Bạn đọc viết

Ngày thơ Việt Nam chắp cánh tâm hồn Việt

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu xuân mới, công chúng yêu thơ trên cả nước lại có dịp thưởng thức và tham gia những hoạt động độc đáo tại Ngày Thơ Việt Nam, góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc.


Ngày Thơ Việt Nam 2017 có nhiều đổi mới tròng hình thức thể hiện. Ảnh minh hoạ.

Ngày Thơ Việt Nam 2017 có nhiều đổi mới tròng hình thức thể hiện. Ảnh minh hoạ.

Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, với sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam.

Dù mỗi năm Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng.. đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng Ngày thơ Việt Nam đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả công chúng. Đến nay Ngày thơ Việt Nam càng được hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức thu hút đông đảo hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia.

Nét độc đáo của Ngày thơ Việt Nam không chỉ ở sự thống nhất trong cùng một thời gian, tất cả các địa phương trên cả nước cùng tổ chức Ngày thơ Việt Nam, mà ở tính tư tưởng của Ngày thơ Việt Nam thể hiện rõ việc không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, góp phần xây dựng nhân cách và tâm hồn người Việt.


Chiều ngày 9/2, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với huyện Lộc Hà tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại đền thờ Mai Hắc Đế (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Nhà thơ Duy Thảo với tác phẩm Trước xuân này

Chiều ngày 9/2, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với huyện Lộc Hà tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại đền thờ Mai Hắc Đế (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Nhà thơ Duy Thảo với tác phẩm "Trước xuân này"

Đến với Ngày Thơ, công chúng không chỉ được thưởng thức những tác phẩm thơ nổi tiếng của các tác giả tiêu biểu mà còn được hòa mình vào trong không gian thơ ca để đọc, để nghe và xem nghệ thuật, triển lãm, giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng. Nhất là trong những năm gần đây bên cạnh với những tư duy tổ chức ngày càng sáng tạo, cùng sự hòa trộn giữa tính hàn lâm với tính dân dã, tính hiện đại với tính truyền thống trong các ngày thơ đã tạo nên được “một sân chơi” lý thú cho những người làm thơ, yêu thơ và thu hút được lượng công chúng đông đảo đến với Ngày thơ.

Có thể nói Ngày thơ Việt Nam đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, đây không chỉ là một ngày hội mà còn là một sân chơi đầy bổ ích dành cho mọi lứa tuổi. Cho đến nay, hình tượng lá cờ thơ và hình ảnh chim Lạc bay cùng bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh trong Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một dấu ấn thân quen với nhiều người dân Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm hẹn của những người bạn ở cả trong thơ và đời, trở thành nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta.

Với riêng tôi, càng ngày tôi càng hiểu nội hàm của tên gọi Ngày thơ Việt Nam theo nghĩa phổ quát và nghĩa hàm ẩn của nó. Đó không chỉ là sự khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo và thưởng thức, giao lưu của công chúng và thi nhân, mà đó còn là sự tái hiện, hội nhập, tiếp bước và nâng cao, làm hiển minh những giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc tự ngàn xưa. Và về một ý nghĩa sâu thẳm khác, Ngày thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai.

Đến nay Ngày thơ Việt Nam chính thức được mang tên bước vào năm thứ 15. Đó là khoảng thời gian chưa dài, nhưng trong ý nghĩ và dự cảm của mọi người suốt dòng chảy văn hoá, để thi ca trở thành hiện thực như hôm nay đó đúng là một quá trình trải nghiệm của lịch sử và truyền thống lâu dài của dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu thi ca, có tiềm năng, trữ lượng và những giá trị thi ca không bao giờ vơi cạn, nó luôn đóng vai trò là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Đó là “tiếng nói tâm hồn”, là cánh buồm lộng gió chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão vươn xa. Vai trò đó không chỉ được thể hiện qua các nhu cầu giải trí mà còn cả trong các lĩnh vực học tập, lao động và chiến đấu, trở thành nét văn hóa đẹp đẽ, đặc sắc không thể thiếu của dân tộc ta.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 đã đến hứa hẹn đông đảo công chúng tụ hội với không khí, tinh thần thơ ca được nhóm lên và tôn vinh. Xin chúc các nhà thơ, những người yêu thơ tiếp tục có thêm nhiều sáng tác hay, góp phần tô thắm nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Xin gửi tới bài thơ:

Ngày Rằm và Ngày Thơ

Hôm nay Rằm tháng Giêng,

Ngày trăng tròn năm mới.

Trong dân gian vẫn gọi,

Đó là lễ Thượng Nguyên.

Có khi gọi Nguyên Tiêu,

Còn thường gọi Tết muộn.

Để phật tử dâng hương,

Để con cháu tỏ bày.

Một lòng thành kính hiếu,

Với tiên tổ ông bà.

Phù hộ năm an lành,

Một năm mới an khang.

***

Hôm nay Rằm Nguyên Tiêu,

Ngày cách đây năm xưa.

Bác làm vần thơ thép,

Ngợi ca cảnh thiên nhiên,

Giữa dòng sông Việt Bắc.

Cùng bàn việc quân cơ,

Xuân và người hòa quyện.

Đầy thuyền những áng trăng,

Mở ra con đường mới,

Cho dân tộc huy hoàng.

Để hôm nay tự hào,

Có ngày thơ Việt Nam.

Minh Tư