phần họ là những người không có công ăn việc làm nhưng lại sẵn có đất đai của tổ tiên, ông bà để lại, giờ bán bớt đi vào lúc giá đất đai tăng vọt. Hay những người nông dân do quá trình đô thị hóa, đất đai của họ vốn rẻ như ... bèo thì nay tự nhiên tăng giá do đầu tư, quy hoạch mới. Họ cầm một khoản tiền đền bù, giải tỏa khá lớn trong tay mà không biết làm gì cho hợp lý nên đa phần họ tìm cách mua sắm, tiêu xài  đến khi hết thì thôi.
 
Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trong cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những người mẹ, người cha đang tảo tần, dãi nắng dầm mưa, làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Từng đồng tiền họ kiếm được là mồ hôi, là nước mắt, là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mà có, cho nên họ rất quý trọng và tiết kiệm đồng tiền.
 
Việc tiêu xài phung phí chỉ đúng đối với một bộ phận những người không trực tiếp làm ra đồng tiền, những “cậu ấm, cô chiêu”, hay những người vì một lý do nào đó mà giàu nhanh, số tiền lớn họ có trong tay không được tạo nên từ mồ hôi, nước mắt, không phải từ lao động chân chính, mà từ những phi vụ làm ăn bất chính, hay do tham ô, hối lộ, ... nên họ mới xem nhẹ đồng tiền.
 
Ai ăn bát phở 750.000 đồng?
 
Vậy tại sao tuy số lượng những người “chi bạo” không chiếm đa số nhưng lại phản ánh được một thực tế gây phản cảm, thậm chí bị xem là một lối ứng xử trong xã hội hiện nay?
 
Điều này sẽ không khó để lý giải khi mà những người nghèo (đa số), thì đang cố gắng chắt chiu từng đồng bạc lẻ, từng hạt muối, hạt thóc, củ khoai ... Trong khi đó những người chi bạo (thiểu số) thì lại đang ra sức mua nào là siêu xe, siêu điện thoại, siêu laptop ... hay chi cho những bữa ăn bạc triệu, thậm chí một số người chỉ với một bữa ăn sáng của họ tới 750.000 đồng một tô phở!
 
Điều này cho thấy dù đa số người nghèo có tiết kiệm tới đâu thì cũng không thể bù lại cho lượng tiền mà những người chi bạo đã tuồn ra thị trường tiêu thụ.
 
Có người cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu từ giáo dục. Do thiếu giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nên mới xảy ra cơ sự như ngày hôm nay. Điều này quả thật không sai.
 
Tuy nhiên có một nghịch lý phũ phàng đang diễn ra. Trong khi nhiều học sinh ở vùng miền núi các tỉnh miền trung đang phải bỏ học để lên rừng chặt đót về bán kiếm tiền phụ giúp gia đình, thì vẫn còn đâu đó những học sinh con nhà khá giả nơi thành thị lại vùi đầu vào các trò chơi trực tuyến, game online, hay các cuộc chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng, tiêu tiền như rác, như ném tiền qua cửa sổ... Vậy phải chăng học sinh ở thành phố không được giáo dục đầy đủ và tới nơi tới chốn như các em học sinh ở miền núi khó khăn?
 
Điều này cho thấy rằng nếu sống trong điều kiện khó khăn, thấy được sự vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền thì con cái sẽ biết cách quý trọng đồng tiền. Ngược lại, những gia đình có cha mẹ kiếm tiền quá dễ, nhất là những đồng tiền không chân chính thì rất dễ dẫn đến sự nhìn nhận lệch lạc giá trị của đồng tiền, chi bạo ắt sẽ xảy ra.
 
Tự làm xấu mình trong con mắt bạn bè thế giới
 
Trong xã hội hiện nay đang tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân quá xem trọng hình thức và giá trị vật chất. Điều này rất dễ dẫn đến sự đua đòi, bắt chước, muốn thể hiện ta đây là kẻ “chịu chơi”, là thức thời. Nếu những người này sống trong điều kiện kinh tế gia đình khá giả, rất dễ trở thành những kẻ “chịu chơi!”
 
Tóm lại, chỉ có những người đang sở hữu những đồng tiền không phải do mình làm ra hay làm ra một cách không minh bạch mới dám xem nhẹ đồng tiền. Đa số những người còn lại, khi vẫn đang chật vật xoay xở với công cuộc mưu sinh hằng ngày,  đang phải đối diện với những thiếu thốn thường nhật thì không thể và cũng không có để mà chi bạo.
 
Hàng ngày vẫn còn rất nhiều những người mẹ, người cha đang tảo tần, dãi nắng dầm mưa, làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Từng đồng tiền họ kiếm được là mồ hôi, là nước mắt, là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mà có nên họ rất quý trọng và tiết kiệm đồng tiền.
 
Chi bạo sẽ không có gì đáng nói nếu là chi những đồng tiền do lao động chân chính của chính mình làm ra hay chi vào những việc có ích cho xã hội như làm từ thiện, giúp đỡ cho người nghèo ...
 
Chỉ vì một số người chi bạo mà tạo nên một hiện tượng xấu trong xã hội hay hình thành một lối ứng xử kệch cỡm, lố lăng của những kẻ cậy có của, cho rằng “ta đây sành điệu” thì rất đáng lên án, cần được uốn nắn kịp thời. Nếu không sẽ tạo nên một đặc trưng ứng xử lệch lạc trong xã hội và quan trọng hơn, chúng ta sẽ tự làm xấu mình trong con mắt của bạn bè thế giới.
 
Mọi người sẽ nghĩ gì khi Việt Nam chưa  thoát nghèo (mới ở mức thu nhập trung bình thấp), vẫn còn đang phải  nhận viện trợ của thế giới mà lại mang tiếng chi bạo vào hạng “chịu chơi” trên thế giới?
 

                                                                  Trần Minh Quân

                                                                 Theo Sài Gòn Tiếp thị
 
LTS Dân trí-Hiện tượng tiêu xài lãng phí, thích phô trương hình thức, tỏ ra “sành điệu” trong cách ăn chơi đang khá phổ biến ở các thành thị. Lối chơi “sành điệu” này bắt đầu lan tràn cả về một số vùng nông thôn, thể hiện ở những đám cưới, đám ma đình đám kéo dài hết sức phô trương, lãng phí.
 

Phải chăng trong thời “đổi mới” và “hội nhập”, chúng ta đã có phần coi nhẹ Nếp sống mới thể hiện lối suy nghĩ và cách ứng xử văn minh đã có thời được coi trọng. Cho nên, cần suy nghĩ lại, chỉ nên đổi mới những cái xấu, những  hủ tục. Còn nếu “đổi mới” những cái vốn tốt đẹp để chuốc lấy cách suy suy nghĩ và ứng xử của những kẻ “trưởng giả học làm sang” hoặc phục hồi  những hủ tục thì thật không nên!