Bạn đọc viết:

Mong một cách nhìn cảm thông cho nghề bác sĩ

(Dân trí) - Cả cuộc đời này mọi người nhập viện được bao nhiêu lần? Những bác sĩ kia làm việc và học tập ở đó cả cuộc đời, từ khi họ còn là sinh viên 20-21 tuổi. Có thể tình cảm của họ đã chai sạn, nhưng ý thức trách nhiệm chắc chắn sẽ không thay đổi.

Bất cứ người nào có hiểu biết về ngành Y đều hiểu cắt 2 quả thận sẽ dẫn đến hậu quả gì. Chẳng có vị bác sĩ nào lại cố ý muốn bán đi danh tiếng của mình cả. Chẳng có ai muốn tự đưa mình vào vòng pháp lý cả. Còn việc sai sót đã xảy ra, do năng lực hay do cơ sở vật chất, đều không thể chối cãi. Chỉ có điều mọi người đừng vơ đũa cả nắm như vậy. Không phải tất cả các bác sĩ đều thiếu đạo đức.

Ngay từ đầu những sinh viên bước vào giảng đường ĐH Y, chỉ mới 18 tuổi đầu, có ai nghĩ đến việc sẽ nhận phong bì của bệnh nhân? Đã chọn nghề này, họ cũng phải hi sinh rất nhiều. Sáng đi học ở các bệnh viện, tiếp xúc với môi trường đầy bệnh tật, đau đớn, trưa lại chạy về trường chuẩn bị cho chiều học ở giảng đường, đến tối lại phải tự học để có thể hiểu rõ những vấn đề trong giáo trình hoặc là đi trực đêm ở bệnh viện.

Mong một cách nhìn cảm thông cho nghề bác sĩ - 1
Sinh viên ngành Y trong giờ thực tập (ảnh: internet)

Có rất nhiều sinh viên bị lây bệnh từ bệnh nhân, tôi có quen một người khi đi trực ở viện đã bị lây bệnh sởi sau đó biến chứng viêm màng não, liệt nửa người, có người bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân, có những người không chịu nổi áp lực mà mắc bệnh tâm lý, hoặc bỏ học. Mọi người có từng nghe thấy những tiếng hét giữa đêm khuya ở KTX Y vào mùa thi chưa?

Nhà tôi cách HN 200km, anh của tôi đến 28 Tết vẫn phải xuống trường đi trực, sau đó 29 Tết lại đi tàu trở về nhà, mà đi lại ngày Tết thật là mệt mỏi. Còn nếu là BSNT thì còn vất vả hơn nữa, có người đến 9h tối mới được ăn trưa, hoặc là đến 3h chiều mới được đi ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ cho một đêm thức trắng. Cậu tôi là một bác sĩ khoa ngoại, đi ra khỏi nhà từ 6h sáng, đến 8h tối mới trở về nhà, cậu tôi luôn áy náy vì không thể đỡ đần gì cho mợ tôi, từ việc nhà cửa đến chăm sóc con cái. Nhưng thật sự đồng lương của BS thật là bèo bọt.

Thực ra những kẻ tham ô, hối lộ cả nghìn tỉ đồng cũng không đáng ghét bằng một người BS đã cầm phong bì của bạn phải không? Chỉ vì con số nghìn tỉ đồng kia không phải từ trong túi của bạn chi ra mà thôi. Tôi cảm thấy rất bất công. Những kẻ học hành chẳng ra gì, gia đình có chút tiền có thể lo cho họ một chỗ làm ngon lành, sau đó cứ thế mà thăng tiến, có thể nhận hối lộ rồi. Còn một BS mất 6-9 năm học ở trường, sau đó còn phải liên tục học tập, nghiên cứu những chứng bệnh mới, những kĩ thuật mới, nhận một mức lương không tương xứng, lại nhận thêm sự chỉ trích của XH. Không phải tôi thiên vị, mọi người hãy tưởng tượng 365 ngày đều tiếp xúc với bầu không khí bệnh tật, tiếng rên la, tiếng khóc, phòng bệnh quá tải, mọi người ốm 1 năm có thể là 2-3 lần.

Cả cuộc đời này mọi người nhập viện được bao nhiêu lần? Còn những bác sĩ kia làm việc và học tập ở đó cả cuộc đời, từ khi họ còn là những sinh viên 20-21 tuổi. Có thể tình cảm của họ đã chai sạn, nhưng ý thức trách nhiệm chắc chắn sẽ không thay đổi.

Nguyễn Thùy Dương