Nghĩ về hiện tượng doanh nhân hoang tưởng

(Dân trí) - Các nhà làm kinh tế không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như nhà thơ mà phải bám sát thực tế để suy nghĩ và hành động chứ không thì chỉ có gây khổ cho dân và làm suy bại đất nước....


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Một người đang hoang tưởng

Đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tuyên bố sẽ đầu tư 10,6 tỉ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận vì cho rằng khu vực ven biển Cà Ná được đánh giá là phù hợp nhất thế giới để làm nhà máy thép. Nhưng sản xuất thép thì phải có nước ngọt, nhà máy khi vận hành cần 180.000 mét khối/ngày vậy ông Chủ tịch Hoa Sen nước lấy ở đâu khi Ninh Thuân lại là vùng hạn hán khủng khiếp, chỉ qua ba tháng đã có tới hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát. Còn ông này nói sẽ lấy nước biển để sản xuất trên thế giới thì hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim vì giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên quá cao.

Mặt khác, sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn. Quặng lấy của nước ngoài là mua của nước nào và đắt rẻ ra sao?

Mặt nữa, khi sản xuất thì phải nghĩ ngay đến đầu ra. Thép Tập đoàn Hoa Sen sản xuất ra, có bán được không, khi trong nước và thế giới đang dư thừa. Riêng nước ta hiện đã có nhiều loại thép tất cả khoảng 20 triệu tấn, ấy là chưa kể nếu Formosa đi vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép là sản xuất ra cái mình thích nhưng không chỉ trong nước và thế giới cũng không cần. Hiện Trung Quốc vẫn đang dư thừa hơn 200 triệu tấn nên đang mang đi xuất khẩu với giá rất rẻ ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, cả thế giới đang lo thép của Trung Quốc.

Quyết định làm một mặt hàng mà chẳng thèm đếm sỉa đến các yếu tố cần và đủ để đảm bảo mặt hàng đó ra đời, tồn tại và phát triển thì đúng là hoang tưởng thật

Lại thêm một người nữa cũng đang hoang tưởng ...

Ông Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh đề xuất dự án “Lên trời gọi mưa”, với ý tưởng định dùng 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố. Ngoài ra, dùng 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm nữa sẽ đặt trên sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đê kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ.

Câu hỏi đặt ra là ông Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh bảo thiết bị sẽ nhập ngoại, vậy bấy lâu nay các nước phát triển “nhiều tiền lắm của” và có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản có những thiết bị ấy thì họ đâu phải để dân chúng phải chịu hạn hán, ngập lụt, sóng thần… nếu làm được, các nước đó đã làm rồi. Thực ra trên thế giới đã triển khai thành công mưa nhân tạo nhưng ở phạm vi một trang trại nhỏ nên dự án “Lên trời gọi mưa” của ông này là không khả thi. Thôi thì con người ta có lúc cũng phải mơ mộng, nhưng cái “chết” cho dân của sự mơ mộng này là chưa đâu vào đâu, ông ấy đã đề nghị với Chính phủ tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng nhằm kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm.

... Và sự lo lắng của dân

Đây chỉ là hai trong không ít doanh nhân hoang tưởng xuất hiện ờ Việt Nam, dân đến dự án treo nhiều năm, công trình xây xong đắp chiếu rỉ sét ... Với suy nghĩ hoang tưởng trên, bất chợt nghĩ đến nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ Cảm xúc viết vào năm 1933 có câu: "Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây". Là nhà thơ thì có thể lãng đãng như vậy, còn thương trường đâu phải là văn đàn, mà khốc liệt chẳng kém chiến trường đâu, nên các nhà làm kinh tế không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như nhà thơ mà phải bám sát thực tế để suy nghĩ và hành động chứ không thì chỉ có gây khổ cho dân và làm suy bại đất nước....

Nguyễn Đoàn