Nhiều doanh nghiệp đối xử tùy tiện với công nhân

(Dân trí) - “Hôm nay tôi đọc được bài viết "Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động" trên báo Dân trí online, tôi thấy đây là bài báo hay và rất mang tính thời sự” – bạn đọc Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

"Tôi và những người lao động trong công ty tôi như người sắp chết đuối vớ được cọc. Xin gửi quý tòa soạn về trường hợp của công ty tôi và mong nhận được sự giúp đỡ của công luận cũng như các cơ quan chức năng.
 

Công ty chúng tôi là một công ty liên doanh với nước ngoài, lợi nhuận năm 2010 là 12 tỷ, năm 2011 là 9 tỷ. Kế hoạch năm 2012 lợi nhuận đạt 8 tỷ, nghĩa là công ty vẫn làm ăn có lãi khá lớn.

 

Vậy nhưng từ năm 2010 Ban Giám đốc công ty đã tự ý cắt giảm lương của CBCNV mà không cần sự đồng ý của người lao động. Lý do cắt giảm lương là nhằm đạt được lợi nhuận đề ra mà không thèm quan tâm tới người lao động.

 

Cụ thể: Năm 2010, các tháng 2, 4, 5, 6, 7 và năm 2011 là tháng 3, tháng 10 đều bị công ty tự ý cắt 15% lương theo hợp đồng của tất cả CBCNV. Năm 2012 mới trả lương 2 tháng thì tháng 2 cũng chỉ trả 85% lương theo hợp đồng lao động đã ký.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngoài ra, hầu hết lao động làm việc lâu năm, nhưng chỉ một vài trường hợp được tăng lương hàng năm, còn đại đa số đều không được tăng lương trong vòng 4 - 7 năm.

 

Chúng tôi thấy như vậy là vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật lao động, theo đó quy định: người sử dụng lao động phải trả đúng và đủ lương cho người lao động chứ không được cắt giảm như vậy. Trong khi chúng tôi không được tăng lương, mức lương trung bình thì quá thấp, chỉ khoảng 4 triệu/tháng,mang tiếng là công ty liên doanh mà lương còn thua một công ty tư nhân.

 

Chúng tôi định làm đơn tập thể gửi lên Liên đoàn Lao động thành phố, gửi Công đoàn khối Bộ Công Thương để cầu cứu, nhưng chưa biết nên làm cụ thể thế nào. Vậy rất mong nhận được sự giúp đỡ từ quý tòa soạn.

 

Bạn đọc Nguyễn Thể Thức:

 

“Hiện tại em đang làm cho một công ty TNHH về nội thất. Em đã làm chính thức với công ty là 8 tháng nhưng chưa thấy công ty ký hợp đồng lao động, mà hàng tháng em vẫn đóng bảo hiểm cho công ty là 9,5% lương. Đến khi em hỏi về thẻ bảo hiểm thì công ty nói là làm bảo hiểm khó lắm nên chưa có thẻ. Bây giờ em cũng không biết làm sao nữa, và hợp đồng lao động cũng không thấy ký nữa. Em có hỏi ý kiến giám đốc công ty nhưng cũng không thấy trả lời. Bây giờ em muốn nghỉ làm việc cho công ty nhưng không biết phải làm những thủ tục gì . Em thấy tình hình làm việc như thế  là không  ổn để  tiếp tục công việc của mình”.
 
Nhiều doanh nghiệp đối xử tùy tiện với công nhân
Công nhân đình công tại Công ty May Minh Anh-Kim Liên (ảnh từ Internet)

 

Bạn đọc Bùi Thị Chi:

 

Người lao động vẫn thiệt thòi nhất. Thời buổi kinh tế càng khó khăn, kiếm được việc làm cũng không dễ nên nhiều khi biết mình bị thiệt thòi về quyền lợi mà cũng đành cam chịu vì biết làm sao bây giờ. Các công ty thì nợ tiền bảo hiểm không chịu đóng, những người lao động vào sau đâu thể đăng ký được bảo hiểm, và như thế doanh nghiệp cũng trốn ký hợp đồng lao động với những lao động đó luôn. Rất mong các cơ quan nhà nước hãy quan tâm tới khía cạnh đó giúp người lao động bớt thiệt thòi”

 

Bạn đọc Quang Anh:

 

“Sau nhiều tháng làm không được trả lương, em và chủ doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động. Doanh nghiệp ký giấy xác nhận nợ lương em và em không biết bao giờ đòi được vì doanh nghiêp đang trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên cái mà em thấy lo lắng nhiều hơn là Sổ BHXH của em, với xác nhận hàng chục năm đóng phí tại các đơn vị. Sổ này hiện đang bị BHXH Hà Nội "giam" vì doanh nghiệp cũ của em đang nợ phí bảo hiểm. Vô tình em là nạn nhân của tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan BHXH, nơi đáng lẽ là cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động. Có ai giúp chúng em không?”

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Trọng:

 

“Lâu nay hầu như ta quan tâm đến doanh nhân, phát triến doanh nghiệp nhiều chứ quyền lợi người lao động nói như bài báo là có cả rừng văn bản nhưng quanh vấn đề này đang còn nhiều điều phải làm. Mong các cấp, các ngành, đội ngũ doanh nhân hãy quan tâm hơn bằng hành động cụ thể để người công nhân lao động đỡ vất vả hơn. Trước mắt, nhân Tháng Công nhân năm 2012 hãy hướng về công nhân- những người đang tạo ra hơn 65% giá trị của cải vật chất cho xã hội.”

 

Bạn đọc Vũ Mạnh Thắng:

 

“Tôi sống ở Hà nội, cũng đã ký nhiều HĐLĐ với nhiều Cty khác nhau, thậm chí cũng đã từng được người lao động tín nhiệm bầu làm Chủ tịch công đoàn của một Cty có khoảng 50 nhân viên. Nhưng tôi thấy thật sự quyền lợi của người lao động (NLĐ) ở đất nước ta đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp tư nhân, CP. NLĐ có thể mất việc bất cứ lúc nào, cho dù vẫn được doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ. Ngay như bản thân tôi, là chủ tịch công đoàn nhưng chỉ vì bênh vực quyền lợi cho NLĐ nên cũng đã bị cho thôi việc mà lý do thôi việc thì rất nhiều.

 

Khi các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý thì hầu như các doanh nghiệp có thể chủ động hành xử theo ý mình như:
 
- Không đóng BHXH cho NLĐ.
 
- Vẫn ký HĐLĐ với đầy đủ quyền lợi ghi rõ, vẫn trừ tiền BHXH của NLĐ nhưng không nộp tiền cho BHXH.
 
- Ký song song 2 HĐLĐ nhằm đối phó với cơ quan BHXH... mà NLĐ không dám lên tiếng vì sợ "mất việc".
 

Với các hiện tượng trên, tôi nghĩ cơ quan nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động  không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của các doanh nghiệp, mà nên bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp. Có thể 1 cán bộ phụ trách 5 hay 10 doanh nghiệp, luân phiên kiểm tra các doanh nghiệp, gặp gỡ NLĐ tại các doanh nghiệp này để giúp đỡ NLĐ: hiểu rõ quyền lợi của họ, cũng như lắng nghe những ý kiến của NLĐ nhằm phát hiện những sai phạm của người sử dụng LĐ, giải quyết và xử lý triệt để những sai phạm đó. Quan trọng nhất là các cán bộ này phải là người liêm khiết mới có thể cầm cân nảy mực bảo vệ tốt cho NLĐ.

 

Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và đảm bảo nguồn thu BHXH cho nhà nước. Người LĐ mới không bị mất việc một cách vô cớ hoặc lý do không chính đáng. Khi đó NLĐ mới có đủ niềm tin để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đến khi đó, những người sử dụng LĐ sẽ không còn đất dụng võ cho những việc làm sai trái của họ nữa. Họ bắt buộc phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho NLĐ nếu không sẽ không có ai làm cho họ. NLĐ sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn.”

 

Bạn đọc Duy Thông:

 

“Tôi nghĩ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần có sự vào cuộc thật sự của cơ quan chức năng, tổ chức điều tra và thanh tra để làm rõ những hành vi sai trái, không tuân thủ luật pháp lao động của hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Sự việc của đại gia Nguyễn Thị Diệu Hiền nợ 1 tỷ tiền BHXH không phải là cá biệt, bởi các đại gia này chỉ được biết đến khi báo chí vào cuộc. Còn nhiều nhiều doanh nghiệp trên cả nước có thái độ làm ăn không tuân thủ luật pháp như vậy. Tình hình làm ăn lình xình đó các cơ quan có chức năng quản lý và  BHXH đều biết rõ, vậy tại sao vẫn cứ làm ngơ và không có biện pháp xử lý cần thiết?”

 

LTS Dân trí - Trong lúc tình hình kinh tế suy thoái, giới chủ doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn vẫn cố gắng thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động. Song đáng tiếc là còn nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, hoặc chỉ quan tâm giải quyết khó khăn của doanh nghiệp mà không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động theo đúng chế độ và luật pháp hiện hành. Không ít doanh nghiệp tùy tiện thay đổi mức lương, không đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, hoặc đuổi người mà không có lý do chính đáng. Nhiều trường hợp công nhân bị mất việc làm không được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp…

 

Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, một mặt cần vận động các doanh nghiệp tự giác thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động đã được luật pháp quy định; mặt khác các cơ quan có chức năng quản lý của nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, không để các doanh nghiệp đối xử với người lao động một cách tùy tiện, cần ký kết hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận.