LƯƠNG và bài toán khó quá đông công chức

(Dân trí) - Những nhận xét rất đúng và trúng về LƯƠNG của 2 chuyên gia phản biện dự thảo đề án “Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn của Chính phủ và lộ trình thực hiện đến năm 2020”, càng tạo đà thúc đẩy dư luận bình luận sâu hơn về bao điều nghịch lý vẫn tồn tại.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)
 

Phú quý giật lùi?

 

Câu hỏi đó chắc vẫn ám ảnh nhiều người dân bao lâu nay, để rồi lại tự trả lời một cách chua chát như Phasonlua Phasonlua@yahoo.com đúc kết về cái gọi là công tác cải cách tiền lương của chúng ta:

 

“Các cụ có câu PHÚ QUÝ GIẬT LÙI… Khen thay cho cách làm của những vị làm chính sách cải cách tiền lương kiểu này!”

 

Trần Tuấn tuandiem.tran90@yahoo.com nêu rõ điều cần làm ngay:

 

“Năm 1985 VN có bao nhiêu công chức? Năm 2013 VN có bao nhiêu công chức? Cứ giải được bài toán quá đông công chức như hiện nay là rõ vấn đề!”

 

Nói đi cũng phải nói lại, phân tích và so sánh thực tế hôm nay với thời điểm 1985 để đánh giá về LƯƠNG có lẽ khá là khập khiễng, như một số bạn đọc phân tích từ những khía cạnh khác nhau:

 

“Tác giả phân tích khá hay. Nhưng xin lưu ý rằng cách đây 28 năm, nhu cầu của hầu hết cán bộ viên chức chỉ lo cho cái ăn, hay nói cách khác là những nhu cầu khác bị cho là không cần thiết. Chính vì vậy có thể nói trên 90% tiền lương dành cho chi tiêu ăn uống, phần còn lại các nhu cầu khác được chi là rất nhỏ, nên lấy quy chuẩn tính ra gạo so với lương là đúng. Nay tỷ trọng chi tiêu trong đồng lương cho ăn uống đã thay đổi cơ bản (không còn dành hết cho ăn uống nữa), nên tác giả so sánh và nói rằng lương hiện nay tương đương với năm 1985 là khá phiến diện!!!” - Mai Anh Lợi: maianhloi@ymail.com

 

“Tôi thấy ông Minh (PGS.TS Ngô Quang Minh, Học viện chính trị quốc gia HCM) đã nói được nhiều vấn đề thực trạng hiện nay. Tuy nhiên nói rằng cuộc sống của công chức hiện nay đã sung túc hơn cho dù mức lương cơ sở chỉ tương đương 65kg gạo /tháng, thì cũng chỉ đúng với một số người. Đó là những người có thu nhập khác ngoài lương hoặc là những người phải vật lộn với cuộc sống để kiếm thêm thu nhập ngoài lương công chức của mình. Tôi là một công chức xã, thu nhập của tôi không có gì khác ngoài lương. Mức lương hiện tại của tôi chỉ hơn 2 triệu, tằn tiện nhất với mức chi phí ở quê cũng chỉ đủ chi cho ăn học của 2 cô con gái nhỏ. Vậy còn bao nhiêu hoạt động khác cần đến tài chính của bản thân và gia đình thì tính sao?...” - CCX: nguyenphuong1809@gmail.com

 

“Tôi thấy ông Minh nhận xét thế là chưa đúng. Năm 1985 người ta lấy mức lương thấp nhất tương đương 45kg gạo. Còn phần lớn cán bộ công chức tốt nghiệp đại học đã công tác được một số năm hưởng mức tương đường 70-80kg gì đó. Thóc gạo lúc bấy giờ quá quan trọng trong cuộc sống, hầu như chỉ cần đủ gạo ăn đã là điều mong ước của tuyệt đại đa số người dân lúc bấy giờ. Gạo là quan trọng chứ thức ăn lại không quan trọng bằng. Các hàng hóa khác thì không có hoặc cực đắt, không mấy ai dám mơ tới (chẳng hạn tivi, xe máy…) Còn hiện nay gần như không ai còn phải lo thiếu gạo ăn.... Tóm lại không thể so sánh lương cơ bản bằng 65kg gạo như thời năm 1985 được, vì nhu cầu ngày nay nhìn chung khác xưa nhiều” - Viên chức:  vienchuc@yahoo.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Vòng luẩn quẩn

 

Hình ảnh cái “vòng luẩn quẩn” và những tình thế quẩn quanh“con kiến mà leo cành đa”, lúng túng “như gà mắc tóc”… càng lộ rõ trong chính sách tiền lương, công tác cán bộ, bộ máy quản lý điều hành… của chúng ta. Tóm lại, đụng đâu đều thấy rối, thấy nhiều nghịch lý vẫn tồn tại ở đó.

 

“Cái cách làm việc của bộ máy cán bộ VN, tôi thấy vẫn là một vòng luẩn quẩn mà thôi. Nếu không tách được khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền thì làm sao có thể có những cải cách toàn diện được? Lương chưa kịp tăng, mới chỉ trên đề án thì các bác điện, nước, xăng… đã  xong đề nghị tăng giá rồi còn đâu? Thế nên theo tôi chẳng cần tăng lương công chức làm gì, cứ ổn định giá cả là được. Còn tình trạng tham nhũng thì cứ nhìn thẳng vào thực tế là thấy rất rõ, càng nhiều càng ít” - Van Ha:  vanha@gmail.com

 

“Việc gì phải tranh luận về lương và hướng đào tạo sử dụng công chức? Rõ ràng sẽ chỉ tạo ra kiểu công chức suốt ngày loay hoay vật lộn tìm cách tồn tại vì lương không đủ sống. Cũng sẽ tồn tại một lớp người ngày càng giàu nhưng...vỡ nợ lúc nào không biết, đi tù vì tham nhũng lúc nào không hay. Tạo ra lối sống làm giàu bất chấp thủ đoạn khiến băng hoại giá trị đạo đức trong xã hội. Đó chính là thực tế và tương lai gần rất đáng lo ngại của chúng ta” - Từ Việt Thắng:  tuvietthang2@gmail.com

 

“Thực sự mà nói tăng lương công chức là một yếu tố thiết yếu để nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của số đông hiện nay. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, việc đánh đồng tất cả các công chức đều được tăng như nhau và tăng đều theo thâm niên, học vấn ... thì khó có thể nâng cao chất lượng công việc được. Người tài, người có năng lực cần được trả lương xứng đáng để họ cống hiến. Ngược lại công chức ăn bám, ngồi lấy lương, làm  không bằng người khác làm cố thì tăng cũng vô ích, chỉ làm mất công bằng và bất bình trong xã hội. Rất mong các chuyên gia nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn” - Dang Hung:  danghung_mta2004@yahoo.com

 

“Mình thấy công chức là đã đỡ lo phải vật lộn với cuộc sống rồi. Vậy mà đi đâu cũng bị công chức hạch sách, nhũng nhiễu. Đi làm thủ tục giấy tờ nhà đất mà xem. 1 cửa nhưng đủ giấy tờ thì phải đến vài nơi vài lần. Mỗi lần đều có 2 lựa chọn là không làm "dịch vụ" thì thời gian là 7 hay 10 ngày. Có "dịch vụ" thì 2 ,3 thậm chí 1 ngày. Các phòng ban, sở thì thường thấy đến các doanh nghiệp nhũng nhiễu để lấy phong bì. Như mình không làm công chức thì phải nỗ lực học hỏi, làm việc rất nhiều mới có được chuyên môn và công việc gọi là tạm ổn để lo cho gia đình. Cứ thế thì đừng hỏi tại sao VN ta vẫn chậm phát triển!!!” - Nguyen Xuan Dong: dongnxvabiotech@gmail.com

 

Chuyện LƯƠNG có nói bao nhiêu cũng không hết, có lẽ đúng như Trần Tuấn tuandiem.tran90@yahoo.com nêu: trước mắt cần giải được bài toán khó quá đông công chức đi đã. Nhưng cái này e rằng còn...  khó hơn đây!

 

Kiều Anh