“Mùa giáo sư”

Nói xã hội cần cũng không hẳn đúng, chính xác là tiêu chuẩn cán bộ qui định thế. Chưa nói cái tiêu chuẩn dựa vào "hư danh" đã đúng chưa, nhưng như vậy nhiều người muốn "tồn tại" phải đáp ứng.

Trước hết người viết được xin lỗi vì dùng chữ "mùa". Bởi vì nghe có vẻ là lạ và cũng chưa ai dùng. Nhưng suy cho cùng cứ đến hẹn lại lên thì dùng chữ "mùa" có lẽ là thích hợp hơn cả.

Chạy cho kịp tiến độ

Hàng năm cứ vào dịp ấy, độ ấy..., lại có việc như vậy xẩy ra, nên người ta đều gọi "mùa", như mùa thi, mùa tựu trường, mùa thu, mùa đông, mùa lá rụng hay mùa chim én bay chẳng hạn.

"Mùa giáo sư" cũng vậy, cứ đến dịp xét phong tặng là các ứng viên lại vắt chân lên cổ để chạy cho kịp tiến độ. Người nào chưa đủ tiêu chuẩn đề tài, giờ giảng thì phải hoàn thành cho kịp. Các hội đồng cơ sở thì rộn ràng bởi các cuộc họp xem xét.

Từ mùa đầu tiên đến nay, các qui định tiêu chuẩn để phong tặng Giáo sư và Phó GS ngày càng chặt chẽ. Người được vào vòng xét tuyển phải đáp ứng tám tiêu chuẩn rất cao. Các tiêu chuẩn đều được định lượng rõ ràng như: Nhận học vị tiến sỹ bao nhiêu năm mới được xét, hướng dẫn bao nhiêu luận án, có bao nhiêu công trình khoa học. Công trình khoa học được phép qui đổi như thế nào, trực tiếp giảng dạy thời gian bao nhiêu, ngoại ngữ phải thông thạo ra sao .v.v.. nghĩa là rất cụ thể và rất ... khó.

Theo thống kê, ngoại trừ đợt phong học hàm đầu tiên (năm 1976), tính từ năm 1980 đến hết năm 2011, số lượng GS là 1.432 người và Phó GS là 7.750 người.

Nhìn vào số lượng tuy đông nhưng so với đội ngũ giáo viên 70.000 người của cả nước chưa thấm vào đâu. Tính ra tỉ lệ, mới chỉ có hơn 1% giảng viên là GS và gần 5% giảng viên là Phó GS. Đây là một tỷ lệ còn thấp, nhất là so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đang đặt ra.

Điều đáng suy nghĩ, lẽ ra đội ngũ GS, Phó GS ngày càng đông, chất lượng đào tạo càng cao song thực tế không phải như vậy. Dư luận vẫn rất phàn nàn về chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay. Nghịch lý chăng, khi số lương GS, Phó GS ngày càng đông mà chất lượng có vẻ như càng đi xuống. Có người còn ví von ngày xưa sao chẳng có GS, TS vẫn đào tạo ra đội ngũ trí thức giỏi thế?

Đi sâu vào mới thấy không ít những bất cập trong thực tế.

Không phải tất cả cả số lượng GS, Phó GS trên đều trực tiếp giảng dạy. Phần đông là ở các Viện đến những cơ quan công quyền. Nghịch lý này có lẽ chỉ ở Việt Nam vì nhiều GS, Phó GS lại không gắn với nghề "Thầy".

Dường như GS còn dùng để "xã giao" cho oai.

Một thực tế, rất nhiều quan chức trong bộ máy lãnh đạo hiện nay đã có chức danh GS, Phó GS. Đành rằng nhiều người trước khi làm quan cũng đã gắn với nghề thầy, nhưng như nhiều nước họ chỉ được phong học hàm ấy khi đang giảng dạy ở một trường cụ thể. Đến khi ra khỏi trường hoặc làm quan chức không ai gọi như thế nữa (khái niệm giáo sư nói quá rõ điều này).

Còn ở ta GS, Phó GS là bất biến. Và một khi cái danh này đã gắn với người nào thì nó theo suốt cả quãng đời, nằm xuống vẫn là GS. Nhiều quan chức không dính với nghề thầy, thỉnh thoảng được mời giảng vì cơ sở đào tạo ấy, trường ấy làm ngoại giao nên mời giảng. Từ chuyện giảng dạy như thế, họ cũng muốn có danh xưng GS cho long trọng.

Mặc dù không đủ tiêu chí giờ giảng (chưa nói đến tiêu chí nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ...) nhưng họ cố tìm mọi cách để có chức danh GS, Phó GS. Đây mới là nghịch lý.
 
Cứ đến dịp xét phong tặng là các ứng viên lại vắt chân lên cổ để chạy cho kịp tiến độ. Ảnh minh họa
Cứ đến dịp xét phong tặng là các ứng viên lại vắt chân lên cổ để chạy cho kịp tiến độ. Ảnh minh họa

Muốn "tồn tại" phải đáp ứng

Thế nên, một dạo có thành phố còn có hẳn một Đề án biến tất cả công chức trong bộ máy của mình đều phải có học vị. Đến mức, dư luận đặt câu hỏi, hay địa phương ấy định biến bộ máy công quyền thành một viện nghiên cứu? Nhiều quan chức muốn có học hàm, hay họ cũng muốn biến cơ quan thành trường học chăng? Khẩu hiệu "Học, học nữa học mãi" nay mới đúng chăng?

Chính cái nghịch lý ấy nên xẩy ra chuyện "chạy". Nếu cần có tiến sỹ người ta cũng có thể chạy được. Mua cũng có, học trường "rởm" để lấy bằng cũng có. Nhiều người đã chạy cả ra nước ngoài để lấy bằng "rởm" đó sao. Và một nghịch lý nữa, có người dùng bằng "rởm" bị kỷ luật, nhưng cũng có  người không thấy ai "sờ đến", vẫn cứ lên chức lên quyền. Sao lại "nhất bên trọng nhất bên khinh" vậy nhỉ?

Nạn chạy chứng chỉ để phong học hàm thì rộ lên từ nhiều năm nay. Một trong những qui định là phải có thời gian giảng dạy trong một năm là bao nhiêu.

Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/7/2009 quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, Phó GS như sau:

Đối với ứng viên là giảng viên thỉnh giảng, Thông tư mới nêu rõ, "một thâm niên" đào tạo đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS thực hiện đủ 190 giờ chuẩn. Đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó GS thực hiện đủ 170 giờ chuẩn. Trong đó, tối thiểu phải có 50% số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp.

Tiêu chuẩn là như vậy thì đối với quan chức trong bộ máy còn thời gian đâu để giảng dạy cho đủ số giờ quy định, để mong được xét. Chưa nói đến chuyện giáo viên ở trường chỉ mong có giờ để giảng, thì lấy đâu ra thừa giờ đi mời. Họ mời chỉ là những khoa, những trường đặc biệt không có giáo viên nào đảm nhận được.

Nhưng chuyện giáo viên không đảm nhận được thì quan chức cũng không nhiều người làm được. Mà như vậy lấy đâu ra cho đủ số giờ để phong hàm cho nhiều quan chức thế? Thế là phải chạy. Nghị Quyết TƯ 5 có mấy tổng kết khá thú vị. Trước là chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án và nay thêm chạy bằng cấp, chạy tuổi.

Chạy bằng cấp thì còn có thể lý giải được. Có cầu ắt có cung, nghĩa là xã hội cần phải như vậy. Mà nói xã hội cần cũng không hẳn đúng, chính xác là tiêu chuẩn cán bộ qui định thế. Chưa nói cái tiêu chuẩn dựa vào "hư danh" đã đúng chưa, nhưng như vậy nhiều người muốn "tồn tại" phải đáp ứng.

Còn học hàm thì thật khó lý giải, chẳng có tiêu chuẩn nào ghi làm cán bộ ở cơ quan X,Y,Z này phải có chức danh ấy. Người ta làm công tác giảng dạy thì đành một nhẽ, đằng này làm công tác quản lý, cần là cần học khoa học quản lý, quản trị đất nước ấy, thế mà người ta vẫn muốn đi giảng dạy.

Mà mỗi năm thực hành giảng dạy từng ấy tiết thì lấy đâu ra thời gian để làm quản lý nhỉ? Rồi còn cả đề tài, bài báo khoa học. Phải chăng những bất cập yếu kém, thất thoát... cũng từ đó mà sinh ra? Hay như GS Hoàng Ngọc Hiến đã phải kêu lên "Cái nước Việt mình nó thế" chăng?

Một anh bạn ở một bộ nọ cho biết, bộ anh cũng có một quan chức đang trong dịp "chạy" như vậy cho "mùa GS" năm nay.

Nhưng nghe đâu cái ông Giám đốc ở một học viện nổi tiếng nhất định không đồng ý công nhận giờ giảng. Tôi cũng biết ông giám đốc ấy và mong cho các Giám đốc, các Hiệu trưởng cũng cần làm như vậy. Đó cũng là cách thực hiện tốt Nghị quyết TƯ mới ban hành.

Theo Nguyễn Đăng Tấn

Vietnamnet