Phiếm đàm

Nghiện xây dựng - một loại bệnh mới

(Dân trí) - Bây giờ nếu kể những công trình ra đời từ những cơn nghiện xây dựng của quan chức thì đâu có ít. Ôi, sao các quan chức đó lại có thể sa vào nghiện xây dựng kiểu như vậy và đến mức trầm kha như vậy nhỉ? Lạ thật đấy!

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Trước đây, xã hội ta có nạn nghiện rượu, nghiện cờ bạc ... sau này có thêm loại nghiện ma túy đang gây hại cho xã hội.

Bây giờ, nước ta lại mới xuất hiện một loại nghiện nữa, đang hoành hành, làm suy yếu đất nước, đó là loại nghiện xây dựng những công trình kém hiệu quả hoặc chưa thật cần thiết, gây lãng phí khủng khiếp cho đất nước.

Nghiện gây ảo giác như Vĩnh Phúc đã xây nhà văn miếu 271 tỷ đồng, xây xong rồi, các quan chức người nọ nhìn người kia, hỏi nhau nên thờ ai ở trong văn miếu đó. Vậy là cứ xây cái đã, còn để làm gì thì tính sau?

Không đến nỗi ảo giác như Vĩnh Phúc xây không biết để làm gì, có địa phương khi xây công trình biết mục đích và công năng của công trình, nhưng hiệu quả công trình lại rất tệ hại, như Bạc Liêu đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh viên 260 tỷ đồng có 5 tòa nhà 5 tầng, với sức chứa hàng nghìn sinh viên, nhưng chỉ có 20 sinh viên đến thuê. Như thế vẫn còn có hiệu quả hơn hẳn chuyện xây dựng ký túc xá sinh viên ở tỉnh Lâm Đồng gồm 2 khối nhà, quy mô 2000 chỗ, nhưng chỉ có 1 sinh viên đến thuê.

Tuy nhiên, chuyện cứ xây cái đã, không tính đến hiệu quả thì vào loại đáng nể là công trình tượng đài Vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2010 với tổng số tiền trên 1.500 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giờ cơ ngơi "bạc tỷ" này rệu rã, xuống cấp đến ghê người. Rác bẩn, cỏ dại mọc um tùm, Nhiều hạng mục nằm trong quần thể khu vực tượng đài bị cỏ dại bao phủ gần như kín. Kim tiêm chích ma túy con nghiện vứt ngổn ngang ngay bậc thềm dẫn lên khu tượng đài, mà chẳng cơ quan quản lý nào ở địa phương bận tâm đến.

Còn chuyện nghiện xây dựng gây ảo giác đến mức trong điều kiện ngân sách eo hẹp, bội chi vẫn tăng, nợ công cao mà vẫn cứ xin xây, hoặc đang xây, hoặc đã xây, dù lúc này chưa cần thiết lại tốn kém khủng khiếp,  thì nghiện nặng là  Sơn La - một tỉnh miền núi nghèo mà định chi 1.400 tỷ đồng xây tượng đài, quảng trường dù mỗi năm chỉ sử dụng một vài lần. Mà đâu chỉ có Sơn La, hiện nay có đến 7 địa phương đang lên cơn nghiện, xin Trung ương cho xây tượng đài nhiều tỷ. Và cơn nghiện về xây dựng lây lan sang các lĩnh vực khác, bởi khi thấy dư luận nhân dân không đồng tình về việc xây tượng đài trong thời điểm hiện nay thì lại chuyển hướng sang nghiện xây trung tâm hành chính. Khánh Hòa đang xây trung tâm hành chính “Tổ yến” 3.000 tỷ đồng Hải Phòng định xây trung tâm hành chính 10.000 tỷ  Lâm Đồng 1.074 tỷ; Đồng Nai 2.200 tỷ; Hải Dương 2.000 tỷ, Nghiện xây dựng đến mức Nghệ An vừa đưa vào sử dụng trụ sở UBND tỉnh cao 11 tầng với kinh phí 365 tỷ đồng từ vốn ngân sách, vẫn tính đến quy hoạch xây khu hành chính hơn 2.000 tỷ đồng ...

Vậy nghiện là gì? Phải chăng đó là sự lập lại liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu .Thói quen và các kiểu nghiện được đặc trưng điển hình của sự hài lòng ngay lập tức (phần thưởng ngắn hạn), cùng với các hiệu ứng có hại chậm.

Nhưng nghiện xây dựng dạng này, hiện nay cai là chuyện nan giải đấy, vì nghiện dường như đã để lại dấu ấn rõ nét trên vỏ não không ít quan chức và khó có thể bỏ được.

Bây giờ nếu kể những công trình ra đời từ những cơn nghiện xây dựng dạng trên của quan chức thì đâu có ít. Ôi, sao các quan chức đó lại có thể sa vào nghiện ngập xây dựng kiểu như vậy và đến mức trầm kha như vậy nhỉ? Lạ thật đấy!

Nguyễn Đoàn