Nghiên cứu về bìa sách: Luận án tiến sĩ có bị “bình dân hóa”?

Đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ với chủ đề “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam” đang gây ra nhiều tranh cãi.

luan-an-tien-si-

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến. Ảnh: Facebook

Dư luận hoài nghi, những đề tài khoa học này sẽ có tính ứng dụng như thế nào trong cuộc sống, có xứng tầm luận án tiến sĩ?

Nghiên cứu bìa sách để phục vụ… giảng dạy

Mới đây, một tài khoản Facebook đã đăng tải trên một diễn đàn giáo hình ảnh buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến, với đề tài “ Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam”. Không ít người cho rằng, tên đề tài như vậy là chưa xứng tầm với một luận án tiến sĩ, nó chẳng khác nào… “thừa giấy vẽ voi”.

Trước luồng dư luận này, tác giả của đề tài nghiên cứu - ông Bùi Quang Tiến (đang công tác tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TPHCM) cho biết, những người chê luận án của mình chỉ là ý kiến cá nhân, cảm tính.

Nguyên nhân ông Tiến đặt ra đề tài nghiên cứu này là do thực tế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kỹ thuật in ấn và sự lấn át của các ngôn ngữ, chữ viết quốc tế khác nhau trong thị trường xuất bản Việt Nam. Kết quả nghiên cứu trong luận án sẽ được ông Tiến phục vụ cho công việc giảng dạy tại trường.

Ngoài ra ông Tiến cho rằng, luận án của mình có thể làm giáo trình, giáo án vì trong các đơn vị đào tạo về đồ họa thiết kế, mỹ thuật công nghiệp đều có môn nghệ thuật chữ, được dạy như một học phần.

Đề tài thế nào để xứng tầm luận án tiến sĩ?

Câu chuyện tầm vóc đề tài tiến sĩ đã từng được nhiều nhà khoa học bàn luận. Năm 2016, dư luận cũng tranh cãi gay gắt về một số đề tài luận án tiến sĩ nghe “lạ tai” như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”...

Theo GS-TS Vũ Dũng (Học viện KHXH Việt Nam), đề tài nghiên cứu tiến sĩ không nhất thiết phải to tát, cao siêu.

“Tôi đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở Việt Nam sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, văn hóa lớn. Đừng vội kết luận chất lượng công trình chỉ mới nhìn tên đề tài” – GS Dũng nêu quan điểm.

PGS-TS Lê Văn Tạo – một trong 3 người phản biện “ luận án tiến sĩ bìa sách ” cũng cho rằng: “Muốn đánh giá luận án, phải dựa trên chất lượng khoa học chứ không thể chỉ dựa vào tên đề tài. Có những người nghiên cứu từ những cái rất nhỏ, nhưng phát hiện ra những điều có ý nghĩa rất lớn. Với luận án của ông Tiến, tôi đánh giá chỉ ở mức độ đảm bảo điều kiện để công nhận tiến sĩ thôi”.

Theo Bích Hà

Báo Lao động