Một cuộc lội ngược dòng tệ hại

(Dân trí) - “Hà Nội đang nhầm lớn! Tiến sĩ là để nghiên cứu chứ không phải làm việc quản lý hành chính sự nghiệp, giao cho họ làm, thường họ làm không giỏi đâu....”- Trần Ngọc Tuấn tuantuongdnang@gmail.com

Một cuộc lội ngược dòng tệ hại
Chúng ta đắc chí tự khen nhau nhiều cái nhất, rồi một hôm bất chợt giật mình nhận ra số giáo sư, tiến sĩ nước ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới và nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta là vì sao?

Đi tìm nguyên nhân, bỗng nhớ cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Bạn đọc cho đó là sự nhầm lẫn lớn:

“Hà Nội đang nhầm lớn! Tiến sĩ là để nghiên cứu chứ không phải làm việc quản lý hành chính sự nghiệp, giao cho họ làm, thườnghọ làm không giỏi đâu....”- Trần Ngọc Tuấn tuantuongdnang@gmail.com

Và cảnh báo cách sử dụng nguồn lực như vậy dẫn đến nhiều hệ lụy.

Hệ lụy trước nhất là tạo cho các công chức tìm mọi cách để có được tấm bằng nhằm củng cố ghế và thăng tiến:

“Tôi thấy lo sợ cho học vị ở Việt Nam. Đối với học vị cao nên để các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo sử dụng sẽ tương ứng với học vị đó. Nhà lập chính sách về tổ chức cán bộ hiện nay quá chú tâm vào trình độ của cán bộ, dẫn đến các nhà lãnh đạo, quản lý, diện được quy hoạch đua nhau chạy lấy bằng cấp nhưng không có thực chất về kiến thức. Các quốc gia phát triển luôn coi năng lực của con người cao hơn lượng kiến thức mà người đó có, vì năng lực làm việc là tố chất không phải ai cũng có, về kiến thức có thể bổ sung trong quá trình làm việc. Hầu hết các lãnh đạo trên thế giới đều có học vị không cao nhưng họ lại có nhiều văn bằng cử nhân. Việt Nam số lượng tiến sĩ làm lãnh đạo, quản lý nhiều hơn làm công tác nghiên cứu khoa học, giả sử có đơn vị đặt hàng nhà quản lý, thử hỏi rằng tiến sĩ đó có dám nhận hàng không so với những kiến thức đã được thu thập.”- Hoàng Đức Hùng congtulamtien2000@yahoo.com
 
“Bất cập là do chính sách chuộng bằng cấp. Có người có bằng tiến sĩ nhưng trình độ chỉ bằng người có trình độ trung cấp. Tiến sĩ giấy thì có. Trong khi rất nhiều người họ chỉ có bằng Đại học nhưng kiến thức, hiểu biết của họ còn trên cả Tiến sĩ. Việt Nam ưa chuộng hình thức hơn nội dung. Ưa chuộng nhãn mác hơn chất lượng sản phẩm. Cái này sai không phải do người dân, tồn tại, hạn chế này không phải do người có bằng dởm gây lên mà do cơ chế, do cơ quan quản lý.”- Dân Đen binh@gmail.com
 
“… Tuổi trẻ họ sẽ nghĩ con đường đi đến thành công là phải chạy theo cái miếng bìa cat tông mang tên bằng cấp để vào nhà nước lương cao hơn một bậc, nhàn hơn một tý, để bớt phải tư duy và không phải lao động...”- Minh Hiền baohanhtoshibhanoi@gmail.com
 
“Bây giờ có cơ chế các trưởng phó phòng phải có bằng đại học chính quy, thế là công chức đua nhau đi học thạc sĩ.” Trần Hạnh hanhtran.7@gmail.com

“Hầu hết làm Tiến sĩ là để thăng quan, tiến chức.”- HongHoa honghoak6@gmail.com

“…Thật nực cười ! có lẽ chỉ có ở VN. Ở nước ngoài việc học có thể học cho đến khi chết nhưng tấm bằng đó chỉ mang tính chất nói lên nghị lực của người học thôi . Còn ở Việt Nam thì tấm bằng đó là quyền, chức!”- Ly Cuong lycuong1963@gmail.com

Nước ngoài sử dụng tiến sĩ cho việc nghiên cứu sáng chế phát minh, còn Việt Nam lại sử dụng theo hướng ngược lại:

“Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ nhưng có ít sáng chế nào mang lại thực tiễn, trong lúc những người nông dân lại cho ra rất nhiều sáng chế. Nghĩ mà buồn.”- Camts29 camts29@yahoo.com.vn

“Chính vì yêu cầu nâng cao tỉ lệ tiến sĩ trong quan chức, mà tạo ra nguồn bằng thật học giả không kiểm soát được chất lượng tồi. Thật lạ lùng với yêu cầu như vậy trong khi thực chất lực lượng tiến sĩ nhằm để sử dụng cho nghiên cứu và giảng dạy. Vậy nếu không nghiên cứu và giảng dạy cần gì đến bằng tiến sĩ? Thật là quá mắc cở khi có nhiều tiến sĩ nhưng quá ít nghiên cứu ra hồn.”- Tùng achieunhe@yahoo.com

Và bạn đọc xấu hổ với nước ngoài về cách sử dụng các tiến sĩ theo kiểu Việt Nam lội ngược dòng xu thế chung:

“Tôi là một Tiến sĩ tốt nghiệp tại Việt Nam và hiện đang công tác tại một trường Đại học quốc gia của Nhật Bản. Sau khi đọc bài viết, có đoạn "Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản", tôi thấy quá buồn và xấu hổ bởi người Việt chúng ta đã không hiểu hết nghĩa của từ Tiến sĩ. Mục đích của việc đào tạo Tiến sĩ là để đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm quản lý. Ở trường Đại học của Nhật và các nước tiên tiến trên thế giới thì các Giáo sư và Giảng viên cũng đều có riêng 1 phòng thí nghiệm và họ phải giành 70% thời gian cho nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm, họ chỉ có 30% thời gian là giảng dậy trực tiếp thôi. Những người làm quản lý ở Nhật, trừ các trường đại học và các viện nghiên cứu thì hầu hết không có ai có bằng Tiến sĩ cả, nếu có bằng Tiến sĩ thì họ phải dấu đi, bởi vì họ sợ người khác đánh giá là họ không thể làm nghiên cứu được nên đành phải bỏ nghiên cứu và lại đi học chuyên môn về quản lý và chuyển việc.”- Bui Thi Ngan btngan5@yahoo.com

Hệ lụy thứ 2 là do sự lội ngược dòng trên đã kéo theo một loạt những tổ chức ăn theo để kiếm tiền, bất chấp chất lượng đào tạo. Có đến 21 trường đại học đã và đang có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ. Chắc chắn không ít lãnh đạo các tập đoàn, cơ quan Nhà nước có bằng Thạc sĩ của Đại học Irvine và bằng Tiến sĩ của Đại học Nam Thái Bình Dương. Cả hai trường Đại học này đều là trường rởm (degree-mill) bị báo chí phanh phui suốt mấy năm qua, dẫn đến:

“Việt Nam đang đào tạo đại học và trên đại học theo kiểu thị trường thì làm sao mà có chất lượng chứ, người học thì cần bằng, người dạy thì cần tiền. Tôi thấy bạn tôi học trung cấp rồi liên thông lên đến bằng thạc sĩ đó thôi, học thạc sĩ dễ hơn học vỡ lòng ấy mà, học một số buổi là có bằng thạc sĩ thôi mà. Đúng là vô cùng bất cập về nền giáo dục hiện nay của Việt Nam.”- Hoang anhtraicodon363@yahoo.com

“Cơ quan tôi có vị ít việc làm nên đi học thạc sĩ Hàn Quốc tại ĐHCN TPHCM. Một chữ bẻ que tiếng Anh cũng không biết, thế mà vẫn lấy được bằng thạc sĩ ngoại quốc; lại còn thi đậu CVCC, được miễn thi NN vì có Bằng Thạc sĩ nước ngoài !”- Hoàng Vũ vudai@gmail.com

“Nói chung là hiện nay chúng ta theo chỉ tiêu, theo cái bằng... để tuyển dụng. Không tuyển dụng công khai, minh bạch vì vậy những người thực tài không được làm việc... phục vụ nhân dân. Thêm vào đó là hình thức mua quan, bán tước nên hậu quả là như hiện nay. Đơn giản như việc quy định công chức phải có chứng chỉ B tiếng Anh nhưng có những người có chứng chỉ B đó nhưng không viết nổi một câu tiếng Anh. Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ... không đọc được hoặc viết một bài báo bằng tiếng anh dù là đơn giản nhất.”- Lê Thắng thelang623@yahoo.com

“Hiện nay có tình trạng thi không đậu đại học chính quy, sau đó đi học tại chức, tiếp đến đi học thạc sĩ, có trường hợp nghiên cứu sinh thành tiến sĩ. Có những "tiến sĩ giấy" viết không được một văn bản cho cử nhân duyệt, thật là nghịch lý. Cần khắc phục tình trạng bằng cấp nhiều tri thức ít, tri thức nhiều ứng dụng ít...” - Hoàng Đăng thanghdqb@gmail.com

“Không ở đâu như ở Việt Nam. Dốt không thi đậu đại học chính quy phải học tại chức! Vậy mà mấy năm sau phù phép thế nào đã làm xong thạc sĩ. Rồi có người làm luôn tiến sĩ mới choáng !!! Khiếp quá ! Cứ cái đà này "Tiến sĩ giấy" sẽ nhan nhản khắp nơi! … ĐÚNG LÀ VIỆT NAM CÓ CÁI CHỢ ĐẠI HỌC TO NHẤT THẾ GIỚI !”- Hung Van Hungvan1954@gmail.com

Hệ lụy của quan niệm đào tạo và sử dụng tiến sĩ như vậy dẫn đến những chuyện cười ra nước mắt, tai hại cho nước, nhân dân:

“Tôi có quen biết mấy vị tiến sĩ trong số hơn 24000 tiến sĩ hiện nay. Thời thanh niên họ học thường thôi, có vị học tại chức Đại học. Song lúc có quyền chức to họ bỗng dưng trí tuệ nổi trội. có học vị tiến sĩ, lại còn sáng tác thơ nhạc nữa mới tài. Xã hội tạo thuận lợi cho họ phát tiết là có thể . Nhưng khi nghỉ hưu không thấy để lại cái sáng kiến kinh nghiệm nào cho tỉnh, không còn ai hát bài của các vị TS này nữa. Lạ thật, không biết nói thế nào. Cái họ để lại là ai oán của dân tỉnh tôi và nợ nần hiện dân phải trả.... Xin lạy các vị TS kiểu này.”- Đụn Rạ duongvadampgddhy@gmail.com

Cuối cùng, bạn đọc đề nghị hãy trả các tiến sĩ về đúng vị trí nhiệm vụ của họ:

“Nói nhiều quá rồi, tiến sĩ, thạc sĩ nên đi giảng dạy hoặc nghiên cứu. Việt Nam đừng lấy học vị mà làm cơ sở bổ nhiệm nữa, kiểu tuyển công chức như của ta thì còn nhiều chuyện để nói lắm, nhưng cũng không giải quyết được gì.”- Trần Văn A a@gmail.com

Và đem hiệu quả công việc làm ngọn lửa thử vàng để lộ diện và đào thải những tiến sĩ nào là rởm, là giả:

“Tôi nghĩ nhà nước nên ra chính sách mỗi năm, từ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư phải có 1 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học, nếu không sẽ bị mất chức danh này, như vậy sẽ lòi ra ai làm khoa học thực sự ngay ấy mà.”- Nguyễn Đức Hùng hungagr@gmail.com
 
Nguyễn Đoàn (tổng hợp)