Phiếm đàm

Nghĩ về chuyện đầu gấu ở hai quán cơm

(Dân trí) - Gần đây, xẩy ra hai sự việc về quán cơm ở hai nơi khác nhau nhưng bản chất sự việc lại có nhiều điểm giống nhau.

Minh họa: ngọc Diệp
Minh họa: ngọc Diệp

Gần đây, xẩy ra hai sự việc về quán cơm ở hai nơi khác nhau nhưng bản chất sự việc lại có nhiều điểm giống nhau.

Cái khác nhau là ở chỗ địa điểm xẩy ra sự việc cách xa nhau về địa dư, một nơi là tại quán cơm mang tên “Trạm dừng nghỉ Nam Thọ” gần đoạn Km5, xã Tiên Tân và gần với Phòng CSGT tỉnh Hà Nam. Còn nơi kia là ở quán cơm bình dân của Nguyễn Văn L. 30 tuổi, ngụ xóm 7, xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận, cách công trường công trình trọng điểm ở xã Vĩnh Tân 1 km).

Hai quán cơm này cách xa nhau như vậy nhưng điểm giống nhau thứ nhất là đều có côn đồ bảo kê và lộng hành. Theothông tin PV Báo Giao thôngvào cuộc điều tra trong những ngày qua cho biết, tại quán cơm mang tên “Trạm dừng nghỉ Nam Thọ” ở Hà Nam, Bất cứ xe khách nào đi trên QL1 hướng Hà Nội - Hà Nam đều bị một nhóm thanh niên mặc áo đen lao ra đứng dàn hàng ngang giữa đường chặn lại, Tài xế xe khách phàn nàn: “Phần lớn các xe chạy tuyến ngắn như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình thì không cần dừng nghỉ. Xe chạy chuyến dài thì lại nghỉ ở Ninh Bình, Thanh Hóa. Nếu nghỉ ở Hà Nam thì nhà xe vừa mất thời gian đón trả khách vừa bị khách than vãn là tiếp tay, ăn dơ. Bản thân nhà xe cũng không muốn dừng ở trạm nghỉ Nam Thọ vì kiểu kinh doanh ép buộc, dùng bạo lực đe dọa”. Còn hành khách thì bức xúc: “Quãng đường từ Hà Nội về Hà Nam không xa nên chúng tôi chưa muốn dừng nghỉ. Việc ngang nhiên chặn xe rồi ép khách vào mua hàng thế này thì chẳng khác gì trấn lột, cướp bóc”.

Còn ở quán cơm bình dân của Nguyễn Văn L. cách công trường công trình trọng điểm ở xã Vĩnh Tân 1 km, thường ngày khi hết giờ làm việc, toàn bộ anh em công nhân đều đến ăn cơm tại quán cơm bình dân của Nguyễn Văn L. (30 tuổi, ngụ xóm 7, xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, cách công trường 1 km). Nhưng do không có xe, nên anh Trường bàn với anh em tự mua thực phẩm về nấu ăn. Chủ quán cơm L. đã tới công trường hăm dọa anh Trường rằng “không muốn về với vợ con nữa hay sao mà kêu anh em tự nấu cơm. Nếu ông không đến quán ăn cơm, ông sẽ biết thế nào là đau khổ”. Nói là làm. Một tối sau đó, khi các anh đang nằm nghỉ trong lán trại thì bị liên tiếp 3 trái bom xăng từ bên ngoài ném vào. Ngọn lửa bốc cháy dữ dội khiến một số công nhân bị bỏng. Lán trại bị thiêu rụi một góc. Sau khi xảy ra vụ việc, chủ quán cơm L. bỏ đi khỏi địa phương. Còn chủ doanh nghiệp thuê các công nhân trên đến để thi công, cho biết: khi đến Vĩnh Tân nhận công trình, L. dù chỉ là người bán cơm, đã gặp tôi, ép phải đưa tiền bảo kê với giá 12 triệu đồng/tháng, năn nỉ mãi, anh ta hạ giá xuống còn 20 triệu đồng/4 tháng. Sau đó, L. nói phải kêu công nhân đến quán của anh ta ăn cơm. Ban đầu chủ công trình và các công nhân muốn yên ổn làm ăn nên chấp nhận. Nhưng sau anh em không có xe đi lại nên phải tự nấu ăn nên bị L hung hãn ném bom xăng vào lều dằn mặt.

Và điểm giống nhau thứ 2 là chính quyền ở cả hai địa phương này đều buông lỏng công tác quản lý địa bàn. Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Phó trưởng Công an TP Phủ Lý đánh giá sự việc trên khác với lái xe, hành khách và nhân dân khi ông cho PV báo GTVT biết: “Hiện tượng có nhóm người tập trung trước cổng trạm dừng nghỉ chỉ là vẫy khách chứ không phải chặn xe”. Còn vụ bom xăng ở công trường công trình trọng điểm xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận, . vài ngày sau thì sự việc xảy ra, Công an có đến khám nghiệm hiện trường, nhưng gần một tháng trôi qua, vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Lo ngại hơn nữa là đây không phải là chuyện đầu gấu mới hoành hành trên địa bàn này mà dường như chính quyền sở tại không biết, không nghe, không thấy, không có động thái trấn áp. Cụ thể, theo báo Thanh niên cho biết, một chủ thầu xây dựng khác cũng đang làm tại địa bàn này bức xúc: “Không có doanh nghiệp nào đến đây làm ăn mà không phải đóng tiền cho các tay có máu mặt dưới danh nghĩa hợp đồng này hay hợp đồng khác. Một chiếc xe chỉ chở đất bán với giá 500.000 đồng/xe nhưng L. (chủ quán ăn bình dân nói trên) bắt phải lấy 650.000 đồng/xe nhằm chia lại cho hắn 150.000 đồng. Mỗi xe vào nhà máy dù chở thứ gì cũng phải nộp từ 100.000 - 200.000 đồng. Việc các điểm thi công bị bom xăng từng xảy ra vài lần rồi. Ngày L. xây hồ chứa nước, gọi cho tôi hỏi xin xi măng, sắt thép. Tôi nói không có, ngay tối đó có mấy tay cầm mã tấu đi bên ngoài công trường. Tôi phải chuyển mấy triệu bạc cho yên. ..”

Chính điểm giống nhau thứ 2 này của hai vụ việc trên khiến cho nhân dân bức xúc. Ai cũng mong muốn chính quyền mạnh lên để đầu gấu quán cơm yếu đi và bị triệt tiêu, còn chính quyền hoạt động yếu, không cương quyết trấn áp thì đầu gấu ở đâu cũng sẽ lập tức ngóc đầu dậy, mạnh lên ngay, tác oai tác quái gây bất an cho xã hội và sự manh động của chúng (như ném bom xăng vào lều của công nhân công trường) gây ra những hậu quả khôn lường.

Nguyễn Đoàn