Những lỗ hổng “chết người” của hệ thống ngân hàng

Những vụ khách Vip dễ dàng bị nhân viên ngân hàng khoắng hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ sổ tiết kiệm, thử hỏi hệ thống kiểm tra chéo của ngân hàng đã chặt chẽ hay chưa?


Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank Chi nhánh TP HCM) trong phiên tòa xét xử

Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank Chi nhánh TP HCM) trong phiên tòa xét xử

Ngày 24.2.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và sau đó truy nã quốc tế đối với ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, ông Hưng đã cuỗm 245 tỉ đồng bằng cách giả mạo giấy tờ của bà Chu Thị Bình gửi tiền ở ngân hàng này.

Trong vụ án này có một số tình tiết đáng chú ý. Thứ nhất, trong một thời gian dài, từ năm 2014 – 2016, ông Hưng lợi dụng việc được ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, giả mạo một số giấy tờ và tạo các giấy tờ có chữ ký khống của bà Chu Thị Bình để rút tiền ở nhiều thời điểm khác nhau, ở nhiều sổ tiết kiệm. Thứ hai, sự việc chỉ bị phát hiện khi ông Hưng xin nghỉ việc và bỏ trốn ra nước ngoài. Thứ ba, bà Bình là khách Vip, được ngân hàng ưu ái cử nhân viên đến tận nhà làm thủ tục.

Chúng tôi muốn nhắc đến một số tình tiết này nhằm nhấn mạnh tới những lỗ hổng “giết” khách hàng và “giết” luôn cả ngân hàng. Dư luận không thể nào hiểu được, một vị phó giám đốc chi nhánh có thể dễ dàng rút hàng trăm tỉ đồng trong nhiều năm như vậy của một khách Vip. Nếu đã là Vip, lẽ ra cũng phải có hệ thống kiểm tra chéo một cách đặc biệt hơn. Nhưng hình như không như vậy, đối tượng Hưng có thể ung dung rút tiền trong nhiều năm mà không một ai biết. Thật đáng lo ngại.

Chúng tôi nói đáng lo ngại bởi, khá nhiều khách hàng Vip đã bị mất tiền như vậy ở những ngân hàng khác nhau. Chúng tôi chỉ xin nêu tiếp hai trường hợp điển hình, hai đối tượng nữ, dù chỉ là phó phòng nhưng cũng có thể cuỗm được của khách hàng hàng chục tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng.

Đó là Trần Thị Thu Trang (41 tuổi, nguyên phó phòng Kế toán giao dịch và Ngân quỹ Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Gia Định) về tội Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản vừa bị TAND TP HCM đưa ra xét xử cuối tháng 9 vừa qua và đang được HĐXX yêu cầu điều tra lại.

Theo cáo trạng, Trang vay tiền của nhiều người quen với lãi suất cao, đến đầu năm 2013 thì mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, từ tháng 2 đến tháng 9/2013, Trang chỉ đạo cấp dưới lập 53 chứng từ khống, tất toán 38 sổ tiết kiệm của 12 khách hàng, chiếm đoạt hơn 82 tỷ đồng của Ngân hàng Bản Việt. Tất nhiên, để thực hiện được hành vi lừa đảo này, Trang đã chỉ đạo nhân viên của mình hợp thức hóa hồ sơ, cộng với sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo ở đây.

Thứ hai là đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank Chi nhánh TP HCM) còn cao thủ hơn nhiều lần. Huyền Như đã chiếm đoạt được hơn 4.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng. Đặc biệt, trong đó, nhiều khách hàng là các ngân hàng. Làm sao một số ngân hàng lại có thể bị một nữ quyền trưởng phòng lừa đảo dễ dàng như vậy, báo chí đã nói nhiều, đó là do ham khoản lãi ngoài lãi xuất chính thức. Điều đó cho thấy, ngay cả khách Vip hay khách trong ngành đi nữa, nếu muốn, các đối tượng cũng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Thật là cực kỳ lo ngại.

Nói cực kỳ lo ngại bởi lẽ, cả hai nữ “tướng” này chỉ vì nợ nặng lãi không có tiền chi trả, để có tiền, họ dễ dàng lừa đảo khách hàng và qua mặt cả hệ thống kiểm tra chéo tưởng chừng rất chặt chẽ ở mỗi ngân hàng. Những vụ khách Vip dễ dàng bị nhân viên ngân hàng khoắng hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ sổ tiết kiệm, thử hỏi hệ thống kiểm tra chéo của ngân hàng đã chặt chẽ hay chưa?

Vương Hà