Phiếm đàm

Nghĩ về hai cán bộ làm trái lời dạy của Bác Hồ

(Dân trí) - "Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia” Câu nói đó của Bác Hồ thật giản dị mà tính giáo dục rất cao. Đã là cán bộ thì phải quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân.

>> Vụ 146 Quán Thánh: Quận Ba Đình khẳng định xây cống mới không phải hỏi ý dân!

>> “Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân”


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tôi nghĩ mãi, không hiểu tại sao thời gian qua có hai quan chức ở Hà Nội lại làm trái với lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Người thứ nhất là ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy. Khi  UBND thành phố chủ trương cho chặt hạ hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, những hàng cây lâu năm trên các con phố Quang Trung, Lê Duẩn, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh lại bị đốn hạ, đào tận gốc, trốc tận rễ…một cách không thương tiếc,  đã khiến nhiều người tiếc nuối đến ngẩn ngơ. Khi dân bức xúc,  ông này phát biểu rằng việc chặt hạ cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân - đã gây sốc dư luận.

Tưởng việc đó đã được rút kinh nghiệm, nào ngờ lại có quan chức thứ hai xuất hiện gần đây phát ngôn làm dư luận một lần nữa bị sốc, đó là khi các cơ quan báo chí phản ánh việc người dân sống tại số nhà 146 Quán Thánh kịch liệt phản đối phương án xây đường cống mới từ khuôn viên nhà 146 Quán Thánh ra đầu phố Đặng Dung, báo Dân trí mở cuộc thăm dò dự luận có hơn 18.000 người dân tham gia, thì tới 92,31% ủng hộ việc khôi phục đường cống cũ bị tắc bởi bê tông, giẻ rách dưới nền nhà số 5 Đặng Dung thay vì xây đường cống mới bằng ngân sách theo chủ trương của Chủ tịch UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, chiều ngày 10/11/2015, tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy, ông  Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình lại khẳng định “không phải hỏi người dân” việc xây cống mới tại 146 Quán Thánh.

Trước phát ngôn vậy, bạn đọc Nguyễn Hiền nguyenkhuong1950@yahoo.com.vn ngạc nhiên:

Cách trả lời trước các cơ quan báo chí của ông PCT UBND quận Ba Đình nếu nói theo kiểu dân dã là "nhìn dân bằng nửa con mắt" ! Cách đây không lâu cũng đã có ông "quan tuyên giáo" thành ủy Hà Nội phát biểu : chặt cây không cần phải hỏi dân !? Sao các vị này  lại có " chất giọng " giống nhau thế nhỉ ???

Bạn đọc Huy Oanh   quangcaobinhminh73@gmail.com bình luận:

Lúc sắp bầu ông làm cán bộ thì ông cần dân. giờ đã được làm cán bộ rồi thì ông tuyên bố không cần hỏi dân!

Còn bạn đọcTrần Tuấn Vũ   junyu2221@gmail.com đi sâu phân tích:

Ông nói: "Khái niệm “thống nhất” và “đồng thuận” tại Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP. Hà Nội được hiểu không phải hỏi có đồng ý hay không? Mà phải hiểu theo nghĩa Thành phố yêu cầu quận Ba Đình và phường Quán Thánh phải vì người dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, không phải hỏi người dân có đồng thuận hay không? Sự thống nhất ở đây được hiểu là sự vận động, tuyên truyền đối với người dân...” Dạ vâng như vậy có thể hiểu là hỏi trưng cầu một đằng làm một nẻo , các ông thích thì các ông làm, khuất tất không làm rõ thì làm cho người dân phải đồng thuận đúng không?

Và bạn đọc Thanh Minh  phanminhphat@Yahoo.com: 

Cứ như vụ chặt cây xanh, vụ xây tượng đài 2000 tỷ, trung tâm hành chính 10.000 tỷ, giờ cho đến vụ cỏn con như vụ này, chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm, không cần hỏi ý kiến dân, chỉ cần tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, vụ này lại có chỉ đạo từ phía trên, mà trên bảo dưới không nghe, "phép vua lại thua lệ làng"

Nhân chuyện hai vị cán bộ không cần hỏi ý kiến người dân nói trên, nhớ lại một ngày đầu tháng 12 năm 1961 Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (Nghệ Tĩnh), nói chuyện với đồng bào, xã viên hợp tác xã và cán bộ trong xã. Bác khen hợp tác xã về mọi mặt đều có tiến bộ. Bác khen thành tích lao động của một số thanh niên ở đây  đã làm được nhiều công, nhiều đất thủy lợi….Rồi Bác hỏi: "Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không?”. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy đứng cạnh Bác, nhanh miệng thưa: "Dạ, đúng ạ!”. Bác quay lại, giơ ngón tay: "Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia” Câu nói đó của Bác Hồ thật giản dị mà tính giáo dục rất cao, Bác dạy: Đã là cán bộ thì phải quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Lời Bác là chân lý. Bác dạy thì phải học đến nơi đến chốn. Thế sao hai vị quan chức trên lại không thấm nhuần được điều Bác dạy? tôi nghĩ chỉ có hai khả năng: Một là mấy năm qua các tỉnh thành đểu tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nhưng Hà Nội lại chưa tổ chức cho các cán bộ địa phương mình học tập? Điều đó tôi tin là vô lý, không thể có. Hai là tất cả các quận, huyện của Hà Nội đều tổ chức học, nhưng riêng đơn vị của hai quan chức này đang công tác vì bận nhiều việc quá, mấy năm qua chưa tổ chức học được, nên cán bộ ở đây không biết câu chuyện trên về Bác Hồ mà mọi người ai cũng biết, không nhớ lời dạy trên của Bác mà mọi người ai cũng nhớ. Có thể lắm chứ.

Vì vậy, tôi nghĩ cái gì cán bộ biết mà vẫn cố tình làm sai thì phải xử lý nghiêm. Còn cái gì không biết nên chót làm sai, thôi thì châm chước, chỉ nên nhắc nhở để rút kinh nghiệm sâu sắc như vẫn thường làm.

Vậy có nên châm chước cho hai vị cán bộ Hà Nội nói trên? Nên quá đi chứ!

Nguyễn Đoàn