Bạn đọc viết

Người đàn ông giải cứu nữ nhân viên hàng không có bị xử lý vi phạm hành chính không?

Hành vi của người hành khách áo đen là phòng vệ chính đáng nên không thuộc trường họp bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng như ông giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Bắc nói.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dư luận và trên các mạng xã hội đang phản ứng mạnh ý kiến của ông Trần Hoài Phương, giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Bắc: “Xét về mặt tình hoàn toàn có thể hiểu hành động nghĩa hiệp của người đàn ông áo đen lao vào giải cứu khi phụ nữ bị hành hung. Nhưng xét về lý thì không thể ủng hộ hành vi đánh nhau nơi công cộng được, thay vì đánh nhau có thể can ngăn khi bắt gặp tình huống trên. Như xem trên clip thì hai hành khách chưa xác định được danh tính đánh nhau với ông Thuấn và Tùng. Nếu lực lượng an ninh sân bay không vào xử lý kịp có thể dẫn tới đánh nhau to, điều này không phù hợp với quy định về an ninh tại sân bay”. Vậy, dưới góc độ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì hành vi của “Soái ca” áo đen có bị xử lý không?

Tóm tắt nội dung sự việc như sau: vào chiều ngày 18/10/2016 tại nhà ga hành khách T1 Nội Bài (Hà Nội), một nữ nhân viên hàng không dùng điện thoại quay lại cảnh to tiếng của hai nam hành khách với các nhân viên khác tại quầy làm thủ tục số 38. Thấy vậy, một nam hành khách đã dùng tay túm áo nữ nhân viên hàng không này còn người kia đi vòng ra sau, dùng túi có đựng đồ bên trong (chưa có thông tin trong túi đựng những thứ gì) đập liên tiếp nhiều cái vào vùng đầu (vùng có khả năng gây chấn thương nguy hiểm) của nữ nhân viên này và xem trên clip thì người đàn ông này chưa có dấu hiệu dừng việc tấn công lại. Lúc này một hành khách áo đen bất bình đã chạy đến đạp và đấm kẻ đang tấn công ngã xuống sàn. Sau đó, đội an ninh cơ động của sân bay đến đưa hai nam hành khách này về đồn để làm việc và sự việc chấm dứt.

Xét về hành vi của người đàn ông áo đen: Dùng chân đạp ngã kẻ đang dùng túi đánh vào vùng đầu người phụ nữ, trong khi người phụ nữ đang bị túm chặt không còn khả năng tự vệ, thì có thể nói đây là sự chống trả tương ứng cần thiết nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người phụ nữ được Hiến pháp bảo vệ và được gọi là hành vi phòng vệ chính đáng quy định tại khoản 12 Điều 2 của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành:

"Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên."

Cũng theo Luật này tại khoản 2 Điều 11 thì hành vi này không bị xử phạt vi phạm hành chính

"Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

…..

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

….."

Trên đây là những quy định chung trong Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2013, giao cho Chính phủ quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật. Nghĩa là Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chỉ là Văn bản dưới luật để quy định chi tiết và hướng dẫn Luật nên về nguyên tắc không được trái với Luật. Như vậy, theo phân tích trên thì hành vi của người hành khách áo đen là phòng vệ chính đáng nên không thuộc trường họp bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng như ông giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Bắc nói.

Ngô Công Tuấn

TAND huyện Mường Lát