Ý kiến chuyên gia

Nghĩ về dạy tiếng Anh ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông

Một đề án giáo dục không những chỉ cần ngân quĩ để thực hiện, mà cũng rất cần những phương thức khả dĩ mang đến những kết quả dự trù.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Thời sự mấy tuần nay cho thấy việc dạy ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga) và cổ ngữ (tiếng Hán) đang được lãnh đạo giáo dục quan tâm và đã gây nhiều phản ứng trong dân tình.

Thí dụ vấn đề dạy tiếng Anh với đề án hơn 9000 tỷ đồng, một đề án đã đi hết hai phần ba quá trình mà kết quả chưa thấy ở đâu

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Kho-khan-lon-nhat-cua-de-an-giao-duc-co-gia-hon-9000-ty-dong-gap-phai-la-gi-post170990.gd

Lãnh đạo Bộ đã thừa nhận “sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và học sinh sẽ phải tiếp tục chờ giáo viên đạt chuẩn để học theo đúng thời lượng 4 tiết/tuần mà đề án đặt ra”.

Lý giải điều này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Khi xây dựng đề án, chúng ta đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế nên hiệu quả chưa tốt. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp, thể hiện rõ ở kết quả môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia”.

Đối với người viết bài này, đề án không đạt đến đích vì một lý do khác nữa: Tại sao ngay từ đầu ta đã không nghĩ tới việc giao trách nhiệm dạy trẻ tiếng Anh cho những giáo viên chuyên môn?

Ở các nước khác, dạy tiếng Anh cũng là một nhu cầu.

Thế nên có những trường, nếu giàu thì thuê giáo viên bản ngữ. Như thế ít nhất là bảo đảm được giọng và cách phát âm. Nếu không thì dùng những giáo viên được đào tạo chuyên về tiếng Anh. Một chuyên môn mà không thể nào bắt giáo viên trách nhiệm lớp phải có. Cùng lắm thì kêu gọi đến những tình nguyện viên: cha mẹ học trò, thành viên của các Câu lạc bộ tiếng Anh trong vùng, … Các trò lớp 3 lớp 4 bắt đầu làm quen với ngoại ngữ thì đâu có cần những hiểu biết cao xa. Có dịp để hát, nghe, và nói những câu cho sinh hoạt thường ngày bằng tiếng Anh là một cách khởi đầu rất hữu hiệu lại nhẹ nhàng để tập tành tiếp thu sinh ngữ.

Cho tình trạng ở nước ta, một số Việt kiều đã phát biểu rằng tại Mỹ, hiện có gần một triệu người trẻ gốc Việt, nói tiếng Anh như … gió, tại sao không có chính sách huy động họ?

Dĩ nhiên, có những vùng sâu vùng xa, với những trường mà phương tiện tối ư eo hẹp, tất cả những phương thức vừa kể đều trên không thực hiện được. Nhưng đó là một vấn đề còn cần suy nghĩ để tìm giải pháp riêng..

Bằng không, bắt buộc giáo viên tại chức phải “hóa thân” thành giáo viên tiếng Anh là một đòi hỏi khó thực hiện lại có thể dẫn đến những cách “lách luật” đáng tiếc. Mà trước mắt là họ không thể nào bảo đảm kết quả được chờ đợi cho các lớp tiếng Anh.

Bài này ít nhất thể hiện cái khó khăn nói trên của một số giáo viên tại chức:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Quy-dinh-nay-that-la-kho-cho-cac-nha-giaoda-co-tuoi-post171092.gd

Đúng vậy, dù não bộ vẫn còn khả năng tiếp thu ngay đến khi ta lớn tuổi. Nhưng khả năng này vơi đi rất nhiều với tuổi tác. Các nhà ngôn ngữ học cũng đã cho thấy là muốn phát âm chuẩn một ngoại ngữ, ta cần học ngoại ngữ càng sớm càng tốt.

Rốt cuộc, đòi hỏi một giáo viên 50 tuổi học thêm ngoại ngữ đã khó. Mà để một giáo viên mới tiếp thu, và tiếp thu chưa tròn vẹn, trong hoàn cảnh đó, dạy một ngoại ngữ thì kết quả không thể nào tốt đẹp được.

Thế mới biết một đề án giáo dục không những chỉ cần ngân quĩ để thực hiện, mà cũng rất cần những phương thức khả dĩ mang đến những kết quả dự trù.

Nguyễn Huỳnh Mai