Những quy định “hành dân”- Dân thiệt đơn thiệt kép

(Dân trí) - Phản ứng nhiều mà kết quả thu được vẫn gần như con số 0, song vì đều là những vấn đề sát sườn nên dư luận nhân dân chẳng thể đặng đừng. Nhưng hy vọng vừa le lói khi quy định “hành dân” được giải trình hôm 24/12 đã lại có nguy cơ… tắt ngấm.

(biếm họa của Khều)

(biếm họa của Khều)

 

Lãnh đủ vì… sai đâu sửa đó

 

Bức xúc đã quá nhiều. Phản ứng, phê phán, thậm chí chỉ trích gay gắt mãi mà những phản hồi cần thiết khả dĩ có thể giúp người dân bình tâm lại... vẫn như bóng chim, tăm cá.

 

Buồn nản, thất vọng, mất lòng tin…bao nhiêu thì dân vẫn phải có ý kiến bởi đó là những điều sát sạt với miếng cơm, manh áo của mỗi nhà nói riêng và toàn xã hội nói chung. Đâu phải vì trình độ dân trí chung của ta còn… chưa cao nên cái gì mới đưa ra đều bị phản ứng, mà vấn đề nằm ở cái sự “hành là chính” luôn bộc lộ rất rõ ngay từ khi những quy định trái khoáy đó mới hé lộ trước công luận. Và dù bị dư luận phản ứng mạnh đến thế nào, các quy định đó vẫn cứ được bên đưa ra đòi áp dụng cho bằng được để rồi… rút kinh nghiệm và thấy sai đâu thì sửa đó (???), chẳng cần biết dân phải lãnh đủ vì nó thế nào.

 

“Những quy định hợp lòng dân thì không bao giờ bị phản ứng. Ví dụ như quy định phải đội mũ bảo hiểm hay quy định cấm đốt pháo. Nhưng ở ta vẫn có lối nghĩ: cứ ban hành chính sách đã rồi ''sai đâu sửa đó'', để rồi đã buồn càng thêm thất vọng vì dạo này có nhiều người ''nhận khuyết điểm'' (xong rồi để đó) quá!” - Thế Dũng:  dangthedung146@gmail.com

 

“Các vị cứ ban hành không cần biết đúng sai, sau lại xin lỗi (và rồi vẫn chẳng sửa chữa gì). Làm như vậy có xứng đáng với cương vị mình được giao phó hay không? Ví dụ như rõ ràng là có sự độc quyền về vàng khi tạo cho riêng SJC vị thế được hưởng lợi, vậy lợi nhuận này chui vào túi ai? Quyết định chỉ của riêng một người mà bắt tất cả các DN KD vàng bạc phải theo, dù hậu quả ra sao thì ta đã biết rồi đó?

 

Rồi nữa, thử hỏi  phương tiện vận chuyển nhiều hơn hay là máy nông nghiệp nhiều hơn mà bắt dân thu thêm phí đường bộ? Trong khi dùng xăng đã chịu thuế NK thuế TTĐB, chi phí bình ổn, phí hoa hồng đại lý... Mà các phí này còn chưa được kiểm chứng, thì mọi quy định thu phí khác không phải chỉ là làm khổ dân thêm thôi sao?...”  - Nguyễn Thị Thu Hồng:  hongnguyenthu@yahoo.com

 

“Một số văn bản của bộ, ngành, thậm chí của Chính phủ gần đây được ban hành chưa sát thực tế, chưa đi vào cuộc sống, hoàn toàn không hợp lòng dân. Chỉ thấy mang tính áp đặt, chủ quan, nhất là từ một số chuyên gia, bộ phận soạn thảo văn bản. Vậy phải chăng ban hành văn bản như vậy là cố gắng thâu tóm quyền lực cho bộ,  ngành có quyền lớn? Chính vì những lẽ đó mà dư luận mới không đồng tình, do thấy rõ không vì dân mà chỉ hành dân, nhiễu dân... Đề nghị các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành cần phải bảo đảm đúng trình tự quy phạm pháp luật trong ban hành văn bản. Có thể tổ chức thăm dò, lấy ý kiến quần chúng nhân dân, trao đổi, hội thảo và phải qua cơ quan thẩm định trước. Không thể cứ làm theo kiểu ngẫu hứng như thế được!” - Duy Nguyên:  nguyendaonguyenncdn@gmail.com

 

“Việc thu phí giao thông, đại đa số người dân đề nghị nên tính vào giá xăng dầu. Không cần băn khoăn nhiều vì máy nông nghiệp và máy móc sử dụng xăng-dầu khác chỉ chiếm tỷ lệ  rất nhỏ so với số phuơng tiện giao thông, mà có thể có chính sách hỗ trợ cho loại này được. Việc thu phí thông qua giá xăng dầu sẽ mang tính công bằng cao nhất. Việc thực hiện lại rất đơn giản, giúp giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu đối với người dân. Nếu thu qua phương tiện giao thông sẽ làm cho các thủ tục hành chính thu nộp các cấp quá nhiêu khê phiền hà. Người dân vẫn khẩn thiết đề nghị CP xem xét dừng cách thu loại phí vô lý này !” - TrChieu:  trchieu@yahoo.com.vn

 

“Về quy định ghi tên cha mẹ trong CMT là không cần thiết, trong khi nhóm máu rất cần thiết lại không ghi? Việc ghi nhóm máu trong CMT sẽ giúp cho việc cấp cứu khẩn cấp người có tên trong CMT nếu gặp tai nạn phải truyền máu khẩn cấp . Đó là việc nên làm và thiết thực” - Vũ Minh:  vuminh@yahoo.com
 
(biếm họa của Nhím)
(biếm họa của Nhím)

 

Thước đo và sự lệch chuẩn

 

Hay tin những vụ việc “hành dân” được đích thân các Bộ trưởng “mổ xẻ”, dư luận đã hơi… mừng vì vẫn le lói hy vọng. Nhưng rồi lại thất vọng vì Bộ trưởng này thì “nhận khuyết điểm về việc máy móc khi cho rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay…”,  Bộ trưởng kia lý giải cũng còn rất chung chung. Trong khi có một loại thước đo được cho là chuẩn xác nhất, đó chính là sự đồng thuận của dân thì rõ ràng vẫn hiếm khi thấy xuất hiện chứ chưa nói gì tới được cân đo đong đếm trong các quy định bị cho là “hành dân” ấy. Bác Hồ đã dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong...

 

“Máy móc hay thẩm định phiến diện cho xong? Xin ông Bộ trưởng nói thật lòng! Dân tôi nghĩ thời buổi này công chức bận quá … mà chểnh mảng công việc nên mới thông qua dễ như thế, để rồi ngành chức năng lại "máy móc" và lạnh lùng áp vào để "hành" dân?... Mà dân khổ nhiều quá thì niềm tin cạn kiệt. Mong các cơ quan của Chính phủ suy nghĩ kỹ thêm trước khi ký quyết định!” - Bảy Thơ:  bt3787@gmail.com

 

“Xin đừng tìm cách biện minh, mà hãy nhìn nhận vấn đề trên thực tế! Sự đồng thuận của xã hội, của nhân dân là thước đo chính xác nhất chứ không phải ở một vài người ngồi trong phòng kín, đánh máy, ký duyệt rồi cứ thế ban hành. Nhưng mà nói chung là còn nhiều vấn đề lắm, chứ không chỉ mấy quy định hành dân ấy đâu!” - Hưng:  khanhhung.huong@gmail.com

 

Nhưng đem so sánh thước đo Lòng Dân với thước đo của không ít Cán bộ bây giờ xem ra cũng… khập khiễng lắm. Lý do chính nằm ở đâu?

 

“Mình thấy nếu tình hình ‘chạy công chức’ của nước ta mà  chấm dứt được hẳn, thì chắc tầm 20 năm nữa việc đưa ra các luật định hợp lòng dân và có lợi cho đất nước mới có được. Bởi lẽ dù người có lòng cũng cần tầm ấy năm mới có thể có được cái quyền giúp dân, mà đời người có mấy cái 20 năm để mà chờ, mà giữ vững ý chí? Khi mà sai vẫn hoàn sai, khi mà cái đúng nhưng có khi vì không hợp lòng sếp nên bị cho về vườn và nó được chuyển thành cái sai để làm nguyên nhân cho nghỉ việc? ...” - Viết Sơn:  nvson87@yahoo.com.vn

 

“Không thể tin được các trí thức có học mà hành sự xây dựng quy trình văn bản pháp luật lại… dở quá như thế: - Thu lệ phí bảo trì đường bộ thì cần lực lượng biên chế là bao nhiêu để có thể thực thi, lại còn chi trả bảo hiểm, trợ cấp, đãi ngộ ..??? Lắm phiền phức, tốn kém. Lại còn phát sinh tiêu cực thu hay không thu, các chứng thực thu (giả). - Ghi tên bố, mẹ trên giấy CMTND nữa có cần lắm không, có được đại đa số  công dân đồng tình không?” - Thanh.p4759:  Thanh.p4759@yahoo.co.vn

 

“Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định tính phù hợp và soi xét các nghị đinh, thông tư, quyết định... của từ các cơ quan hành pháp đến cấp cơ sở, xem có hợp pháp, hợp Hiến không. Ai cũng bảo vệ lẽ phải của mình thì Chính phủ cần gì Bộ Tư pháp? Cơ quan khác ra văn bản không trình tự để Bộ Tư pháp thẩm định thì là sai, phải thu hồi các văn bản đó. Lý luận như vậy là kẽ hở để phát hành văn bản tùy hứng. Bộ Tư pháp cần xem xét lại ngay những văn bản không hợp lòng dân!” - Nghiatd73:  nghiatd73@gmail.com

 

Biến tướng xin - cho

 

Bài viết tâm huyết của bạn đọc dưới đây cũng phần nào tổng kết được bao khúc mắc còn khiến lòng dân chưa thể thuận theo cách nghĩ của nhiều cán bộ công quyền là vẫn theo kiểu xin – cho (hoặc biến tướng):

 

“Việc các cơ quan Chính phủ giải trình về ban hành các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế (không được nhân dân ủng hộ) là việc làm cần thiết. Không phải bây giờ mà cần phải thực hiện thường xuyên, vì đây không chỉ là thước đo trình độ năng lực cán bộ mà còn là thước đo cái tâm của cán bộ chính quyền đối với công việc được giao và đối với dân. Ta vẫn nói "Chính quyền do dân và vì dân". Các thế hệ cha ông chúng ta đổ xương máu trong chiến tranh chống thực dân, phong kiến dành độc lập cho Tổ quốc, dành chính quyền về tay nhân dân cũng chỉ với một mục đích là VÌ DÂN. Hàng triệu người đã ngã xuống mà không một lời phàn nàn cũng với một suy nghĩ này.

 

Nhưng một điều dễ nhận thấy là: khi đến với chính quyền, người dân có cảm giác "Dân cần chính quyền chứ không phải chính quyền vì dân hay cần dân", bởi một số quy định của chính quyền đặt ra mà người dân phải tuân theo một cách cứng nhắc. Tôi lấy ví dụ: khi cần có chứng minh thư, nhân dân đến cơ quan công an  phải làm đơn xin (do cơ quan công an in sẵn).  Muốn xác nhận gì đó cũng đơn xin, tóm lại là cứ phải đơn xin. Điều đó tạo nên một tiền lệ trong tư tưởng cán bộ chính quyền là "Dân cần tôi (chính quyền) chứ không phải tôi (đại diện cho chính quyền) vì dân", thế là nảy sinh vấn đề  xin – cho. Mà " xin" là dân,  "cho" là chính quyền. Như thế việc xem thường nhân dân, gây phiền hà cho dân hay thích thì "cho", không thích "hãy đợi đấy" không phải là điều hiếm nữa.

 

Khi đã xác định "Chính quyền do dân, vì dân" thì dân không phải "Xin" mà chỉ có "Yêu cầu". Trách nhiệm của chính quyền là xác định đúng nội dung, phù hợp với quy định thì phải làm cho dân. Chỉ với những quy định như vậy thôi đã trái với " tư tưởng vì dân" rồi , và vì vậy một bộ phận cán bộ thấy mình “quan trọng”, “có quyền”… đứng trên trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền đối với dân mà tự cho mình quyền áp đặt? Cách nghĩ và làm việc như vậy chỉ làm mất lòng tin của dân vào chính quyền mà thôi.  Phải thay đổi từ những việc nhỏ nhất này mới mong thay đổi được những việc lớn hơn. Trước hết, tại sao không bỏ cái "ĐƠN XIN.." mà thay vào đó là " PHIẾU YÊU CẦU " của dân đối với chính quyền nhỉ?” – Hoàng Quốc Minh:  hoangquocminh.55@gmail.com
 
Làm dân thời nay quả là khó lắm, phải đâu...chuyện thường! Đã bị hành thì... chờ được vạ, má đã sưng. Hay nói cách khác, ở VN mình có một loại... "hành" mà rao bán dù có rẻ như cho không cũng chẳng ai muốn mua. Khuyến mại cũng chẳng ai muốn nhận đâu, thưa các quý vị! Nhưng hình như nhiều vị ở vị trí được cầm cân nảy mực hiện nay vẫn nghĩ rằng: Đã chuẩn là không cần chỉnh, nếu chỉnh là... lệch chuẩn (???)

 

Khánh Tùng