Những người thường vô can trong nhiều vụ án nay đã bị truy cứu trách nhiệm

Từ việc có 4/ 9 đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người ở đoàn Tư vấn giám sát Dự án nước sạch Sông Đà cho thấy sự sòng phẳng với những người có tội. Tuy nhiên,…


Đường ống nước Sông Đà 18 lần bị vỡ

Đường ống nước Sông Đà 18 lần bị vỡ

Theo Dân trí, ngày 5.3 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử các bị cáo trong vụ đường ống nước Sông Đà liên tục bị vỡ. Trong 9 bị can bị truy tố, có tới 4 bị can thuộc đoàn Tư vấn giám sát, từ giám sát viên cho đến phó, trưởng đoàn. Có thể nói, đây là một trong những vụ hiếm hoi mà những cán bộ liên đới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để đường ống nước sạch Sông Đà vỡ tới 18 lần, trách nhiệm của đoàn Tư vấn giám sát là không thể chối cãi. Số đối tượng của đoàn Tư vấn bị khởi tố sấp xỉ số bị can trực tiếp chỉ đạo và thi công công trình này đã nói lên điều đó. Thậm chí, cả phó lẫn trưởng đoàn Tư vấn cùng bị khởi tố - dù có thể họ chỉ được các giám sát viên báo cáo và kiêm nhiệm - cho thấy cơ quan điều tra đã không bỏ sót tội phạm. Khởi tố họ là sự răn đe, cảnh báo với các vị trong các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nói chung không được thiếu trách nhiệm, thiếu sát sao với công việc.

Tuy nhiên, từ vụ việc này nhìn lại một số vụ việc khác cho thấy, khá nhiều vị có trách nhiệm tương tự đã thoát bị lỷ luật và thoát tội một cách ngoạn mục.

Trong các vụ án hình sự nổi cộm gần đây, việc truy cứu trách nhiệm những người để xảy ra sai phạm tại các vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại PVN, PVC hay ở ngân hàng Ocenbanhk đã cho thấy, dù những đối tượng này có đủ các màn “ảo thuật” che giấu những tội lỗi của mình vẫn không qua mắt được các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng, vấn đề là, vì sao trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng, các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán đã không phát hiện được những sai phạm này? Những “quan” thanh kiểm tra, kiểm toán này có đáng bị truy cứu trách nhiệm hay không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta giả thiết, nếu những sai phạm của các đơn vị này sớm được phát hiện, chắc chắn không để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như ngày hôm nay. Do đó, dù bất cứ lý do gì đi nữa, việc họ để lọt những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng này là không thể chấp nhận được. Nhưng đến nay, dư luận vẫn chưa biết, có ai trong số những “quan” này có bị kỷ luật không, chứ chắc chắn chưa ai trong số họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những bản án chung thân cho một số bị cáo ở vụ án xảy ra tại PVN, PVC và một Ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong 2 vụ án liền càng cho thấy, hậu quả vụ án này là cực kỳ nghiêm trọng. Vì vậy, những cán bộ có nhiệm vụ thanh kiểm tra ở các đơn vị này, nói một cách nhẹ nhàng nhất, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Vậy lẽ nào họ vẫn vô can?

Cũng trên diễn đàn này, trong bài “BOT ngày càng hỗn loạn – ai phải chịu trách nhiệm?” (ra ngày 14.1.2018), tôi đã dẫn lại lời nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Trọng Nghĩa, Thứ trưởng Bộ KH – ĐT Đặng Huy Đông nói thẳng những dấu hiệu tiêu cực của một số dự án BOT. Nhưng vì sao, chưa một ai trong những đối tượng là nguyên nhân chính gây “tê liệt” những tuyến giao thông có những trạm BOT phải chịu kỷ luật? Chúng tôi phải nhắc đến vấn đề này bởi, chủ trương thực hiện dự án BOT là xu hướng tất yếu, là rất cần thiết đã bị những nhóm lợi ích biến thành “ung thư” có dấu hiệu “di căn” khá rõ. Bởi, hệ quả của nó chúng ta vẫn chưa thể lường hết do hiệu ứng domino từ các trạm BOT, nó không chỉ gây cho hệ thống giao thông ngưng trệ, mà quan trọng hơn, nó gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân vào chính quyền. Do đó, dư luận mong các cơ quan chức năng cần phải truy cứu trách nhiệm những vị đã gây nên những sai lầm nghiêm trọng nêu trên. Vương Hà