Vụ việc nâng điểm thi ở Hà Giang

Những ai đứng sau ông Lương?

(Dân trí) - Dư luận không khỏi băn khoăn, một mình ông Lương (người nâng từ 1- 8, 75 điểm cho 330 bài thi) có dám làm liều như vậy không?


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý (người đứng phát biểu) nghĩ rằng không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả. (ảnh: Kiên Trung)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý (người đứng phát biểu) nghĩ rằng không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả. (ảnh: Kiên Trung)

Như các báo thông tin, có tới 114 thí sinh thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang với 330 bài thi được nâng điểm và nâng ít nhất từ 1- 8,75 điểm. Thậm chí, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Hoan nghênh Bộ GD ĐT và Bộ Công an đã nhan chóng vào cuộc và sớm có kết quả.

Vụ việc này có rất nhiều điều cần phân tích mổ xẻ.

Thứ nhất, cơ quan chức năng công bố, việc nâng điểm này do một mình ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GDĐT Hà Giang.

Cơ quan chức năng cho biết: Sau khi Bộ GDĐT công bố đáp án chính thức các môn của kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Lương đã tải toàn bộ đáp án về và biến nó sang file excel, rồi lưu vào máy.

Trong quá trình quét bài thi trắc nghiệm, ông Lương đã tiến hành thao tác quét file ảnh. Sau khi quét file ảnh bài thi, ông Lương đã lấy đáp án ở file excel đã xử lý trước đây để copy sang. Quy trình thực hiện này chỉ mất 6 giây với một bài thi của thí sinh.

Cách can thiệp vào việc nâng điểm quá nhanh, quá dễ và qua mặt tất cả những cán bộ của đoàn thanh tra đang giám sát khiến dư luận thật sự giật mình. Hóa ra, việc sửa điểm thi trắc nghiệm dễ thế sao?

Nếu như ông Lương chỉ sửa cho một vài thí sinh, chắc chắn cũng không ai để ý và mọi việc sẽ trôi đi “êm đẹp”.

Hoặc nếu như ông Lương “cao tay” hơn, không sửa tất cả các bài gần thành điểm tuyệt đối, mà chỉ sửa thành điểm cao một chút thôi, chắc cũng khó mà phát hiện.

Và vì sửa dễ như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có không việc sửa điểm kiểu như thế này ở những hội đồng thi khác? Bởi như chúng tôi đã đề cập, người có thẩm quyền như ông Lương, chỉ cần “cao tay”, sửa cho vài người và sửa điểm in ít thì khó mà phát hiện.

Thứ hai, ông Lương làm việc này theo lệnh của ai và những ai đứng sau ông Lương? Cơ quan chức năng thông tin, có rất nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương những số báo danh của thí sinh.

Đến đây cần đặt ra những câu hỏi tiếp: Những ai nhắn đến số điện thoại của ông Lương? Liệu có phải tất cả các vị phụ huynh của 114 thí sinh nhắn đến số điện thoại của ông Lương hay còn đến bằng những con đường khác? Ông Lương sửa điểm vì động cơ gì và vì sao dám sửa cho nhiều thí sinh đến vậy?

Thứ ba, trước khi các cơ quan chức năng truy tìm ra thủ phạm sửa điểm, công luận và cộng động mạng lên tiếng, chắc chắn phải có cả hệ thống cùng nhau hợp tác trong việc nâng điểm này. Lý do, dư luận cho rằng, quy trình coi thi, chấm thi là rất chặt chẽ, khó có thể can thiệp “đồng bộ” và nhiều như vậy.

Chắc chắn rồi đây, khi thẩm vấn ông Lương, cơ quan chức năng sẽ làm rõ, một mình ông Lương có thể làm được việc tày đình này không. Nhưng, nếu cơ quan chức năng công bố, những ai đã nhắn các số báo danh đến ông Lương, một phần sự thật sẽ được sáng tỏ.

Riêng tôi cho rằng, một mình ông Lương khó thực hiện và không dám sửa điểm một cách liều lĩnh như vậy.

Chẳng hạn, như cơ quan chức năng cho biết, căn cứ vào những tin nhắn, ông Lương nhập số báo danh vào trong máy tính, đồng thời mang máy tính đến phòng quét để xử lý quét bài thi trắc nghiệm. Vậy cả đoàn giám sát làm gì mà để ông Lương mang máy tính đến phòng quét để xử lý quét bài thi trắc nghiệm dễ dàng vậy?

Liệu có hay không những đối tượng bật đèn xanh cho ông Lương?

Tới đây cơ quan An ninh điều tra sẽ làm rõ nội dung này.

Nhớ lại cách đây hơn chục năm, nhằm giảm tải thi cử, Bộ GD ĐT đưa ra giải pháp, những học sinh tốt nghiệp loại giỏi không phải thi đại học. Đây là chủ trương đúng không cần bàn cãi. Vậy mà, chỉ sau 3 năm thực hiện, giải pháp này đã phải hủy bỏ. Lý do lãng xẹt: Học sinh giỏi tăng đột biến?!

Do đó, một mình Bộ GD ĐT muốn đưa những giải pháp tốt, có tính khả thi cũng không đơn giản, nếu như không có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống xã hội.

Vương Hà