Mong tiếng dạ, thưa là thật lòng

Tôi từng rất nhiều lần đi làm giấytờ tại các cơ quan nhà nước, từng phải đợi chờ “dài cổ”, đi tới đi luinhiều bận, từng bị phiền nhiễu đòi hỏi tiền lót tay, thậm chí bị hạchsách trong khi lỗi không phải tại mình… nên tôi rất ủng hộ việc “chấmđiểm” cán bộ qua máy tính.

Chấm điểm cán bộ qua thái độ, cung cách làm việc và phục vụ người dân, theo tôi là một hình thức giám sát cần có để phân loại, đánh giá cán bộ. Từ đó người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, chu đáo, tận tình hơn.

Còn nhớ cách nay khoảng ba năm, tôi có lên phường hỏi về việc làm giấy khai sinh cho đứa cháu họ. Cha mẹ của cháu chưa đăng ký kết hôn và chỉ đăng ký tạm trú ở nhà tôi. Sau khi nghe tôi trình bày, cô cán bộ tư pháp lắc đầu, nói rất vội về thủ tục, liên quan đến điều mấy, nghị định nào đó… đến mức tôi không kịp nghe và hiểu gì cả. Khi tôi hỏi lại, cô ấy tiếp tục “tua” một lượt nhưng với thái độ rất khó chịu, cứ như là tôi đang làm gì đó khiến cô ấy sắp nổi quạu. Nói xong cô ấy quay qua làm việc với người khác, mặc cho tôi đứng đó.

Tôi về chỗ ngồi, tự nhủ muốn được việc thì phải ráng nhịn, phải kiên nhẫn và… “lì”. Chờ đợi đến lúc vắng người, tôi tiếp tục đến chỗ cô ấy và hỏi lại. Lần này cô ấy quạu thực sự: “Tôi nói đi nói lại mà bác chưa hiểu sao? Thôi bác bảo họ về quê làm giấy đi cho lẹ, khỏi chứng nhận rắc rối”. Lát sau, có lẽ thấy tôi “tồi tội” sao đó mà cô ấy lấy giấy, ghi một loạt cái gạch đầu dòng rồi đưa tôi, bảo: “Đây, bác về chuẩn bị mấy giấy này rồi đi làm khai sinh. Có vậy thôi mà nói hoài, nói hoài bác không hiểu”.

Hóa ra giấy tờ có bao nhiêu đâu, thủ tục cũng chẳng có nhiều. Nhưng nếu ngay từ đầu cô ấy nói chầm chậm, ngắn gọn cho tôi hiểu thì đỡ biết bao!

Vẫn biết rằng số lượng người dân đến làm thủ tục ngày mỗi đông, trình độ, hiểu biết lại khác nhau; cán bộ lắm khi cũng quá tải, mệt mỏi vì công việc chất chồng. Nhưng chúng tôi không muốn mỗi khi phải liên hệ công việc là mỗi lần phải lo lắng toát mồ hôi, rồi ức chế bởi cung cách làm việc nhiều khi hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ.

Tôi mong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, cư xử lịch sự, đúng mực với người dân cần phải là việc thường xuyên mỗi ngày, tạo nên phong cách làm việc lịch sự, gần gũi, tận tình của cán bộ khi tiếp xúc với người dân. Tránh rơi vào tình trạng khi có đợt thi đua, có phong trào hay “bị” chấm điểm, “bị” camera quan sát thì “gồng mình” dạ, thưa nhã nhặn, hết thi đua thì đâu lại vào đó. Và để làm tốt việc này, mỗi cán bộ hãy đặt mình vào vai trò của người dân khi đến liên hệ công việc.

NGUYỄN THỊ H. (Quận 2, TP.HCM)

(Theo báo điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh)