Bạn đọc viết:

Nếu trượt đại học cũng đâu phải buồn!

(Dân trí) - Xét cho cùng, thi đại học cũng chỉ là 1 trong số biết bao kỳ thi khác mà mỗi người đều có quyền lựa chọn để đi qua. Cuộc sống nào có bắt ta phải đi theo 1 con đường duy nhất, đại học càng không phải con đường duy nhất đó.

Cứ đến mùa tuyển sinh, các sĩ tử lại lọ mọ tìm đường lên thành phố ứng thi, gánh trên mình biết bao tâm trạng, rồi cả những mong mỏi của cha mẹ, người thân… Mong cho con thi đỗ, cha mẹ nào có tiếc gì. Có đàn vịt, đàn gà nào ở quê sẵn sàng mang đi bán hết, cũng chỉ để đầu tư cho con mình được lên thành phố luyện thi cho bằng bạn bằng bè, cho họ hàng, làng xóm được phen mở mày, mở mặt. Cũng mong sao cái nghèo không còn đeo đẳng, quẩn quanh gia đình họ mãi về sau...
 

Nhưng trong số cả triệu người thi ấy, có bao nhiêu kẻ vượt qua được vũ môn?

 

  kẻ học lực trung bình thì thi đỗ, người học giỏi thi rớt, âu cũng là chuyện bình thường vì điểm số còn phụ thuộc vào biết bao nhiêu yếu tố: chọn trường, chọn ngành, tâm lý thi rồi cả vấn đề sức khỏe ra sao?...

 

Niềm vui cho kẻ này thì lại là nỗi buồn của người kia. Có người vào được đại học nhưng vì gia cảnh khó khăn, không trụ được nên cũng lại phải bỏ học giữa chừng mà đi làm kiếm sống nuôi thân. Có người tốt nghiệp bằng khá, loại ưu hẳn hoi, nhưng chẳng hiểu sao vẫn phải đi làm công nhân như thường.

 

Tất cả đang rơi vào 1 cái vòng luẩn quẩn mà xã hội ta vẫn chưa thể nào thoát ra được. Cứ tưởng cái tư tưởng nho gia lạc hậu kia đã tự đào hố chôn mình, nào ngờ nó vẫn hiện hữu quanh đây, ở thế kỷ XXI này.

 

Xét cho cùng, kỳ thi đại học cũng chỉ là 1 kỳ thi trong số biết bao kỳ thi khác mà mỗi người đều có quyền lựa chọn để đi qua. Cuộc sống nào có bắt ta phải đi theo 1 con đường duy nhất, đại học lại càng không phải là con đường duy nhất đó.

 

Có khi nào mọi người ngồi nghĩ lại và nhận ra rằng, chính những bậc phụ huynh có công sinh thành dưỡng dục, nhưng lại khắt khe quá mức trong cái việc giáo dục con cái, mới lại là nguyên nhân chủ yếu làm khổ con mình?

 

Bằng chứng là chưa thực hiện được ước mơ, thì đã có những em học sinh đã phải chọn cho mình cái chết thương tâm. Người sống thì rơi vào trạng thái thần kinh, trầm cảm… Tất cả cũng vì áp lực đối với các em là quá lớn. Xin hỏi, những người thân của các em sau đó biết sống ra sao?

 

Giá  như đừng bắt ép hay kỳ vọng vào các em quá nhiều, mà đôi khi trong cuộc sống này kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Giá như bố mẹ và cả các thầy cô giáo luôn nói với các em rằng: “Thi đại học… hãy cố gắng hết sức, nhưng đừng buồn khi không vượt qua được bởi cuộc sống còn vô vàn những trường học khác để cho con chọn lựa, khôn lớn, và trưởng thành hơn”. Và biết đâu học xong đại học rồi, con vẫn phải quay trở về cái trạng thái ban đầu thì sao? Thực tế “thất nghiệp” cũng đã chứng minh cho rất nhiều trường hợp như vậy.

 

Có khi nào chúng ta nói với các em những lời như vậy hay không, khi chính chúng ta cũng đã từng trải qua thời kỳ của các em rồi. Các bạn biết rõ đấy, ở cái tuổi này rất nhạy cảm về cảm xúc và phức tạp về tư duy. Dó đó chúng ta phải hiểu áp lực mà các em đang đối mặt, nhất là suy nghĩ của các em về cách nhìn cũng như sự định kiến của cộng đồng đối với các em có ý nghĩa như thế nào?
 
Thí sinh kết thúc môn thi cuối kỳ I tại ĐH Quảng Nam (ảnh minh họa: Công Bính)
Thí sinh kết thúc môn thi cuối kỳ I tại ĐH Quảng Nam (ảnh minh họa: Công Bính)

 

Tôi cũng từng học ở 2 trường đại học nhưng tôi đã thực sự rơi vào bế tắc, vì thấy đại học không được như những gì mình mong muốn. Tôi quyết định đi làm kinh doanh từ năm học thứ 2, với hàng chục nghề mà tôi va vấp, ngã rồi tự đứng dậy, tôi có thể khẳng định rằng: chính trường đời mới là nơi cho tôi nhiều thứ có giá trị nhất.

 

Và cuộc sống chỉ thực sự “tồn tại” nếu như chúng ta biết cách tôn trọng lẫn nhau. Các bậc cha mẹ, thầy cô xin hãy dành nhiều thời gian lắng nghe tiếng nói của các em, thay vì cho các em 1 cuộc sống đảm bảo về vật chất nhưng luôn bị sức ép lớn về mặt tinh thần. Cái việc cứ bắt các em phải đi theo 1 con đường mòn duy nhất mà chúng ta chọn lựa, sẽ chẳng đi đến đâu cả.

 

Làm gương và dạy cho các em biết cách thương yêu đồng loại của mình hơn, có kỹ năng ứng phó hơn. Cố gắng đừng để có thêm 1 trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa… Cũng cần thiết phải dạy cho các em nhiều hơn nữa về kỹ năng quản lý tài chính, để các em trân trọng những đồng tiền do bố mẹ làm ra.

 

Hãy là nguồn cảm hứng sống cho các em, thay vì nói những câu như: “Con sẽ thất bại, con không thể làm được đâu. Thôi, bỏ cuộc đi con…” chỉ khiến cho các em thêm mất niềm tin vào cuộc sống này hơn thôi. Mà đã mất niềm tin rồi, thì đừng mong chờ có 1 gia đình thực sự hạnh phúc. Xin hãy nói với các em: “Không gì là không thể, nếu con thực sự muốn cái gì thì con hãy cố gắng đi và kiếm nó về!”

 

Vâng, 1 Bill Gates đã bỏ học tại trường Harvard lẫy lừng, 1 Mark Zuckerberg - Tổng Giám đốc điều hành Facebook …. cùng hàng trăm nghìn những người giàu có và thành đạt nhất thế giới và ở cả Việt Nam, đã bỏ học giữa chừng, thậm chí là thi rớt nhiều lần. Như ông Đoàn Nguyên Đức – thi đại học tới 4 lần mà vẫn chưa đỗ, giờ đây lại trở thành 1 trong những doanh nhân giàu có nhất nước ta. Hay đơn giản là trường hợp anh Lê Văn Hạnh, Giám đốc công ty vận tải Hoài Nam, đã bỏ học và vươn lên từ nghề bán kem que ven đường tại vùng quê Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương kia…

 

Xin các bậc cha mẹ hãy thay đổi suy nghĩ của chính chúng ta, nếu muốn con em mình được thay đổi theo hướng tích cực nhất.

 

Và… đừng vô tình giết chết ước mơ của các em!

 

Đỗ Cao Cường 
(Đại học Quốc gia Hà Nội)